5 năm sau Cánh đồng bất tận, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình trở lại với Quyên, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Với kinh phí lên tới 22 tỷ đồng, bối cảnh trải dài từ Việt Nam sang tới nước Đức, đây là một canh bạc lớn, một cuộc chơi ngông của vị đạo diễn kín tiếng trong làng điện ảnh Việt. Quyên đẹp, chỉn chu, mượt mà trong những khung hình, nhưng lại có phần hời hợt về mặt cảm xúc.
Bộ phim kể về cuộc đời của Quyên (Vũ Ngọc Anh), một cô gái Hà Nội xinh đẹp, có học thức. Vì tình yêu với người chồng tên Dũng (David Trần) mà cô rời bỏ quê hương, trốn sang nước Đức. Tại đây, cô bị gã dẫn đường Hùng (Trần Bảo Sơn) lập mưu bắt cóc và cưỡng hiếp. Biến cố đó đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời Quyên, khiến cô phải trải qua nhiều năm tháng thăng trầm ở nơi xứ người.
Bị gã dẫn đường Hùng giữ lại để cưỡng hiếp, cuộc đời Quyên thay đổi mãi mãi. |
Thân phận của Quyên có nét gì đó rất giống nhân vật Thúy Kiều trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Nàng Kiều lưu lạc 15 năm, còn Quyên mất gần 10 năm trên đất khách. Cả hai đều là những người phụ nữ xinh đẹp, đức hạnh, nhưng lại chịu số phận đa đoan, bi thảm. Họ được yêu, được ngưỡng mộ bởi nhiều người đàn ông và cũng bị chính đàn ông làm cho khốn khổ.
Văn học nghệ thuật Việt Nam thường có truyền thống chọn phụ nữ làm nhân vật đại diện khi nói về cái khổ của một lớp người, một xã hội, hay một thế hệ. Bởi dường như trong những biến cố lịch sử, những người được coi là phái đẹp thường là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Quyên, phiên bản văn học và phiên bản điện ảnh, cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Thân phận của nhân vật Quyên là cái cớ để các tác giả vươn đến một điều gì đó rộng hơn. Đó là bức tranh toàn cảnh về số phận của những người Việt lưu vong tại Đức tại thời điểm bức tường Berlin chuẩn bị sụp đổ. Ở điểm này, tiểu thuyết Quyên tương đối thành công, nhưng phiên bản điện ảnh thì chưa.
Quyên có nhiều thay đổi so với nguyên tác văn học. Sự thay đổi khi chuyển thể là cần thiết, nhưng lại khiến bộ phim mất đi cái không khí của cuốn tiểu thuyết. |
Trên thực tế, bộ phim có nhiều điểm thay đổi so với tác phẩm gốc. Số phận Quyên trong phim bớt cay đắng, bớt sóng gió, ít biến cố hơn. Đành rằng việc bỏ bớt những nhân vật, chi tiết, sự kiện là điều cần thiết, nhưng điều đó khiến phiên bản điện ảnh giống như câu chuyện cá biệt của một cô gái tên là Quyên.
Cuộc sống bấp bênh, bất trắc, khốc liệt của người Việt tha hương không được đề cập nhiều hoặc chỉ được kể lướt qua. Vì thế, bộ phim chỉ giống như tác phẩm chính kịch xoay quanh một cô gái gặp hết chuyện éo le này đến chuyện không may khác. Gắn cho Quyên ý nghĩa đại diện hay khái quát về số phận người Việt tại Đức trong thời kỳ cuối thập niên 1980 là khoác một cái áo quá rộng cho bộ phim.
Nếu xét Quyên là một bi kịch cá nhân thì bộ phim cũng chưa hẳn thành công. Nội tâm, nỗi đau quá khứ, động cơ của các nhân vật chưa được khai thác tốt để khơi gợi cảm xúc nơi khán giả. Bộ phim cũng thêm thắt nhiều chi tiết, sự kiện mới như sự phát triển tính cách của nhân vật Dũng hay những vụ thanh trừng, trả thù giữa các nhóm người Việt ở Đức. Công bằng mà nói, những thay đổi đó có làm bộ phim trở nên kịch tính hơn, nhưng nhiều chi tiết thêm vào vẫn còn thiếu logic.
Vũ Ngọc Anh có nhiều khoảnh khắc xuất thần. Nhưng đài từ lại phá hỏng nỗ lực trong lần đầu cô diễn xuất. |
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình là một người rất chịu khó tìm tòi ra những gương mặt điện ảnh mới. Năm 2010, chính anh là người đã có công phát hiện ra Ninh Dương Lan Ngọc qua Cánh đồng bất tận. Trở lại với Quyên, anh cũng mang đến một gương mặt mới toanh, lần đầu chạm ngõ điện ảnh. Đó là top 5 Hoa hậu Việt Nam 2012 Vũ Ngọc Anh trong vai nữ chính.
Ngọc Anh có lợi thế rõ ràng về ngoại hình. Với gương mặt đẹp, đôi mắt ngây thơ to tròn, mái tóc đen dài, cô rất giống với những gì được miêu tả trong sách. Phần đầu, Ngọc Anh diễn còn bị gượng, nhiều cảm xúc bị “làm quá” thành ra kịch. Nhưng càng về sau, cô diễn càng tự nhiên hơn. Trong một số cảnh, Ngọc Anh diễn bằng mắt khá xuất thần. Tuy nhiên, đài từ chậm chạp, lối đọc thoại như trả bài lại khiến người xem mất thiện cảm.
Trong khi đó, Trần Bảo Sơn trong vai Hùng diễn tự chủ và thuyết phục. Nhưng đôi khi thoại của anh câu trước giọng Bắc, câu sau giọng Nam, thiếu đi sự nhất quán.
Quyên có những cảnh quay đẹp và hiếm gặp trong các bộ phim Việt. Cảnh những ngọn núi mênh mông tuyết phủ, đoàn người lầm lũi nối nhau đi hay cảnh khu chợ của người Việt tại Đức bị cháy đều rất ấn tượng. Những cảnh rượt đuổi, hành động cũng được làm khá tốt so với mặt bằng điện ảnh Việt.
Một điều đáng tiếc nữa của Quyên là sự lạm dụng nhạc nền và cách chuyển cảnh fadeout. Âm nhạc có tác dụng dẫn dắt cảm xúc, nhưng dùng nhiều sẽ gây phản tác dụng. Một số đoạn rượt đuổi gay cấn được lồng nhạc giao hưởng vào gây khó hiểu cho người xem. Bù lại, bài hát Giấc mơ đã qua do Trần Thu Hà thể hiện rất đáng để khán giả nán lại khi Quyên kết thúc.
Không thuộc về dòng phim giải trí hái ra tiền, Quyên là một quyết định dũng cảm của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Đó là nỗ lực rất đáng trân trọng từ một người lao động nghệ thuật nghiêm túc. Tuy nhiên sự bảo thủ của đạo diễn vẫn được duy trì từ Cánh đồng bất tận khiến Quyên trở thành một tác phẩm đẹp, nhưng còn hời hợt về mặt cảm xúc.
Zing.vn đánh giá: 3,5/5