"Monsoon Music Festival năm 2014, tôi lỗ 600-700 triệu nhưng được một người bạn cho 200 triệu, một người khác cho 300 triệu nên coi như không lỗ. Năm 2015, tôi lỗ hơn một tỷ, người bạn năm trước lại cho 300 triệu, tiền lỗ còn lại là hơn một tỷ đồng.
Năm vừa rồi, 2016, kết thúc chương trình, tôi tự tính thì lỗ hơn một tỷ nhưng đến khi ê-kíp ngồi tính lại với đầy đủ giấy tờ thu chi thì con số là 2.5 tỷ đồng", Quốc Trung nói trong ngập ngừng nhưng không lấy gì làm buồn dù đó là tiền thật của anh, mồ hôi và nước mắt.
Hỏi nhạc sĩ về những nhà tài trợ, anh thừa nhận nếu không có họ, số tiền lỗ còn lớn hơn như vậy. Nhưng có một thực tế là Monsoon Music Festival không có nhiều nhãn hàng đồng hành như mọi người vẫn tưởng, thậm chí còn đang có vẻ ngày càng ít đi.
Quốc Trung là tổng đạo diễn, đồng thời cũng là người kiến tạo của Monsoon Music Festival. |
Vị tổng đạo diễn ngậm ngùi cho biết muốn có nhiều nhà tài trợ thì phải có sao quốc tế hạng A nhưng Monsoon Music Festival thường không có sao, thậm chí còn mời những gương mặt mà phần đông khán giả Việt chẳng ai biết.
Năm nay, có đơn vị treo hơn 30 tỷ đồng nếu Quốc Trung mời được Justin Bieber. Nhưng số tiền này, tất nhiên chỉ là "ảo ảnh" vì Monsoon 2017 lại chọn nhạc indie. Và tất nhiên, lại là những cái tên có phần xa lạ.
Quốc Trung của Monsoon: Một Quốc Trung rất khác
Quốc Trung của Monsoon Music Festival khác với Quốc Trung ở tất cả chương trình khác. Ở Lễ hội Âm nhạc Gió mùa này, tác giả của Tre xanh ru không chỉ là tổng đạo diễn mà còn là người kiến tạo và kiêm nhiệm luôn cả trách nhiệm về mặt tài chính.
Không một đơn vị nào đứng đằng sau, thế nên, vị nhạc sĩ cho biết năm nào anh cũng mất ăn mất ngủ. Những người thân cận với Quốc Trung thì tiết lộ trong năm anh dành thời gian đi các lễ hội âm nhạc trên thế giới, còn những ngày gần đây thì đóng cửa làm nhạc, họa chăng có đi đâu hay phát ngôn điều gì cũng chỉ vì Monsoon Music Festival.
"Tại sao anh phải làm như vậy? Anh có sợ người ta bảo mình điên không?", trước câu hỏi có phần thẳng thừng, Quốc Trung bịt hai tai và tự xoa đầu. Anh nói gì đó không rõ ý nhưng có thể hiểu là "chả nhẽ chúng ta lại không có nổi một lễ hội âm nhạc, chẳng nhẽ không có gì đó để quảng bá, để người ngoài biết đến".
"Tôi thà đổi tên còn hơn mất Monsoon", Quốc Trung nói vậy với giọng của một người nghệ sĩ cực đoan. Anh cũng tuyên bố "Là nghệ sĩ thì đừng chiều chuộng khán giả". Không chiều chuộng đã đành nhưng tổng đạo diễn của Lễ hội Âm nhạc gió mùa còn sẵn sàng đối đáp, thậm chí tranh luận cả với... cộng đồng mạng.
Quốc Trung cho biết 3 năm liền Monsoon đều lỗ. |
Mới đây, Quốc Trung đăng tải một bài viết khá dài trên trang cá nhân. Nhạc sĩ tỏ ra than phiền khi nhiều khán giả cho rằng "giá vé đắt", "không có nghệ sĩ quen". Thói quen đến với lễ hội âm nhạc của công chúng thủ đô cũng không làm vị tổng đạo diễn hài lòng.
Anh bảo có năm, chương trình chưa hết khán giả đã "lũ lượt ra về". Nghệ sĩ quốc tế hỏi "Tại sao mọi người về đông thế?", Quốc Trung ngượng cháy mặt nhưng đành phải bịa "Mọi người về sớm vì mai là thứ 6 phải đi làm".
Kinh phí không có, khán giả "chưa được như kỳ vọng" đã đành nhưng đến địa điểm tổ chức, Quốc Trung thú thật cũng không dễ dàng. Dù Monsoon Music Festival đã đăng ký địa chỉ thời gian tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long trước cả năm trời nhưng lịch có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào. Đó là lý do năm nay, chương trình phải lùi sang tháng 11 thay vì tháng 10 như đã định.
Không rơi lệ dù có 'tiến thoái lưỡng nan'
"Ngổn ngang trăm mối tơ vương", là người khác, có thể sẽ chọn cách rơi nước mắt vì ít ra phải để công chúng hiểu để có được Monsoon Music Festival, một người phải bạc tóc. Nhưng Quốc Trung không chọn cách như vậy. Anh chọn cách cực đoan đối diện với khó khăn, thậm chí bằng thái độ có phần tự tin và vui vẻ.
Quốc Trung tham vọng xây dựng một lễ hội âm nhạc mang thương hiệu Hà Nội, để những khán giả Việt không cần ra nước ngoài với những điểm đến như Thái Lan, Hàn Quốc mới cảm nhận được không khí "festival".
Hơn thế, nhạc sĩ còn kỳ vọng công chúng sẽ đến với Monsoon với tinh thần âm nhạc nhất có thể, phóng khoáng, cởi mở và tất nhiên đừng than phiền nếu trên sân khấu là những gương mặt mình chưa từng biết tới. Hay là được, yêu là được và "đã yêu thì đừng hẹp hòi".
Nhưng Quốc Trung với tư cách người kiến tạo cũng chỉ mới thực hiện được một phần của tham vọng, Monsoon Music Festival đã thành một thương hiệu nhưng thói quen đến với lễ hội âm nhạc của khán giả thủ đô mới chỉ bắt đầu được hình thành.
Trong khi đó, dường như vì rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", Quốc Trung buộc phải hy sinh không chỉ tiền bạc, công sức nữa mà còn là thương hiệu của chính "đứa con tinh thần". Monsoon Music Festival từ năm 2016 đã phải gắn với tên thương hiệu của một nhãn hãng - điều khiến nhiều khán giả ruột tiếc nuối, thậm chí thấy hơi "kệnh".
Một người cực đoan như Quốc Trung, đồng ý cho tên nhãn hãng vào Monsoon hẳn là một sự hy sinh không dễ dàng. Nhưng trong bối cảnh tiền bù lỗ tăng lên hàng năm, anh cũng chẳng có cách nào khác. Có còn hơn không và đúng như Quốc Trung nếu không có nhãn hàng, tiền túi mà anh phải bỏ ra còn nhiều hơn con số 2.5 tỷ đồng của năm 2016.
Monsoon 2017 là năm của nhạc indie. Da LAB là nhóm nhạc underground tham gia chương trình năm nay. |
Trên trang cá nhân, tổng đạo diễn của Monsoon Music Festival mới chia sẻ ca khúc Tiến thoái lưỡng nan của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, do tri kỷ âm nhạc Thanh Lam trình bày. Không biết với Lễ hội Gió mùa, anh đã bao giờ rơi vào tình cảnh đó chưa.
Monsoon giống như một ván bài của Quốc Trung nhưng lại không theo quy luật "được ăn cả ngã về không". Với Monsoon, nếu có lãi Quốc Trung cũng chẳng được hưởng cả - điều đó chẳng khó để nhận ra. Còn nếu "ngã", tức lỗ, không phải về không nữa mà là về âm.
"Giữa những khó khăn như vậy, anh có bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ dừng lại?". Quốc Trung thở dài "Câu hỏi khó". Sau đó, anh thẳng thắn khẳng định anh sẽ vẫn làm Monsoon Music Festival bằng mọi giá.