Chỉ trong 5 ngày, TP Đà Nẵng ghi nhận 29 ca mắc Covid-19 cộng đồng. Tất cả đều liên quan đến 6 bệnh viện ở thành phố này. Sau khi Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, hàng chục nghìn người đã rời nơi đây. Nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp giám sát chặt đối với người trở về từ Đà Nẵng.
Lấy mẫu sau một ngày khai báo y tế
Tăng Gia Hải Lam (30 tuổi, ngụ Bình Tân, TP.HCM) vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau chuyến công tác hai ngày tại TP Đà Nẵng. Theo đúng quy định, Lam khai báo y tế trực tuyến tại trang tokhaiyte.vn, sau đó trở về nhà.
Về đến nhà, Lam lập tức thông báo đến Ban quản lý chung cư, sau đó điền thêm phiếu khai báo để chuyển thông tin tới trung tâm y tế phường. Buổi chiều, Lam nhận được cuộc điện thoại hẹn ngày xét nghiệm từ nhân viên y tế quận Bình Tân.
8h sáng hôm sau, Hải Lam có mặt tại trạm y tế phường An Lạc A. Anh được lấy dịch mũi, họng với nhiều người khác cũng vừa trở về từ Đà Nẵng.
"Cuộc xét nghiệm diễn ra nhanh chóng, gọn gàng. Chúng tôi được hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc và tự cách ly trong 14 ngày”, Hải Lam chia sẻ.
Hải Lam cho biết việc khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh ở Đà Nẵng, nơi bản thân vừa đi qua, là trải nghiệm đáng nhớ. Điều đặc biệt ấn tượng đối với chàng trai này là sự nhanh nhạy, nhiệt tình, chuyên nghiệp của đội ngũ y tế TP.HCM.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho Tăng Gia Hải Lam tại trạm y tế phường An Lạc. Ảnh: NVCC. |
N.Đ.H. (27 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) vừa có chuyến du lịch 4 ngày tại TP Đà Nẵng. Ngay trong ngày 24/7, khi nhận được thông tin có trường hợp nghi mắc Covid-19 tại thành phố này, anh đã cùng vợ đặt vé máy bay trở về Hà Nội.
Trái ngược với cách xử lý tình huống của Hải Lam, sau khi về Hà Nội, H. không khai báo y tế. Anh đưa vợ về quê tại Ninh Bình để chăm con và nhanh chóng quay trở lại với công việc hàng ngày của mình.
H. cho biết tại cơ quan, anh được yêu cầu khai báo những địa điểm đã đến. Sau khi nhận thấy những nơi H. từng du lịch không thuộc ổ dịch, cấp trên của anh cho phép tiếp tục quay trở lại công việc.
"Công việc của tôi phải tiếp xúc rất nhiều người, tuy nhiên, tôi không cảm thấy lo lắng vì đã trở về Hà Nội ngay khi nhận được thông tin có người nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng. Tôi không nghĩ mình có khả năng nhiễm bệnh vì chưa từng đi qua khu vực có bệnh nhân Covid-19", H. nói.
Người về từ Đà Nẵng cần làm gì?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện nay, việc đi lại nghỉ dưỡng giữa Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng rất lớn. Bên cạnh đó, người dân không còn chú trọng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Bối cảnh này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện và lây lan ra cộng đồng tại các thành phố lớn trong thời gian tới.
Trước tình hình này, nhiều người trở về từ Đà Nẵng cũng hoang mang, lo ngại vì có thể tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Bác sĩ Thái cho rằng người dân không nên quá lo sợ nhưng cũng không được chủ quan trước dịch bệnh.
"Không phải bất cứ ai đi từ Đà Nẵng về cũng cần đến cơ sở y tế để lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm. Việc này sẽ gây tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nguy cơ lây lan dịch bệnh càng cao hơn", bác sĩ Thái nói.
Bác sĩ truyền nhiễm khuyến cáo người trở về từ Đà Nẵng cần khai báo y tế, tuân thủ cách ly và liên hệ với cơ quan y tế. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo chuyên gia truyền nhiễm này, những người ở Đà Nẵng về từng đến Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng; các quận: Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu, Trung tâm tiệc cưới For You Palace... và những nơi bệnh nhân Covid-19 từng đi qua, phải khai báo y tế và cách ly tập trung.
Những người ở Đà Nẵng về nhưng không đến khu vực trên nên tự cách ly tại nhà để theo dõi sức khỏe. Đồng thời, người dân nên liên hệ đường dây nóng của các trung tâm y tế quận, huyện. Các đơn vị này sẽ nắm thông tin ban đầu và hướng dẫn mức độ cách ly, xét nghiệm sau khi điều tra tiền sử dịch tễ.
Khi có biểu hiện ho, sốt, người dân nên đến các cơ sở y tế theo sự phân luồng kiểm soát lây nhiễm để lấy mẫu bệnh phẩm. Lưu ý, người dân liên lạc với cơ quan y tế qua đường dây nóng, không di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), tham vấn chuyên môn phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, khuyến cáo những người trở về từ Đà Nẵng cần nghiêm túc khai báo y tế, tự cách ly và theo dõi sức khỏe. Đây là hành động cần thiết, chủ động để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phân luồng bệnh nhân ngay từ cổng. Khi đến nơi đông người như bệnh viện, người dân nên duy trì việc dùng nước sát khuẩn và khẩu trang, đảm bảo quy trình phòng dịch.