Quốc Bảo: 'Không tin Bảo Anh có thể đi bền với nghề hát'
Nhạc sĩ khẳng định nếu ngồi vào vị trí huấn luyện viên đội của đội Trần Lập, anh sẽ không chọn thí sinh có nickname "Búp bê" vì nghi ngờ về đường dài của cô.
Quốc Bảo - người hơn chục năm trước đã chiều đãi thị trường bằng việc đào tạo một cô người mẫu không biết hát thành ca sĩ là Ngô Thanh Vân. Nhưng cũng chính anh, sau mọi chuyện, nhận ra, không bao giờ có một hoa hậu mà lại hát hay. Càng không nên hy vọng vào các chương trình truyền hình gắn mác tìm kiếm tài năng, đó chỉ là những chiêu thức ầm ĩ để nhà sản xuất kiếm tiền từ quảng cáo, chứ tài năng thực sự hiếm khi xuất hiện.
Bất thành khi chiều đãi thị trường một người mẫu không biết hát
- Sau cuộc ầm ĩ với "Bước nhảy hoàn vũ", anh hoàn toàn im lặng. Dường như anh đang tránh những thị phi?
- Cuối năm, công việc quá bận, tôi đang dồn sức cho 3 dự án âm nhạc của mình. Người nhạc sĩ nên ẩn phía sau và làm công việc của mình nhiều hơn. Cái gì cần xuất hiện đã xuất hiện. Tôi đang thực hiện album cho Hoàng Anh. Một dự án cho năm 2013 là album của tôi và nhạc sĩ Bảo Chấn, một album khác song ca của Từ Hiền Trang và Hoàng Anh. Vậy là hết năm.
Nhạc sĩ Quốc Bảo |
- Hẳn là sự kiên định của anh phải rất lớn, bởi dòng nhạc của anh không dễ nghe, ca sĩ lại không phải gương mặt đình đám trên thị trường. Con đường này có vẻ rất khó nhọc?
- Để chiều đãi thị trường, tôi đã làm cách đây 15 năm. Tất nhiên, thị trường âm nhạc lúc tôi bắt đầu khởi nghiệp nó ngăn nắp hơn bây giờ. Lúc đó, tôi hoàn toàn phải hiểu thị trường đang muốn gì và mình chiều theo. Dần dà, tôi thấy vậy cũng là đủ. Bây giờ, tôi muốn thu bớt lại, cho những đối tượng tinh tuyển hơn, sau 15 năm họ vẫn còn theo tôi, có lúc thăng lúc trầm. Bao nhiêu năm nay tôi cứ cơm áo gạo tiền đeo bám chưa làm được, nên giờ tôi tập trung làm những điều khiến cho mình vui.
- Để làm được những dự án như anh nói, nghĩa là có những thông điệp của thẩm mỹ âm nhạc mang tính cá nhân phải có một nền tảng vững chắc về tài chính. Trong khi đó, những đĩa nhạc anh làm chắc rất khó để gây sốt. Anh có kế hoạch làm sao?
- Tôi luôn chia quỹ thời gian làm đôi. Một nửa tôi dành cho những dự án thuần túy thương mại như nhạc phim, nhạc quảng cáo... Tôi kiếm tiền từ nguồn này để nuôi những dự án mình thực sự thích, làm việc với những người mình mong muốn cộng tác từ lâu.
- Anh vừa nói tới việc cộng tác với những người yêu thích. Với Hoàng Anh, một ca sĩ vô danh được anh đưa ra ánh sáng, điều gì khiến anh ưu ái đến vậy? Bây giờ đâu thiếu những cô gái vừa hát hay và ít nhiều đã có danh?
- Đó là cái duyên, định mệnh. Chẳng hạn có những người lâu thật lâu mình không liên hệ, bỗng một ngày gặp lại, mình muốn được làm việc với họ, tôi gọi là "tái sinh duyên". Như trường hợp nhạc sĩ Bảo Chấn, người tôi sẽ cùng thực hiện album tác giả, mỗi người 5 ca khúc mới. Anh ấy sẽ hòa âm cho 5 ca khúc của tôi và ngược lại. Album sẽ là những giọng ca gắn bó với đời sống âm nhạc Sài Gòn nhiều năm như Hồng Hạnh, Cẩm Vân... Nhiều hoài niệm, nhưng lại là những cảm xúc âm nhạc rất mới.
- Như anh nói là cái duyên, nhưng cũng phải có sự đồng điệu về tâm hồn chứ?
- Tôi ngưỡng mộ anh Bảo Chấn bởi tài năng và nhân cách. Anh ấy điển hình cho phong cách nghệ sĩ Sài Gòn, điềm tĩnh, lịch thiệp và có văn hóa. Nhạc sĩ Bảo Chấn chính là người hòa âm bản phối đầu tiên ca khúc Em về tinh khôi của tôi năm 1997, đó là bản hòa âm tôi thích nhất đến giờ.
