Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc Trung: 'Giúp họ xây nhà lầu, mua kim cương thì tôi là một HLV tồi'

"Ca sĩ không thể giống với võ sĩ được. Thật đáng lo ngại khi nghệ sĩ trẻ lại mang theo hành trang vào nghề với cách xây dựng sự nghiệp ăn tươi nuốt sống và áp đảo những đồng nghiệp, ngay cả những người đứng cùng sân khấu với mình", giám khảo này nói thêm.

Quốc Trung: 'Giúp họ xây nhà lầu, mua kim cương thì tôi là một HLV tồi'

"Ca sĩ không thể giống với võ sĩ được. Thật đáng lo ngại khi nghệ sĩ trẻ lại mang theo hành trang vào nghề với cách xây dựng sự nghiệp ăn tươi nuốt sống và áp đảo những đồng nghiệp, ngay cả những người đứng cùng sân khấu với mình", giám khảo này nói thêm.

Nhạc sĩ Quốc Trung trên chiếc ghế nóng của Vienam Idol.

- Trong đêm đầu tiên phát sóng, "Vietnam Idol" được nhiều người đánh giá là “lép vế” so với "The Voice". Là một giám khảo của chương trình, anh nghĩ sao?

- Mới ở những tập đầu tiên thì cũng chưa đánh giá được nhất là khi chương trình còn lại đang có scandal thì sức hút lại càng mạnh. Tuy nhiên, mọi người đừng tạo nên một thói quen so sánh nhất là trong âm nhạc và nghệ thuật. Theo tiêu chí nào để đánh giá về sự thành công? Có thể không ồn ào nhưng lại thành công về mặt nghệ thuật hay ngay cả kinh tế nếu nhà sản xuất giỏi.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh là điều cần phải có để nhà sản xuất cố gắng hơn, từ đó mang lại chất lượng cho khán giả. Mỗi chương trình và nhà sản xuất cũng phải tìm cho mình sự hấp dẫn riêng để có thể có được những khán giả riêng cho mình.

- So sánh giữa hai chương trình truyền hình này, theo anh, "Vietnam Idol" có điểm mạnh và yếu gì so với "The Voice"?

- Tôi không thích so sánh và lại chẳng hiểu biết về chương trình truyền hình thực tế nhiều để có thể so sánh được.

- Anh có tự hào khi đa số các thí sinh của "Vietnam Idol" hát bằng tiếng mẹ đẻ?

- Tiêu chí của mỗi chương trình khác nhau và với các thí sinh Idol thì chúng tôi không khuyến khích và đánh giá qua những bài hát tiếng nước ngoài.

- Ở tập phát sóng đầu tiên của vòng "Đối đầu", Hồ Quỳnh Hương có dạy thí sinh rằng 'Ở đoạn này, khi đối thủ vừa dừng lại, em đừng đợi dứt nhạc mà phải nhảy vô liền, vì đó là cơ hội để em áp đảo đối phương'. Theo anh, cách dạy này sẽ hại hay giúp cho thí sinh thành công hơn?

- Đó có thể là phương pháp sư phạm mới và nó phù hợp với tiêu chí và mục đích của chương trình, nhưng tôi nghĩ ca sĩ không thể giống với võ sĩ được. Thật đáng lo ngại khi nghệ sĩ trẻ lại mang theo hành trang vào nghề với cách xây dựng sự nghiệp ăn tươi nuốt sống và áp đảo những đồng nghiệp, ngay cả những người đứng cùng sân khấu với mình.

- Qua vòng "Đối đầu" của "The Voice", anh thấy các HLV đã dạy được các thí sinh của họ những gì?

- Thôi đừng hỏi tôi về chương trình đấy nữa. Hãy xem họ đào tạo học sinh, gà ruột của họ với thời gian lâu hơn nhiều như thế nào thì sẽ đánh giá được thôi. Từ số 3 lến số 5,6 thì rất dễ nhưng từ số 6 mà lên số 9-10 thì có khi mất cả đời. Nếu cứ thế thì ai cũng sẽ chạy được như Usain Bolt và Việt Nam sẽ có đầy huy chương vàng Olympic rồi.

- Đặt trường hợp anh làm huấn luyện viên cho các thì sinh này. Họ sẽ khá hơn không?

- Nếu theo mục đích là nổi tiếng nhanh, xây nhà lầu, mua kim cương thì tôi sẽ là 1 huấn luyện viên tồi.

- Anh có thể chia sẻ trong những thí sinh của "Vietnam Idol" năm nay mà anh đã lựa chọn, có ai có “tiềm năng” trở thành hiện tượng như Hương Tràm, Bùi Anh Tuấn, Bảo Anh… của "The Voice"?

- Tôi chẳng thích những "hiện tượng" và cũng sẽ không chọn những thí sinh như thế.

