![]() |
Điểm du lịch thuê 2 chiếc xe, rải ngao khắp bãi biển. Du khách không muốn đào dưới lớp cát vẫn có thể chạy theo xe rải ngao để thu hoạch. Ảnh: Jin Jie. |
Lo ngại ế khách trong "tuần lễ vàng" Quốc tế Lao động 1/5, một điểm du lịch ven biển tại Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) rải 3 tấn ngao lên bãi biển nhằm nâng cao trải nghiệm tắm biển, với mục tiêu “không ai ra về tay trắng”, theo The Paper.
Hoạt động này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, đồng thời vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Trước nhiều bàn tán, đại diện điểm du lịch xác nhận khoảng 3 tấn ngao được rải mỗi ngày, phục vụ trải nghiệm tự tay thu hoạch ngao của du khách. Hoạt động này mang tên "Long Vương dâng báu vật", với kỳ vọng khiến du khách cảm thấy hào hứng và hài lòng khi tới bãi biển.
![]() |
Theo đại diện điểm du lịch xác nhận khoảng 3 tấn ngao được rải mỗi ngày khắp khu vực ven biển thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) để thu hút du khách. Ảnh: Jin Jie. |
Đại diện điểm du lịch còn tiết lộ toàn bộ số ngao được đào từ các bãi bồi bởi lực lượng lao động do đơn vị thuê.
“Khu vực này có rất nhiều ngao hoang dã, nhưng phần lớn nằm sâu dưới lớp bùn, du khách bình thường khó có thể đào được. Chúng tôi sợ rằng khách đi xa đến không thu hoạch được gì sẽ thất vọng, nên quyết định tổ chức hoạt động này để đảm bảo ai đến cũng có thể mang về chút ‘chiến lợi phẩm’”,vị đại diện điểm du lịch chia sẻ.
Tuy nhiên, hoạt động này nhanh chóng gây ra những tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội. Một số người cho rằng đây là cách làm sáng tạo và mang lại niềm vui cho du khách. Ngược lại, nhiều ý kiến chỉ trích việc “diễn cảnh thiên nhiên” làm mất đi tính chân thực của trải nghiệm du lịch, biến hoạt động khám phá thành một “trò dàn dựng”.
![]() ![]() |
Hàng trăm người chạy theo xe rải ngao để nhặt. Ảnh: 163. |
Không chỉ Sơn Đông, xu hướng tạo "trải nghiệm nhân tạo" nhằm hút khách du lịch đang ngày càng phổ biến tại nhiều nơi ở Trung Quốc, đặc biệt vào các dịp cao điểm. Song, phần lớn các trải nghiệm "nhân tạo" này đều vấp phải chỉ trích từ du khách.
Chẳng hạn, năm 2017, một khu du lịch ở Hải Nam bị phát hiện đặt sẵn ngọc trai vào hàu rồi tổ chức "trò chơi mò ngọc dưới biển", khiến du khách cảm thấy bị lừa.
Các khu sinh thái tại Giang Tô, Quảng Đông cũng từng bị tố trồng sen và thả cá theo mùa chỉ để du khách có khung cảnh "check-in" trong dịp cao điểm...
Mùa đông 2023-2024, các khu trượt tuyết ở Trương Gia Khẩu và Cáp Nhĩ Tân phải sử dụng 100% tuyết nhân tạo để giữ hình ảnh điểm đến giữa bối cảnh thời tiết không đủ lạnh để có tuyết...
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'