H
ashtag #Metoo xuất hiện trên các trang mạng xã hội lớn mỗi ngày, kèm theo những câu chuyện đau thương mà nạn nhân (chủ yếu là nữ giới) bị quấy rối tình dục (QRTD) ở môi trường làm việc.
Một người lên tiếng có thể không ai tin. Song khi hàng triệu người, trong đó có cả nhân vật nổi tiếng và có tiếng nói, đồng lòng phá vỡ sự im lặng, QRTD không còn là vấn đề nhạy cảm, khó nói của riêng ai.
Im lặng nghĩa là phần nào thỏa hiệp
Chiến dịch #Metoo tác động mạnh mẽ tới nhiều mặt của xã hội nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hàng loạt "yêu râu xanh" là quan chức, chính trị gia, đạo diễn, diễn viên... phải trả giá bằng danh dự, sự nghiệp, thậm chí là mạng sống vì hành vi QRTD đồng nghiệp nữ.
Hashtag #Metoo cùng #ngưngimlặng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Việt những ngày qua, khi một số nạn nhân bị QRTD nhận thấy đã tới lúc không thể im lặng thêm.
Bảo - phóng viên một tờ báo ở Sài Gòn - là một trong những người đầu tiên công khai chuyện bản thân nhiều lần bị cấp trên "gạ gẫm" ở cơ quan cũ. Nữ phóng viên cho Zing.vn hay chuyện bắt đầu cách đây 2 năm, khi cô mới vào nơi đó làm và chỉ kết thúc khi nghỉ việc cách đây một tháng.
Chia sẻ của nữ phóng viên nhận được gần 5.500 biểu tượng cảm xúc, hơn 1.200 chia sẻ cùng hàng trăm bình luận sau hơn một ngày. |
Bảo kể cô ngày ấy chỉ dám tỏ ra sợ hãi, giận dữ và chửi thề sau khi "yêu râu xanh" rời khỏi. Nữ phóng viên cầu cứu một người chị đồng nghiệp trong bế tắc.
Nỗi sợ bị người trong tòa soạn bàn tán, đồn thổi cặp kè sếp... quẩn quanh trong tâm trí buộc Bảo chọn cách im lặng. Hai năm giấu kín sự thật giày vò Bảo trong cảm giác tội lỗi, tổn thương, thậm chí nghi ngờ chính mình khi không phản ứng lại những lời đùa quá trớn của cấp trên.
Cũng bởi ngày ấy, không ai nói cho Bảo biết những lời như "Qua ngủ phòng anh đi cho tiết kiệm tiền", "Đi chơi với anh, đi anh làm cho hết mệt"... không phải dạng bông đùa vô duyên, "thiếu muối". Đó là hình thức quấy rối, bên cạnh sờ soạng, gạ tình.
Một người bạn khuyên Bảo chia sẻ câu chuyện của mình như cách sao Hollywood hưởng ứng phong trào #Metoo. Nữ phóng viên chỉ ậm ừ cho qua chuyện, bởi hàng loạt nỗi sợ đã chiến thắng.
Bảo trong quá khứ đã im lặng vì sợ. |
Cho đến khi nghe tin tức về một nữ cộng tác viên bị quấy rối, Bảo cho rằng nếu im lặng một lần nữa chẳng khác nào thoả hiệp với tội lỗi. Bảo và các nữ đồng nghiệp rất có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Bảo hy vọng sau câu chuyện của mình, đồng nghiệp nào đó có đủ tiếng nói để kêu gọi liên hiệp nữ phóng viên hưởng ứng phong trào #Metoo, nếu từng bị QRTD ở toà soạn.
Không quét sạch được "yêu râu xanh", ít nhất các nạn nhân cũng không im lặng. Môi trường làm việc nói chung cần giải quyết thỏa đáng, không bao che cho cái xấu. Đó là điều Bảo hướng đến khi quyết định lên tiếng.
