Nữ Hoàng Snapchat - đó là biệt danh mà mọi người đặt cho Anika (London). Trong quãng thời gian từ 19 đến 21 tuổi, cô chia sẻ mình “từng bị ám ảnh bởi Snapchat (mạng xã hội), nơi tôi có đến 4.000 người theo dõi”. Anika ước tính, trong thời điểm “thảm hại” nhất của mình, cô từng chụp đến 25 bức ảnh tự sướng mỗi ngày.
Cô cho biết cảm giác của mình ở không gian ảo, nơi trung bình mỗi bức ảnh của Anika nhận được khoảng 300 bình luận rằng: “Cứ như tôi là người nổi tiếng vậy, tôi muốn cho mọi người chiêm ngưỡng khuôn mặt của mình nhiều hơn".
Nhưng thực tế, công nghệ chỉnh ảnh của ứng dụng này là một trong những yếu tố thu hút người sử dụng.
Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh làm khuôn mặt người dùng trở nên đẹp hoàn hảo. Ảnh: The Guardian |
Cô luôn cảm thấy thiếu tự tin với chiếc mũi khoằm của mình. Các hiệu ứng trên Snapchat có thể giúp tô điểm những bức ảnh tự sướng bằng tai chó, vòng hoa đội đầu và những hiệu ứng khác khiến chiếc mũi hết khoằm hoàn toàn và trở nên thon gọn hơn.
Ngoài đời thực, thay vì muốn ở vị trí trung tâm, cô thường lựa chọn những nơi ít bị người khác chú ý đến. “Dường như thế giới chúng ta đang sống có quá nhiều người có vẻ đẹp hoàn hảo, và chúng ta luôn muốn để có thể đẹp như vậy”. Cô cũng gặp áp lực khi những người bạn trên mạng muốn gặp mặt trực tiếp, Anika sợ mình không giống như những bức ảnh cô đăng tải.
Và nỗi ám ảnh này đã lên đến đỉnh điểm khi Anika quyết định liên lạc với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Hội chứng mặc cảm ngoại hình (BDD)
Hiện tượng những người muốn chỉnh sửa khuôn mặt để trở nên giống với những bức ảnh tự sướng của mình còn được gọi là “Hội chứng mặc cảm Snapchat”. Đây là khái niệm được đưa ra bởi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Tijion Esho, chủ của chuỗi phòng khám Esho ở London và Newcastle. Ông cho biết trước đây bệnh nhân thường muốn chỉnh sửa để giống như những người nổi tiếng, nhưng giờ đây, họ lại đang muốn sửa theo các bức ảnh tự sướng (selfie) của chính mình. Ông Esho khẳng định đây là điều thiếu thực tế và không thể làm được.
Một báo cáo gần đây trên tạp chí y khoa của Viện Hàn lâm Phẫu thuật Thẩm mỹ và Chỉnh hình (Mỹ) khẳng định các bức ảnh được chỉnh sửa và “làm mờ so với thực tế” có thể dẫn đến “chứng mặc cảm ngoại hình” (body dysmorphic dosorder - BDD), một tình trạng tâm thần mà con người bị ám ảnh bởi những nhược điểm về ngoại hình mà họ tưởng tượng ra.
Bác sĩ Wassim Taktouk, người cùng chuyên môn với bác sĩ Esho, cũng đã phải giải thích với các bệnh nhân khi họ đưa cho ông xem những bức ảnh đã được chỉnh sửa kỹ càng rằng: “Đây đúng là một khuôn mặt hoàn mỹ trừ việc trông nó không có nét gì giống như khuôn mặt của một con người bình thường”.
Chụp ảnh selfie và cơn lốc của các phương pháp thẩm mỹ
Một nghiên cứu năm 2017 về “nghiện selfie” cho biết chụp selfie xuất phát từ nhiều tâm lý khác nhau, từ để việc giải tỏa tâm lý, đến có thêm động lực, tăng cường địa vị xã hội, rũ bỏ những suy nghĩ tiêu cực, chụp kỷ niệm... Một nghiên cứu khác cũng cho rằng phần lớn các bức ảnh selfie không được đăng tải hoặc chia sẻ ở đâu mà chỉ để phục vụ những mục đích nội tại, riêng tư của con người.
Với việc ngày càng nhiều người đang sống trên thế giới ảo, từ hẹn hò đến tìm việc, thì những bức ảnh đẹp là điều cần thiết đối với họ.