- Từ đâu anh nảy sinh ý tưởng thực hiện dự án âm nhạc "Nguồn cội"?

- Từ khi nhận được sự đồng ý tham gia của các nghệ sĩ khách mời tôi bắt đầu tìm và xây dựng ý tưởng cho dự án. Điểm chung của tôi và các nghệ sĩ tham gia dự án, chúng tôi đều hướng về nguồn cội để tìm bản ngã và cá tính âm nhạc cho riêng mình. Và nó cũng làm nên thành công cho sự nghiệp âm nhạc của chúng tôi.

- Cách đây gần 10 năm, dự án âm nhạc "Đường xa vạn dặm" của anh đã gây tiếng vang. Anh đánh giá mức độ thành công của "Nguồn cội" lần này như thế nào?

- Nguồn cội sẽ khó khăn hơn Đường xa vạn dặm vì thể loại và phong cách không còn mới mẻ hay lạ lẫm với công chúng nữa và tư duy âm nhạc của tôi cũng không còn như trước. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng tìm đến đúng khán giả của mình và của thể loại âm nhạc mà mình theo đuổi nên vẫn hy vọng nó có một đời sống phong phú và lâu dài.

- Trong khi âm nhạc Việt Nam đang loay hoay một chỗ với quá nhiều khó khăn và tranh cãi, anh lại thực hiện một chương trình để nghệ sĩ Việt Nam được giao lưu và hợp tác với những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Điều này có quá mạo hiểm?

- Tôi không biết những dự án như thế này sẽ đóng góp cho đời sống âm nhạc Việt đươc bao nhiêu, nhưng nếu việc mạo hiểm cho một dự án thế này sẽ mang lại những động lực, cảm hứng cho tôi và toàn bộ ê-kip tham gia thì tôi không ngại. Đây cũng là dịp để chúng tôi học hỏi, cọ xát và biết được bản thân mình còn thiếu và cần phấn đấu như thế nào để đạt được tới những đẳng cấp nhất định.

- Khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải khi thực hiện dự án này là gì?

- Khó khăn đầu tiên là kinh phí, phần đầu tư của dự án dường như không hề có cơ hội để thu lại, thậm chí rất ít. Tiếp đó là việc thuyết phục các vị khách mời đến Việt Nam, vì họ đòi hỏi phong cách làm việc tập trung và chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó còn là sự quan ngại ghê gớm tới việc bảo vệ bản quyền cho những sáng tạo nghệ thuật và tác phẩm âm nhạc của chúng tôi. Tuy nhiên, ít nhiều tôi vẫn nhận được sự ủng hộ một cách vô tư và văn hoá của Vidogroup và InterContinental Hanoi Hotel,  người bạn yêu nhạc và thân thiết của tôi trong suốt nhiều năm, qua những dự án từ Đường xa vạn dặm, nhạc phim Chuyện của Pao, Cánh đồng bất tận… Đó là món quà và sự động viên lớn trong hoàn cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.

- Những tranh cãi, lùm xùm trong thời gian vừa qua có gây ảnh hưởng gì cho anh trong việc chuẩn bị cho dự án này không?

- Nó cũng làm phân tán sự quan tâm của tôi vì phải trả lời rất nhiều phỏng vấn và câu hỏi về việc này. Tôi đoán là thể nào chị cũng sẽ hỏi về việc đó.

- Sau vòng "Đối đầu" của "The Voice" diễn ra, không ít người đã công nhận phần thắng nghiêng về Thanh Lam. Anh và chị ấy chia sẻ điều này như thế nào?

- Thôi, tôi đã nói rồi. Chúng tôi là nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ chứ không phải "đấu sĩ" để mà quan tâm kẻ thắng người thua. Tôi xin thua luôn!

Dự án âm nhạc Nguồn cội là sự giao thoa giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc thế giới, với sự hòa trộn nhiều màu sắc của các thể loại nhạc như jazz, world music, nhạc điện tử, nhạc dân gian, cùng những hình thức âm nhạc thể nghiệm… Đặc biệt, những khách mời của Nguồn cội là nữ ca sĩ Thanh Lam, nhạc sĩ/nghệ sĩ Pháp gốc Việt Nguyên Lê, nhạc sĩ/nghệ sĩ Dhafer Youssef (Tunisia) là một trong những gương mặt của dòng world music thành công nhất của Bắc Phi và âm nhạc Ảrập, nghệ sĩ Rhani Krija, là nghệ sĩ bộ gõ nổi tiếng gốc Marocco.

Để đánh dấu cho sự khởi đầu của Nguồn cội, vào ngày 1/9 tới đây, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội sẽ diễn ra một buổi biểu diễn mang tên Khởi nguồn với sự tham gia của các nghệ sĩ có tên trên cùng một số các nghệ sĩ trẻ khác.

Phương Giang

Theo Infonet.vn

Phương Giang

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm