Trao đổi với Zing.vn sáng 18/8, ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, Bệnh viện đa khoa tỉnh vừa tiếp nhận điều trị hai cha con ông Đinh Văn Nguyên (46 tuổi) và Đinh Văn Hoa (21 tuổi, ngụ thôn Làng Chai, xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà) cùng có triệu chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.
Ông Nguyễn Tấn Đức (đứng, bên phải)- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi đến Bệnh viện thăm hai cha con ông Nguyên. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, hai cha con ông Nguyên có men gan cao bất thường, đôi bàn tay, chân có rìa tím, là những thương tổn đặc trưng của hội chứng dày sừng bàn tay, bàn chân. Bệnh nhân đau rát vùng bị thương tổn, mệt mỏi, kém ăn.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác của Sở Y tế Quảng Ngãi về xã Sơn Ba, huyện vùng cao Sơn Hà điều tra dịch tễ; phối hợp với địa phương vệ sinh môi trường, khám rà soát kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh dày sừng bàn tay, bàn chân để điều trị kịp thời phòng tránh nguy hiểm.
Thống kê của cơ quan chức năng Quảng Ngãi thời điểm cuối năm 2014, hơn 250 người mắc hội chứng dày sừng bàn tay, bàn chân, 25 người tử vong, trong đó chủ yếu xảy ra ở xã Ba Điền (huyện Ba Tơ).
Bệnh nhân Đinh Văn Hoa đang được điều trị bệnh dày sừng bàn tay, bàn chân ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng. |
Viện Vệ sinh - Y tế Công cộng TP HCM từng công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hầu hết mẫu gạo lúa lấy tại huyện Ba Tơ đều nhiễm nấm mốc. Trong đó mẫu lúa lấy ở xã Ba Nam - nơi xuất hiện những ca bệnh mới mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân - có độc tố Aflatoxin cao hơn 100 lần cho phép.
Đầu tháng 3/2013, Bộ trưởng Y tế căn cứ kết quả nghiên cứu dịch tễ học can thiệp từ tháng 5/2012 nhận định hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi là do độc tố vi nấm, chủ yếu Aflatoxin, do ăn gạo cũ mốc, trên cơ địa người bị thiếu vi chất.