Được thiên nhiên ưu đãi cùng nền văn hóa địa phương đặc sắc, Quảng Ninh là một trong những tỉnh thành có ngành du lịch phát triển tại Việt Nam. Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm, lượng khách đến Quảng Ninh là 11,74 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó lượng khách quốc tế tăng 4%, đạt 4,22 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 23.809 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là một con số ấn tượng, nhưng vẫn được nhận định là chưa tương xứng với tiềm năng của vùng đất này. Lượng khách của tỉnh lớn, song phân khúc thị trường chưa cao, mức chi tiêu thấp. Một trong những hạn chế mà ngành du lịch Quảng Ninh gặp phải là sản phẩm chưa được đa dạng hóa, cũng như thiếu hụt lượng nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Quảng Ninh có nhiều ưu thế nhờ khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. |
Để đón được 15,5 triệu lượt khách vào năm 2020 và 30 triệu lượt khách đến năm 2030, tỉnh đã đưa ra các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước hết, về định hướng chung, Quảng Ninh đặt mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020, cơ cấu kinh tế đần chuyển dịch theo hướng lấy dịch vụ du lịch làm trọng điểm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú hơn để thu hút thêm khách du lịch. Các sản phẩm sẽ được phát triển theo 4 không gian trọng điểm là Hạ Long, Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên, Vân Đồn - Cô Tô và Móng Cái. Những hoạt động văn hóa, lễ hội địa phương và quốc tế cũng được quan tâm, tổ chức với quy mô lớn, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, các sự kiện mang tính quảng bá cho du lịch tỉnh được đẩy mạnh, như trở thành đối tác tham gia và điểm đến cho cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race.
Các hoạt động, trải nghiệm tại Quảng Ninh được đa dạng hóa. |
Để cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, tỉnh đã lên kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Quảng Ninh cũng tiến hành vận động, tuyên truyền cho người dân toàn tỉnh xây dựng lối sống văn minh, thân thiện, góp phần tạo ấn tượng tốt cho du khách. Hoạt động quản lý du lịch trên địa bàn sẽ được giám sát chặt chẽ, góp phần tạo môi trường kinh doanh tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp phát triển.
Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sẽ được tỉnh đưa ra chính sách đầu tư đúng mức. Đồng thời, các khu tổ hợp, dự án quy mô lớn, điểm mua sắm, giải trí cao cấp sẽ được xây dựng tại những địa bàn trọng điểm, nhằm tăng lượng khách tham quan và lưu trú.
Nhờ những định hướng thực tế và đúng đắn, ngành du lịch Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa, đạt mục tiêu đóng góp 10-11% GDP tỉnh, tạo 100.000 việc làm và góp phần nâng vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Bình luận