- Dường như giữa anh và nhạc sĩ Bảo Chấn còn có cả sự chia sẻ khi cả hai cùng gặp hoạn nạn, trong chuyện bị "tố" là đạo nhạc trước đây?
- Thực ra những chuyện đó cũng đúng. Năm 2004, anh Bảo Chấn gặp sự cố với Phố mùa đông. Lúc đó tôi làm phóng viên của trang âm nhạc trực tuyến Giai điệu xanh. Tôi là người trực tiếp đứng ra viết bài bênh vực anh, vì anh là một đồng nghiệp và người anh tôi rất trọng. Và tôi cũng muốn nói rõ, trong những việc như thế này, không phải ai cũng có thể chõ miệng vào bàn được. Phải có những người đủ đẳng cấp để nói. Và qua chính những bài báo đó, tôi đã khiến một người nào đó bực mình, và họ quay qua... đánh cả tôi. Nhưng thực ra, trong giai đoạn 2004, chúng tôi sống cuộc đời riêng của mình, tôi và anh Chấn cũng chẳng chia sẻ được với nhau nhiều, chủ yếu là sự đồng cảm của những người làm nghề và thấu hiểu tài năng của nhau.
"Show truyền hình không phải tìm kiếm tài năng". |
- Chúng ta vừa nói về những dự án âm nhạc nghiêm túc, kỳ công. Nhưng dường như những dự án càng mất công và càng coi âm nhạc là trung tâm hay bị rơi vào một sự im lặng đáng sợ. Còn những thứ giả vờ tôn vinh âm nhạc như các show truyền hình tìm kiếm tài năng gần như nuốt trọn tâm trí số đông. Thực tế này nghe có vẻ rất chua?
- Bao giờ cũng vậy. Tôi theo dõi diễn biến thị trường, có nhiều điều bất ngờ lắm. Ba bốn năm trước, chúng ta không hình dung được cơn sốt của truyền hình thực tế như bây giờ. Đến khi nó xảy đến, chúng ta mới nghiệm ra một số điều.
Khán giả Việt Nam vẫn rất đói những trò vui và truyền hình thực tế đang là món ăn mới có phần khoái khẩu. Dần dần họ sẽ chán, nhưng lúc này chưa. Bởi vậy, trong nghề chúng tôi nói với nhau, làm gì cũng phải thiên thời địa lợi nhân hòa. Có những sản phẩm tốt, nghiêm túc, nhưng rơi không đúng thời điểm cũng cảm thấy rất cay đắng. Tôi rút kinh nghiệm theo kiểu khác, tôi tránh làm những dự án cần phải PR rầm rộ, tôi đánh vào đối tượng hẹp nên không bị ảnh hưởng bởi cơn bão truyền hình thực tế kia. Nhưng một số đồng nghiệp làm nghề lâu năm như Quốc Trung chẳng hạn, kết hợp với Nguyên Lê và Thanh Lam... cũng chẳng ai quan tâm.
Giá trị âm nhạc lung lay trước sự xâm lấn của các trò... vui
- Qua câu chuyện của Quốc Trung với chương trình "Cội nguồn", dường như thời này những giá trị âm nhạc đang bị lung lay, trước sự xâm lấn ồn ào của những trò vui?
- Tôi không nghĩ công chúng định giá sai đâu. Họ cũng khôn ngoan lắm. Thế nhưng, họ sẽ có một thói quen nhất định. Chẳng hạn họ biết một nhà hàng rất ngon, nhưng xa quá, hoặc là kiểu cách quá cũng hơi mệt, ăn tạm một quán ăn gần nhà và giá trị văn hóa có lẽ cũng vậy. Họ đồng ý đó là những chương trình hay nhưng ở nhà bật tivi coi tạm, vì nó gần, lại không cầu kỳ gì hết.
- Vậy anh có nghĩ, nhưng chương trình ca nhạc truyền hình, hoặc mai mốt là những dạng thức khác sẽ giết chết những chương trình âm nhạc chuẩn mực ở nhà hát?
- Tại sao chúng ta không nhìn lạc quan hơn một chút? Những chương trình truyền hình lôm côm sẽ tự chết, tại sao chúng ta không lợi dụng các chương trình truyền hình thực tế như một công cụ truyền thông hữu hiệu cho những thứ nghiêm túc. Tất nhiên là không dễ, cần có những bàn tay marketing thông minh. Tôi muốn nói đừng nên ăn xổi.
- Nhân nói về các chương trình thi hát trên truyền hình hiện tại như "The Voice", "Vietnam Idol", "Sao Mai điểm hẹn"... Anh có coi đó là những cuộc thi tìm kiếm tài năng?