Các ứng dụng giúp chỉnh sửa ảnh như Snapchat, Instagram, Snow... làm môi bạn dày hơn, làm mờ lỗ chân lông và làm cằm thon gọn hơn. Đồng thời chúng cũng thường thêm các phụ kiện như tai thỏ, kính mắt, nơ... vào trong bức ảnh selfie của người dùng.
Những hiệu ứng xinh đẹp, phụ kiện đáng yêu khiến giới trẻ phát cuồng vì những ứng dụng như Snapchat. Ảnh: The Guardian |
Chính những bức ảnh này đã phản ánh được nhu cầu về ngoại hình của con người như có một bờ môi dày dặn, xương hàm hoàn hảo. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ của phương pháp thẩm mỹ chỉnh sửa nhanh gọn nhờ vào việc tiêm botox hay filler trong những năm gần đây do giá cả phải chăng và đạt được kết quả nhanh chóng.
Trung bình, mỗi “chiếc mũi nhân tạo” được chỉnh sửa bằng chất làm đầy (filler) chỉ tốn khoảng hơn 10 triệu đồng nhưng mang lại hiệu quả ngay lập tức, trong khi phẫu thuật nâng mũi có thời gian phục hồi chậm mà lại rất đau đớn.
Marla (29 tuổi, New York) cho biết mình đã có “chiếc mũi hoàn hảo” ngay trong khoảng thời gian nghỉ trưa giữa giờ ngắn ngủi và tâm trạng tự tin hơn rất nhiều. Giống như Anika, cô cũng luôn thấy phiền lòng vì chiếc mũi khoằm của mình và thường xuyên phải chỉnh sửa nó trong những bức ảnh selfie.
Mặc dù các phương pháp này có thể ít gây ảnh hưởng hơn phẫu thuật nhưng chúng không phải không có rủi ro, từ việc tiêm không đều, nhiễm trùng đến tắc nghẽn mạch máu hay thậm chí có thể gây mù loà. Tuy nhiên lại có rất ít những quy định cũng như giới hạn độ tuổi dành cho phương pháp làm đẹp này.
Bác sĩ Taktouk cho biết ông luôn từ chối những bệnh nhân dưới 20 tuổi, nhưng những người từ khoảng 16-17 tuổi cũng thường xuyên đến phòng khám của ông.
Anika chia sẻ mình đã cân nhắc giữa việc phẫu thuật hay tiêm filler trong suốt một năm và cuối cùng, đến khi 21 tuổi, cô quyết định tiêm filler tại phòng khám của bác sĩ Taktouk. “Tôi nghĩ rằng tôi cần làm điều này để thay đổi bản thân từ bên trong, từ đó tôi có thể ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo về ngoại hình của mình.”
Thế nhưng ngay sau khi làm xong thủ tục, cô tiếp tục tự hỏi liệu mình có nên bơm môi hay không?
Bạn đang cố gắng sửa điều gì: Ảnh chụp hay thực tế?
Cố gắng để giống với những bức ảnh selfie của mình ngay cả khi chúng đi ngược lại với đời thực là một điều nguy hiểm. Ảnh selfie về cơ bản không giống với thực tế bởi chúng không được lật lại, camera trước của điện thoại luôn chụp những bức ảnh khác với camera sau.
Ngoài ra, khoảng cách từ điện thoại đến mặt của bạn cũng có ảnh hưởng rất lớn. Kích thước của mũi tăng khoảng 30% khi chụp từ khoảng cách 30 cm so với 1,5 m mà chưa kể đến hiệu ứng ánh sáng hay trang điểm.
Mũi và mắt trở nên lớn hơn khi chụp những bức ảnh ở gần. Ảnh: The Guardian. |
Anna, 40 tuổi, sống ở Malvern (Anh) cho biết những nếp nhăn khóe miệng của cô trở nên trầm trọng hơn trong những bức ảnh selfie, và các hiệu ứng lại giúp xoá bỏ chúng toàn toàn. Điều đó khiến cô cảm thấy không biết thật sự trông mình như thế nào.
Ngay từ khi còn trẻ, Anna đã rất căng thẳng với sự khác biệt khi cô ngắm nhìn mình trong gương và hình ảnh của mình trong mắt người khác. Và cho đến khi tải một ứng dụng giúp cho biết trông khuôn mặt bạn thật sự thế nào, cô đã cảm thấy bản thân mình thật khủng khiếp.
“Nhưng giờ đây tôi đã thực tế hơn nhiều, mặc dù khoảng thời gian đó gần như khiến tôi phát điên” - Anna nói. Cô cho rằng nỗi lo lắng về tuổi tác và ngoại hình là những thứ đang làm khuếch trương vai trò của botox và filler.