Đây là nội dung được đề cập tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, được Quốc hội thông qua sáng 13/11.
Quốc hội yêu cầu ngành giáo dục đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch Covid-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh.
Các đại biểu nhấn nút biểu quyết sáng 13/11. Ảnh: Quochoi.vn. |
Cụ thể, đầu năm 2022, ngành giáo dục cần tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học để có giải pháp bảo đảm chất lượng. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế sớm triển khai chương trình tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho học sinh, đảm bảo an toàn trường học.
Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho năm 2022 cần sớm được hoàn thiện, bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Quốc hội cũng lưu ý việc thanh tra, kiểm tra, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm.
Quốc hội yêu cầu ngành giáo dục cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; có giải pháp cụ thể, sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ GD&ĐT cần khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách đặc thù để bảo đảm chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.
Trong phiên chất vất ngày 11/11, các vấn đề dạy học trực tuyến, "sạn" trong sách giáo khoa, dạy thêm, thừa thiếu giáo viên, được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi, tranh luận với Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, dạy học trực tuyến là phương án phù hợp nhất. Toàn ngành đã chuyển sang dạy học gián tiếp trong điều kiện rất khó khăn.
Thực tế, hơn 1,8 triệu học sinh (không phải 1,5 triệu như thống kê hồi đầu năm học) hiện không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em nhưng chỉ có một điện thoại để học. Ưu tiên hàng đầu là quan tâm, hỗ trợ những em không có thiết bị, đang dần dần bỏ học.