Chiều 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Một trong những nội dung được đề cập trong nghị quyết là phần chi cho giáo dục đào tạo.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị giải trình về khoản chi đối với Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời, các đại biểu đề nghị ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa và giáo viên phổ thông.
Ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội. |
Theo ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 Chính phủ báo cáo Quốc hội đã bố trí kinh phí cho các đề án đào tạo của ngành giáo dục.
Trong đó, Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 (Đề án 911) dựa trên chỉ tiêu đào tạo theo kế hoạch, mức chi từ nguồn ngân sách theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức và khả năng triển khai thực tế.
Năm 2018, mức bố trí cho Đề án 911 dự kiến giảm mạnh so với các năm trước, nhưng vẫn phải duy trì một phần để tiếp tục đảm bảo kinh phí đào tạo các lưu học sinh đã tham gia nhập học những kỳ tuyển sinh trước đây.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các đề án nói chung của ngành giáo dục và Đề án 911 nói riêng để đảm bảo việc sử dụng kinh phí được hiệu quả, tiết kiệm.
Theo Đề án 911, việc đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 thực hiện theo các hình thức như sau: Đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Đào tạo khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở trong nước. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 14.000 tỷ đồng.