Những quy định chung về logo, kiểu dáng
Trang phục thi đấu bóng đá (thường được gọi là kit) bao gồm: áo, quần đùi, tất dài, bọc ống chân và giày thi đấu. Quy định đầu tiên là áo đấu phải có tay. Thoạt nghe, đây có vẻ là một quy định thừa thãi, vì các mẫu áo bóng đá đều có tay.
Thực tế, đội tuyển Cameroon từng mặc mẫu áo đấu ba lỗ trong kỳ World Cup 2002. Dĩ nhiên, ban tổ chức không chấp nhận mẫu trang phục này và các cầu thủ phải mặc thêm một chiếc áo thun đen có tay bên trong.
Chiếc áo đấu ba lỗ kỳ lạ của đội tuyển quốc gia Cameroon tại World Cup 2002. |
Áo đấu bắt buộc phải có số áo và tên cầu thủ sau lưng. Ngoài ra, áo của mỗi đội phải tuân thủ các quy định về vị trí, kích thước in logo đội bóng, logo nhà tài trợ và logo giải đấu. Các cầu thủ được phép mặc áo lót trơn cùng màu dài hoặc ngắn tay bên trong áo đấu.
Về quần thi đấu, những quy định về độ dài (thường là ngắn trên đầu gối) phải được tuân thủ chặt chẽ. Ngoài ra, quần thi đấu phải in số áo của cầu thủ ở mép quần.
Thủ môn phải mặc trang phục riêng có màu khác biệt so với cầu thủ trong đội, cầu thủ đội đối phương và trọng tài. Bên cạnh đó, thủ môn cũng được phép mặc quần dài thay cho quần đùi.
Những quy định về màu sắc của trang phục thi đấu
Trong một trận đấu, hai đội phải mặc trang phục có hai màu sắc dễ phân biệt. Vì vậy, các đội bóng thường có trang phục sân nhà và sân khách với hai màu khác nhau để phòng trường hợp hai đội có màu áo tương tự.
Bên cạnh đó, các CLB cũng thường có thêm một bộ kit thứ ba để có sự đa dạng về màu sắc. Đội nhà sẽ được ưu tiên chọn lựa trang phục thi đấu của mình và đội khách phải chọn trang phục khác màu.
Các mẫu áo sân nhà, sân khách và bộ kit thứ ba của CLB Chelsea mùa giải 2018/19. |
Không được cởi áo hoặc "khoe" thông điệp bên trong áo
Cầu thủ không được phép cởi áo khi còn đang trong trận đấu, nếu vi phạm sẽ phải chịu một thẻ vàng. Bên cạnh đó, vận động viên cũng không được phép “khoe” những chiếc áo lót in slogan, hình ảnh nhằm tránh những mục đích chính trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp các cầu thủ vẫn chấp nhận chịu thẻ vàng và cởi áo để ăn mừng, hoặc để truyền tải thông điệp được in trên áo.
Tháng 11 năm ngoái, tiền vệ Demarai Gray của CLB Leicester City sau khi ghi bàn đã vén áo đấu để truyền tải thông điệp "For Khun Vichai". Đây là hành động tri ân vị cố chủ tịch xấu số của CLB đã mất trong tai nạn máy bay thảm khốc. Tuy vậy, Gray vẫn nhận thẻ vàng vì hành động này.
Hành động tri ân cố chủ tịch Khun Vichai của cầu thủ Leicester City. |
Hay ở Việt Nam, chàng tuyển thủ quốc gia Nguyễn Văn Toàn cũng từng để lộ chiếc áo thun có in dòng chữ “Đừng buồn nhé TN” để an ủi cô bạn gái của mình.
Tuyển thủ Nguyễn Văn Toàn cũng từng "bất chấp" thẻ vàng để gửi lời ngọt ngào đến cô bạn gái của mình. |
Không được phép đeo trang sức
Những phụ kiện, trang sức có thể gây nguy hiểm cho người khác như nhẫn, khuyên tai, đồng hồ… đều bị cấm. Trong trận chung kết lượt đi tại giải AFF Cup vừa qua, thủ thành Đặng Văn Lâm của tuyển Việt Nam đã đeo chiếc dây chuyền may mắn của mình trong trận đấu. Tuy điều này là vi phạm luật bóng đá, song anh đã may mắn không bị trọng tài phát hiện.
Thủ môn Đặng Văn Lâm đã vi phạm luật khi đeo dây chuyền trong trận đấu. |
Tuy nhiên, cầu thủ được phép mặc những thiết bị bảo hộ như mũ bảo hộ, mặt nạ bảo hộ… Cựu thủ môn huyền thoại của Chelsea - Petr Cech từng bất tỉnh sau một cú va chạm mạnh với tiền đạo đội bạn vào năm 2006. Não của anh bị tổn thương và bác sĩ khẳng định anh sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm nếu lại xảy ra một sự cố tương tự.
Từ đó trở đi, cựu thủ môn Chelsea luôn xuất hiện với chiếc mũ bảo hộ quen thuộc trên đầu, sau trở thành biểu tượng đặc trưng của cầu thủ này.
Chiếc mũ bảo hộ là vật bất ly thân của Petr Cech mỗi khi anh đứng trong khung thành. |
Mặt nạ bảo hộ thường được sử dụng khi cầu thủ đang chịu các chấn thương trên mặt như mũi, xương gò má… Tuy nhiên các loại mặt nạ khác đều không được chấp nhận.
Thoạt nhìn những chiếc mặt nạ này có vẻ giống nhau. Tuy nhiên chỉ có chiếc mặt nạ bảo hộ (ảnh đầu) là hợp lệ, còn những loại mặt nạ khác (ảnh sau) đều vi phạm luật bóng đá. |