Giống như Bảo, nhiều cô gái như Thanh, Khánh cũng dùng hashtag #Metoo, #ngưngimlặng để kêu gọi nạn nhân bị QRTD dũng cảm nói ra sự thật.
Nạn nhân bị quấy rối tình dục trong môi trường công sở ở Việt Nam hưởng ứng phong trào #Metoo. |
Trong chia sẻ của mình, Thanh (có hơn 10 năm công tác trong nghề báo) không ngại chỉ đích danh "yêu râu xanh" là nam phóng viên từng lừa cô đi nhà nghỉ bất thành, tổng biên tập một tạp chí truyền hình, GS trường đại học.
"Trước tại group kín của lớp, tôi có nói về chủ đề QRTD nơi làm việc. Rất nhiều chuyện xảy ra nhưng mọi người không phải ai cũng dám nói", Thanh chia sẻ với Zing.vn.
7 năm trước, Khánh bị một trưởng phòng thường trú của một tờ báo lớn nhiều lần gạ gẫm, nhưng nhất quyết không chấp nhận. Sau thời gian dài chịu đựng, tìm cách đối phó khiến tinh thần luôn mệt mỏi, trầm cảm, Khánh xin nghỉ việc.
Khánh không có ai đứng ra bảo vệ. Bằng chứng duy nhất cô có trong tay là những tin nhắn gạ gẫm của "yêu râu xanh". Tuy nhiên, chúng "hết sức bình thường" trong mắt cấp trên. Vụ việc nhanh chóng chìm vào quên lãng sau quyết định ra đi của Khánh, cho đến khi được cô nhắc lại mới đây trong sự bàng hoàng của nhiều người quen, bạn bè.
Dứt khoát phản kháng hành vi quấy rối ngay từ đầu
Hơn 20 năm tư vấn mảng Hôn nhân gia đình, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết nạn nhân bị QRTD tìm tới ông chia sẻ không nhiều.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa. Ảnh: NVCC. |
Nam chuyên gia nhớ nhất chuyện một giáo sư hơn 50 tuổi gạ tình nữ nhân viên y tế kém 20 tuổi, làm việc trong phòng khám tư nhân của mình.
"Hết giờ làm việc, nam giáo sư thường bảo nữ nhân viên ở lại nói chuyện. Ông ta chỉ đề cập đến vấn đề tình dục, khoe là 'khỏe', giỏi chuyện chăn gối. Ông ta cũng sán lại gần, lấy cớ giảng chuyên môn để động chạm cơ thể cấp dưới", ông Trịnh Trung Hòa kể.
Nạn nhân lo phản kháng thì mất việc, im lặng thì áy náy, nói với chồng thì sợ không được cảm thông nên tìm đến chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhờ tư vấn.
Theo lời khuyên của nam chuyên gia, người này tìm hiểu và biết được hai nữ đồng nghiệp cũng bị GS tấn công. Họ đoàn kết lại và tỏ rõ thái độ không khuất phục nên "yêu râu xanh" từ bỏ ý định gạ gẫm. Cả ba người chọn cách lảng tránh, thay vì tố cáo với công an.
Ông Hòa nhận định kẻ QRTD trong môi trường công sở thường là sếp nên có tư tưởng chiếm hữu, tự cho mình có quyền sờ soạng, gạ tình cấp dưới.
Khoa học đã chứng minh đàn ông có xu hướng thích khám phá của lạ. Tuy nhiên, giữa thích và khám phá vẫn có khoảng cách. Những người cảm thấy bản thân có quyền hành thường dám bộc lộ hành động gạ gẫm người "dưới trướng" mình và ngược lại.
Nạn nhân bị quấy rối, lạm dụng tình dục ở nơi làm việc hầu hết là nữ giới. Ảnh: Tampa Bay Times. |
Nạn nhân bị QRTD thường là nữ giới, bởi đa số sếp là nam. Trường hợp sếp nữ quấy rối nhân viên nam ít xảy ra hơn.
Trong khi đó, nạn nhân thường bế tắc do không biết tìm tới đoàn thể, cơ quan nào để tố cáo kẻ xấu, cũng như bảo vệ bản thân. Cũng vì ngại, sợ mất việc, nhiều người chọn cách lảng tránh, nhắm mắt cho qua.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, sự im lặng của nạn nhân đã và đang dung túng cho hành động đồi bại của "yêu râu xanh". Những kẻ này hiểu nạn nhân ngầm đồng ý hoặc sợ không dám tố cáo nên được đà làm tới.
Khi đau thương dồn nén trong lòng không được nói ra, hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Nhiều nạn nhân bị quấy rối ở cơ quan trở về nhà cảm thấy như mình làm điều gì có lỗi với chồng, người yêu nên sự quan tâm, chăm sóc giảm hẳn đi. Niềm vui, hứng thú khi đi làm cũng mất hết, thay vào đó là tâm lý lo lắng, căng thẳng.
"Nếu nạn nhân bị quấy rối đến mức thô bạo, nguy hiểm, cách tốt nhất là chia sẻ với người khác, tạo dư luận. 'Yêu râu xanh' sợ lộ và mang tiếng 'dê cụ' nên sẽ thôi. Sự im lặng sẽ khiến hắn ta tưởng nạn nhân sợ hãi, không dám phản kháng và càng làm tới. Vấn đề này đòi hỏi cách xử lý tinh tế, chứ không phải đứng giữa phòng hét toáng lên: 'Tôi bị sàm sỡ, quấy rối' là đến mức tan vỡ, đổ bể rồi", chuyên gia Hòa bày tỏ.
Ông cũng cho hay nạn nhân muốn tố cáo người QRTD phải có bằng chứng, không có thể bị quy tội vu khống. Nạn nhân nên cố gắng tìm cách chụp ảnh, ghi hình để khi sự việc bị đẩy đi quá xa, buộc phải tố cáo thì có sẵn chứng cớ trong tay.
Tỏ thái độ rõ ràng, dứt khoát với mọi sự quấy rối mới chớm nở là một trong những cách bảo vệ bản thân. Ảnh: Stuff. |
Bà Trần Lệ Thuỳ - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và Phát triển MDI, người sáng lập diễn đàn Nhà báo và Bình đẳng giới - chia sẻ trên báo Phụ nữ TP.HCM rằng một trong những yếu tố cản trở nạn nhân bị QRTD lên tiếng là "văn hóa đổ lỗi" ở Việt Nam còn nặng nề.
Khi nạn nhân nói ra, ở nước ta thường có tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân hoặc xem họ như trò cười. Nhiều người chưa nghiêm túc trong bình đẳng giới cũng như xâm hại tình dục, nên không hiểu cách ứng xử trong trường hợp đó như thế nào.
Mỗi người phải tự biết bảo vệ mình trước việc bị QRTD nơi làm việc. Có thể bằng cách lên tiếng và có thái độ dứt khoát, rõ ràng đối với mọi hành động chớm nở. Nếu quá dễ dãi bỏ qua ngay từ đầu, kẻ xấu sẽ đẩy mọi chuyện đi xa hơn, khiến nạn nhân không thể phản kháng.
Chiến dịch #Metoo cũng cần được lan tỏa mạnh hơn trong môi trường công sở - nơi người làm việc thăng tiến nhờ năng lực chuyên môn, chứ không phải đáp ứng dục vọng đê hèn của cấp trên. Mạng xã hội có thể coi là phương tiện bảo vệ nạn nhân QRTD khi phanh phui việc xấu, người xấu nhanh chóng.
Quy định về phòng chống quấy rối tình dục ở Việt Nam chưa rõ ràng
Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty luật Bảo An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - trao đổi với Zing.vn xung quanh vấn đề QRTD.
- Quấy rối tình dục được thể hiện qua những hình thức nào, thưa ông?
- QRTD là hiện tượng khá phổ biến trong đời sống xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, gần đây được đề cập đến nhiều hơn, thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với quyền được sống trong môi trường lành mạnh của mỗi người, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Khái niệm QRTD được Bộ luật Lao động năm 2012 đề cập là hành vi bị nghiêm cấm. Tiếp đến, ngày 25/5/2015, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam.
Luật sư Vũ Tiến Vinh. Ảnh: NVCC. |
QRTD là khái niệm rộng, thường được thể hiện dưới dạng liệt kê. Do vậy phải được cập nhật, bổ sung thường xuyên theo sự biến chuyển của hiện tượng này trong đời sống xã hội.
Theo Bộ Quy tắc ứng xử nói trên, QRTD có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức:
+ QRTD bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
+ QRTD bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, đạo đức, văn hóa và không được mong muốn của người đối diện liên quan đến chủ đề tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục, những nhận xét cơ thể, trang phục của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ.
+ QRTD bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, nhìn vào vùng kín của người khác làm cho đối phương thấy khó chịu, cảm thấy bị xúc phạm... Hình thức này còn bao gồm việc phô bày tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
- Quấy rối tình dục bị xử lý như thế nào ở Việt Nam?
- Ở Việt Nam, do tâm lý e ngại, xấu hổ nên nạn nhân của các vụ việc QRTD thường lựa chọn giải pháp im lặng, né tránh. Chỉ khi những hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, họ mới yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết.
Mặt khác, không ít trường hợp chỉ cho rằng hành vi QRTD chỉ mang tính vi phạm đạo đức trong ứng xử của người đối diện mà không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Do vậy, mặc dù QRTD đã được điều chỉnh bằng cả hình sự và hành chính, thực tế cho thấy hiệu quả trong việc đấu tranh, đẩy lùi hành vi QRTD trong đời sống xã hội chưa cao.
Về hình sự, QRTD có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng (hiếp dâm, cưỡng dâm, làm nhục người khác...) nếu hành vi QRTD thỏa mãn các quy định được mô tả trong điều luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính, người quấy rối thực hiện những hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tài Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Quấy rối tình dục thể hiện dưới nhiều hình thức như bằng hành động, lời nói, hành vi phi lời nói. Ảnh: Blog Zuma. |
- Hiện ở Việt Nam có quy định để phòng ngừa, giải quyết và hỗ trợ khi vụ việc quấy rối xảy ra chưa? Xin ông cho biết cụ thể.
- Hiện nay ở Việt Nam, các quy định về phòng chống QRTD (đối với hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.
Bộ luật Lao động đã quy định hành vi QRTD là vi phạm pháp luật nhưng lại chưa quy định QRTD là như thế nào. Quy định về xử phạt hành chính ở Điều 5 nói trên cũng là quy định chung cho tất cả các hành vi "xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP không có quy định dành riêng cho QRTD. Do vậy, nhiều hành vi được xác định là QRTD nhưng không thuộc nhóm "cử chỉ, lời nói" cũng không thể xử lý. Ví như hành vi gửi email, tin nhắn liên quan tới tình dục cho người khác mà họ không muốn nhận hoặc phô bày phim ảnh khi nạn nhân không muốn xem.
Các quy định về giải quyết, hỗ trợ các nạn nhân bị QRTD cũng chưa đầy đủ. Ở các nước phát triển, hầu hết nơi công cộng đều có camera giám sát. Đó là nguồn chứng cứ quan trọng để nạn nhân tố cáo kẻ vi phạm. Mặt khác, khi có các camera này cũng giảm thiểu đáng kể tình trạng QRTD, bởi kẻ có ý định biết rằng họ đang bị giám sát và sẽ bị xử lý nếu vi phạm.
Đối với Việt Nam, công tác tuyên truyền, phổ biến cần đẩy mạnh hơn nữa để mọi người đều có thể nhận diện hành vi QRTD, có biện pháp phòng tránh thích hợp trong các hoàn cảnh cụ thể. Mặt khác, Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với việc xử lý hành vi QRTD để đảm bảo rằng mọi hành vi vi phạm đều có chế tài xử lý.
* Tên các nạn nhân đã thay đổi.