- Không bao giờ. Nó chỉ là trò quảng cáo mua vui, bởi vì bản thân của các chương trình như The Voice, Idol, Dancing with star... là để lấy quảng cáo. Nó là cuộc chơi tương đối đại chúng, thậm chí hơi bình dân, dành cho những đối tượng bình dân, thay thế cho dòng "sitcom" (hài kịch tình huống) khi xưa. Cái này có vẻ thú vị và hào nhoáng hơn, thu hút được số đông nhiều hơn.
- Các cuộc thi liên tục diễn ra, mà tài năng bao giờ cũng hiếm. Anh có nghĩ những nhà sản xuất âm nhạc như anh nên có những tiếng nói cụ thể, thay vì sự lẩn tránh vì sợ đụng chạm?
- Ngày trước, khi Vietnam Idol mùa đầu tiên khởi động, tôi có tham dự các cuộc họp với thiện chí đóng góp cho họ rất nhiều, thậm chí góp ý cho các thí sinh. Về sau, tôi nhận ra mình là kẻ vô cùng ngây ngô, vì đó không phải là cuộc chơi của những khả năng mà là cuộc chơi của những trò nhăng nhít, phô trương, thậm chí hơi rẻ tiền, làm sao càng quái dị càng gây ấn tượng. Dần dà tôi nhận ra chẳng nên khuyên.
Tôi cũng quen với nhiều ban tổ chức của các cuộc thi, nhưng tôi nghĩ cứ để cho họ làm. Thực tế sản xuất chương trình sẽ làm cho họ tự kiểm nghiệm, đôi khi họ sẽ tự mắc vào những cái bẫy truyền thông do chính họ giăng ra. Toàn những trò scandal vớ vẩn. Một lúc nào đó, khi khách hàng của họ không đơn thuần là các nhãn hàng quảng cáo mà là khán giả, những người bỏ tiền nhắn tin bình chọn, họ nhận ra họ sẽ dị ứng, quay lưng thì nhà sản xuất sẽ tự hiểu và điều chỉnh.
- Anh vừa nói khi khán giả nhận ra họ sẽ quay lưng. Vậy anh nghĩ sao khi truyền thông phê phán, khán giả có người bày tỏ giận dữ, nhưng lượng người xem "The Voice" vẫn tiếp tục tăng, xem xong rồi chửi, nhưng chửi rồi vẫn muốn xem?
- À, đấy là tâm lý đám đông. Họ vẫn cần theo dõi, để có chuyện chửi, không nhạt miệng thì sao (cười).
"Làm giải trí thì đừng xấu, tội lắm!" |
Trần Lập đánh mất mình ở The Voice?
- Với tư cách một nhạc sĩ, một nhà sản xuất, đứng vào trường hợp của Trần Lập trong tình huống chọn Bảo Anh tuần qua, nhạc sĩ này bị cho là lừa dối khán giả. Còn anh sẽ xử lý thế nào? Anh chọn một cô gái hát vừa vừa xinh hay chọn một cô hát cực hay?
- Nếu tôi ở vị trí của Trần Lập, chắc chắn tôi sẽ chọn một người thực sự có tài. Thực ra tôi cũng hiểu Trần Lập, cậy ấy là người làm chuyên môn thực sự, không phải ấm ớ ở đâu đó nhảy vào. Nhưng khi bước vào những cuộc chơi như The Voice, nó có những tiêu chí của nó, nó có những kịch bản của nó, và các huấn luyện viên không được vi phạm.
- Việc chọn một cô gái thật xinh rồi biến cô ấy thành một ca sĩ, hình như Quốc Bảo cũng làm 15 năm trước với Ngô Thanh Vân. Phải chăng anh nhận ra sự phũ phàng của mô hình đó?
- Không bao giờ có được một thành công thực sự lớn với mô hình đó nên cho phép tôi nghi ngờ về đường dài của Bảo Anh, tôi không tin cô ấy có thể đi bền với nghề hát.
- Nhưng có nên chỉ trích nhà sản xuất "The Voice" không khi thị trường âm nhạc hiện tại đang nhan nhản những ca sĩ có nhan sắc nhưng lại khiếm khuyết rất lớn về giọng hát.
- Đẹp cũng là một giá trị, nhưng tùy vào tiêu chí của mỗi cuộc thi họ lựa chọn. Chỉ có điều, người ta sẽ tung những hạt giống đó vào tương lai, bạn gieo hạt giống nào sẽ nhận được những hoa trái đó. Nếu là tôi, tôi phải chọn những giọng ca đi lâu bền, từ 10 năm trở lên. Bạn nhìn đi, như Cẩm Vân, như Mỹ Tâm... họ đều trên 10 năm tỏa sáng, có sự nghiệp lâu dài, không thể xuất hiện 2 năm rồi biến mất. Dĩ nhiên, làm giải trí thi đừng có xấu, tội lắm, nhưng đẹp không phải là yếu tố quan trọng nhất của một ca sĩ.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu