Trao đổi với Zing.vn ngày 4/10, một số luật sư cho rằng dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến dư luận có nội dung chồng chéo luật.
Cụ thể, điều 32 của dự thảo ghi: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học".
Nên xem xét kỷ luật hơn là xử phạt hành chính
Luật sư Đỗ Hải Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng điều 32 của dự thảo chung chung, không cần thiết và gây chồng chéo về mặt luật pháp, nếu triển khai trong thực tế.
Theo luật sư Bình, khoản 2, điều 32 của dự thảo quy định "Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học", tuy nhiên lại không nếu rõ hành vi xâm phạm thân thể người học là gì.
Hành vi đánh học sinh gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe đã có quy định trong Bộ luật Hình sự (thương tích trên 11%). Trong trường hợp giám định thương tật dưới 11%, việc xử phạt hành vi này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật dân sự. Mặt khác, các hành vi vi phạm dẫn đến phạt tiền đều phải tuân thủ theo luật xử phạt hành chính.
Do đó, nếu dự thảo được thông qua, điều 32 của nghị định sẽ chồng chéo những quy định của luật hiện hành.
Tương tự, luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng điều 32 của nghị định không nêu trường hợp cụ thể, gây khó khăn cho việc tiếp cận.
"Xâm phạm thân thể nhưng ở khía cạnh cố ý gây thương tích, gây tổn thương cơ thể, sức khỏe của người học, thì thuộc quy định của Bộ luật Hình sự. Bộ GD&ĐT không nên can thiệp vào việc giáo viên đánh học sinh, vì đã có luật quy định; đưa vào nghị định này sẽ bị thừa và chồng chéo với những điều luật khác", luật sư Hiệp cho biết
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn luật sư TP.HCM, nêu quan điểm quy định ở điều 32 nên đưa vào hình thức kỷ luật giáo viên hơn là xử phạt hành chính. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, luật sư Hiệp cho rằng nếu hiểu xúc phạm thân thể học sinh theo một khía cạnh khác như bắt học sinh quỳ, lột quần áo để nhục mạ thân thể, cắt tóc…, đây là cách Bộ GD&ĐT quy định chi tiết, cá thể hóa những trường hợp mà luật khác chưa quy định.
"Vì khoản 2 nêu 'Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học' nằm trong điều 32 quy định về trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học, nên có thể nghị định hướng đến xử phạt hành vi xâm phạm thân thể chứ không theo khía cạnh gây thương tích như đánh đập", luật sư Huỳnh Phước Hiệp phân tích.
Dù vậy, luật sư Hiệp cũng cho rằng những điều khoản trên nên đưa vào hình thức kỷ luật giáo viên hơn là xử phạt hành chính.
Quy định không mới, ủng hộ mạnh tay chống bạo lực học đường
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, danh dự nhân phẩm là một trong những quyền cơ bản của công dân và được Nhà nước bảo hộ, quan tâm đặc biệt.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, những quy định trong dự thảo nghị định của Bộ GD&ĐT không mới. Ảnh: NVCC. |
Mặt khác, điều 134 về tội cố ý gây thương tích, điều 155 về tội làm nhục người khác của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định rất rõ các hành vi mang xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác. Đó là một trong những hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong đó, mức phạt tù đối với hành vi cố ý gây thương tích cao nhất là chung thân, hoặc đối với hành vi làm nhục người khác là 2 năm.
"Theo quy định của pháp luật hiện hành, giáo viên đánh học sinh là hành vi vi phạm pháp luật, tùy mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý xử lý hành chính hoặc hình sự. Xử lý hành chính sẽ áp dụng cho hành vi có mức độ nhẹ và chưa đủ cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự", luật sư Hậu nêu quan điểm.
Ông cũng cho biết điều 21 của Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã có phần xử phạt hành chính người dạy có hành vi xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến người học. Cụ thể, phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học.
Do đó, theo luật sư Hậu, những quy định trong dự thảo nghị định của Bộ GD&ĐT không mới.
Ngoài ra, theo ý kiến của ông Hậu, đòn roi không làm trẻ nghe lời hơn mà trái lại sẽ tạo nên sự tổn thương tâm lý trong sự phát triển của học sinh. Việc đánh đập học sinh là phương cách giáo dục lỗi thời.
Ở các quốc gia phát triển, cha mẹ, giáo viên đánh đập trẻ em bị áp dụng các hình phạt rất nặng như bị phạt tù, tước quyền nuôi con. Ông Hậu ủng hộ xóa bỏ phương pháp giáo dục mang tính bạo lực.
Hai quy định nhận được nhiều ý kiến trong dự thảo của Bộ GD&ĐT
Điều 29. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 32. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này.