Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy định nhập ngũ mới: Cần linh hoạt thời gian

Mặc dù đồng tình với quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn còn rất lo lắng, họ cho rằng cần linh hoạt hoặc giảm thời gian nhập ngũ.

Quy định nhập ngũ mới: Cần linh hoạt thời gian

Mặc dù đồng tình với quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn còn rất lo lắng, họ cho rằng cần linh hoạt hoặc giảm thời gian nhập ngũ.

Phụ huynh lo lắng, giáo viên cần hỗ trợ tâm lý học sinh

Trao đổi với nhiều gia đình về việc Bộ Quốc phòng và Bộ GD - ĐT vừa công bố Thông tư liên tịch số 13/2013/TTLT-BQP-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về việc tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam, đa phần các bậc phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo lắng.

Anh Trần Mạnh Hùng (Đội Cấn, Hà Nội) chỉ có một cậu con trai duy nhất, năm nay cũng đang học lớp 12 và chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Khi được biết về thông tin này, anh Hùng chia sẻ: “Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là chính đáng. Tuy nhiên, nếu theo quy định này con trai tôi vẫn có thể bị gọi nhập ngũ khi cháu đỗ đại học. Điều đó làm chúng tôi hết sức lo lắng đến tương lai của cháu sau này”.

Đối với gia đình chị Trần Thị Định (Trực Ninh, Nam Định), quyết định này cũng gây hoang mang cho cả nhà. Chị Định tâm sự: “Cả nhà chỉ có mỗi thằng út là thông minh, học giỏi vì vậy chúng tôi cố gắng làm lụng dù vất vả nhưng vẫn hướng cho cháu phấn đấu đỗ đại học để sau này có nghề về đỡ đần bố mẹ. Nếu theo như quy định này cháu nhà tôi sẽ mất thêm 2 năm trong quân ngũ. Năm nay hai vợ chồng tôi đã ngoài 60 và ngày một già yếu, liệu có đủ sức để sau đó tiếp tục nuôi con ăn học”.

Thời gian gần đây, khi thông tư này được ban hành và chuẩn bị đi vào thực hiện, điều đó không chỉ gây hoang mang, lo lắng trong các gia đình có con trai đang chuẩn bị thi đại học, cao đẳng mà còn gây nên những khó khăn cho các giáo viên chủ nhiệm lớp cuối cấp.

Chị Mai Thị Thanh đang dạy học tại một trường cấp 3 tại Nam Định cho biết: “Tôi là giáo viên chủ nhiệm của một lớp 12. Thời gian này các em đang tập trung cao độ vào việc học tập để thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng. Tuy nhiên khi nghe thông tin về quy định nhập ngũ mới, nhiều nam sinh trong lớp đang có tâm lý không tốt. Điều đó khiến tôi hết sức vất vả trong việc ổn định tâm lý, không làm ảnh hưởng đến việc học của các em”.

Cùng hoàn cảnh, anh Lê Thanh Đương (giáo viên cấp 3 tại Cao Bằng) chia sẻ: “Theo tôi được biết, đối với các thí sinh đỗ đại học, cao đẳng vẫn được bảo lưu kết quả sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục được đi học. Chương trình tại đại học rất khác so với phổ thông, vì vậy các bậc phụ huynh không nên lo lắng con em mình không thể theo học. Còn đối với những em không đỗ đại học, cao đẳng năm nay thì thời gian này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kiến thức của các em bởi không được ôn luyện thường xuyên. Nhưng cơ hội vào học cao hơn đối với các em vẫn rộng mở nếu thực sự quyết tâm”.

Kiến nghị từ phía các bậc phụ huynh

Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng thông tư này đã được công bố và chuẩn bị đưa vào thực hiện. Vì vậy bên cạnh việc thể hiện những băn khoăn, lo lắng của gia đình, nhiều phụ huynh đã có những kiến nghị rất thiết thực.

Chị Nguyễn Thị Mai (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Theo tôi quy định này nên mở theo hướng thay đổi thời gian thực hiện nghĩa vụ một cách linh hoạt hơn. Có thể theo hướng tùy hoàn cảnh, điều kiện của từng cá nhân có thể quyết định thời gian nhập ngũ. Không nhất thiết là thời điểm khi các cháu vừa thi đại học xong”.

Đối với việc so sánh quy định nhập ngũ của Việt Nam với các nước khác như Hàn Quốc cũng khiến nhiều phụ huynh phản đối. Anh Trần Thái Duy (Đông Anh, Hà Nội) khẳng định: “Nếu đem so sánh với Hàn Quốc là không đúng, bởi đất nước họ còn đang trong tình trạng chia cắt, họ luôn cần một lực lượng quân đội hùng mạnh, thường trực còn nước ta hiện đang trong thời gian hòa bình. Việc cần làm là tập trung xây dựng, phát triển kinh tế bằng việc phát triển một lực lượng trí thức có tài. Hơn nữa, nếu quy định đưa ra hợp lý, theo sát thực tế và được thực hiện nghiêm ngặt ở các địa phương sẽ không còn ai phản đối”.

Về thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự là hai năm, theo nhiều ý kiến là khá dài và ảnh hưởng đến quá trình học tập, làm việc của thanh niên. Anh Lê Phong (Nam Định) cho rằng: “Theo tôi, thông tư này có hai mặt của nó. Thứ nhất, nó giúp chúng ta tăng cường kiến thức hiểu biết về quốc phòng của thế hệ trẻ, nâng cao tinh thần và ý thức trách nhiệm, đồng thời góp phần hoàn thiện thể lực của thanh niên. Nhưng Bộ Quốc phòng nên xem xét lại, rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của các cháu”.

Trong khi đó, đại tá Nguyễn Minh Diệp, Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng còn cho biết: “Hiện nay thanh niên rất đông, không thể gọi hết mấy triệu cháu đi nghĩa vụ được vì chúng ta không đủ doanh trại, chưa đủ cán bộ để huấn luyện”.

Ý kiến này khiến nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn vì còn nhiều “khe hở”. Việc bắt buộc tất cả các nam công dân trong độ tuổi từ 18-25 phải thực hiện nghĩa vụ quân sự là hợp lý và đúng đắn. Điều đó giúp thế hệ trẻ xây dựng lòng yêu nước, trách nhiệm đối với Tổ quốc, ý chí dũng cảm, kiên cường vươn lên vượt qua khó khăn.

Nhưng liệu thay đổi này có thực sự hiệu quả, bởi một câu hỏi đặt ra đó là việc khám tuyển, và xét trúng tuyển nhập ngũ tại các địa phương có được làm công khai, minh bạch? Còn bộ phận không đủ sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ quân sự liệu có đảm bảo đủ điều kiện để học tập hay không?

Vì vậy, đa số các cha mẹ khi được hỏi về vấn đề này đều cho rằng đây là quy định cần thiết nhưng trước khi đưa vào thực hiện, Bộ Quốc phòng, Bộ GD – ĐT cần tiến hành các cuộc trưng cầu ý kiến của nhân dân, lắng nghe những băn khoăn, lo lắng của họ để điều chỉnh cho “hợp lòng dân”.

An Hoàng

Theo Infonet

An Hoàng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm