Dự luật mang tính bước ngoặt mở rộng quyền kết hôn cho các cặp đồng giới đã được Thượng viện Thái Lan phê chuẩn hôm 18/6, sẽ tiếp tục được đưa lên Tòa án Hiến pháp để xem xét trước khi thành luật thông qua sự phê chuẩn của hoàng gia.
Thượng viện đã bỏ phiếu cho dự luật được Hạ viện thông qua hồi tháng 3, mở đường để Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Nếu luật này vượt qua bước giám sát của cơ quan tư pháp, các cặp đôi đồng giới có thể kết hôn sau 120 ngày được công bố trên Công báo Hoàng gia.
Luật sửa đổi bộ luật dân sự và thương mại của Thái Lan, thay đổi các từ dành riêng cho giới tính thành từ ngữ trung lập, như "chồng" và "vợ" đổi thành "bạn đời", còn "đàn ông" và "phụ nữ" thành "cá nhân".
Luật cũng mở rộng các quyền lợi phúc lợi, lương hưu của chính phủ và lợi ích về thuế cho vợ hoặc chồng bất kể giới tính, đồng thời cho phép miễn trừ các tôn giáo như Cơ đốc giáo và Hồi giáo không thực hiện nghi thức kết hôn cho các cặp đồng giới.
Các cặp đôi mang theo cờ lục sắc mừng dự luật hôn nhân đồng giới được thông qua hôm 18/6. Ảnh: Shinya Sawai. |
Sirisak Chaited, người đứng đầu phong trào bình đẳng hôn nhân ở Thái Lan, cho biết: "Đây là về quyền con người cơ bản của con người. Trước đây, quyền của người LGBTQ+ đã bị vi phạm. Bằng cách đảm bảo quyền này cho tất cả, sẽ không ai bị thiệt thòi".
Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới diễn ra trong bối cảnh Thái Lan đang thực hiện nỗ lực thứ 3 để gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, một thập kỷ sau nỗ lực thứ hai của nước này bị trật bánh bởi cuộc chính biến quân sự năm 2014.
Dự luật được thông qua kết hợp các dự thảo của đảng Pheu Thai cầm quyền (hay đảng Vì nước Thái) của Srettha, đảng Tiến bước đối lập và các nhóm xã hội dân sự. Khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2023, đảng Tiến bước và Pheu Thai cam kết sẽ thông qua bình đẳng hôn nhân.
Bình đẳng hôn nhân gần như không còn gây tranh cãi trong công chúng Thái Lan, đã được hơn 80% người dân ủng hộ trong một cuộc thăm dò hồi tháng 6 của Đại học Bắc Bangkok. Hai năm trước, vấn đề này chỉ nhận được dưới 80% sự ủng hộ trong một cuộc thăm dò của Viện Quản lý Phát triển Quốc gia.
Titipol Phakdeewanich, giám đốc Regional Center for Human Rights (tại Đại học Ubon Ratchathani), cho biết: "Nhiều người thực sự tin rằng LGBT có quyền kết hôn. Họ thấy các cặp đồng tính nam tổ chức lễ đính hôn trên tin tức và cho rằng những nghi lễ đó có giá trị pháp lý".
Việc công chúng ủng hộ quyền kết hôn đồng tính là một chiến thắng khó khăn của cộng đồng LGBTQ+ trong hơn hai thập kỷ, trước sự phản đối của những người bảo thủ xã hội và tôn giáo. Số phận của dự luật trở nên không chắc chắn sau khi nhiệm kỳ của Thượng viện kết thúc hồi tháng 4 mà không có phiếu bầu, nhưng các Thượng nghị sĩ đã quay trở lại phiên họp đặc biệt vào thứ ba để bỏ phiếu về bình đẳng hôn nhân và bổ nhiệm tư pháp.
"Một số người có quan niệm rằng hôn nhân chỉ tồn tại khi nam và nữ có thể sinh con cùng nhau. Họ nói LGBTQ+ không phải là bẩm sinh nhưng chúng tôi phải nói rằng mình cũng là con người giống như họ", Tunyawaj Kamolwongwat, một nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính và là thành viên quốc hội của đảng Tiến bước, người đã đệ trình dự luật bình đẳng hôn nhân đầu tiên cách đây 4 năm, nói.
Nhiều cặp vợ chồng đồng giới, cầm theo cờ lục sắc, đã khóc khi kết quả bỏ phiếu được thông báo bên ngoài phòng Thượng viện hôm 18/6. Trong số đó có Kwanporn Kongpetch và Ploynaplus Chirasukon, đều 32 tuổi, đã ở bên nhau 16 năm và dự định kết hôn sau thời gian gia hạn 120 ngày.
"Nếu chúng tôi chưa kết hôn thì tài sản của tôi không phải là của cô ấy và chúng tôi phải chi trả mọi thứ riêng biệt. Nếu một trong hai gặp tai nạn, chúng tôi không thể đưa ra quyết định về sức khỏe cho nhau. Nếu có giấy đăng ký kết hôn, chúng tôi có thể kết nối mọi phần trong cuộc sống", Kwanporn nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.