Rận mu thường ký sinh và bám rất chắc ở da, lỗ chân lông cơ thể con người đặc biệt là vùng sinh dục hoặc các bộ phận khác như lông tóc. |
Ông L.Q.H. (63 tuổi, ngụ Ninh Bình) nhập viện trong tình trạng ngứa dữ dội mắt trái kéo dài, cảm giác nặng mi mắt và ngứa nhiều hơn vào ban đêm. Tình trạng này khiến ông thường xuyên gãi, dẫn đến loét vùng xung quanh mắt trái. Dù đã tự nhỏ nhiều loại thuốc, triệu chứng không thuyên giảm, buộc ông phải đến bệnh viện kiểm tra.
Sau khi khám và soi dưới kính hiển vi, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Hoa Lư phát hiện hàng trăm con rận mu trưởng thành, ấu trùng còn sống và vỏ kén chi chít dưới chân lông mi. Mi mắt trái của bệnh nhân bị viêm nặng, loét niêm mạc da mi và rụng lông mi.
Hình ảnh hàng trăm con rận mu trưởng thành, ấu trùng còn sống và vỏ kén chi chít dưới chân lông mi của người đàn ông. Ảnh: BVCC. |
Các bác sĩ đã tiến hành soi và gắp rận mu dưới kính hiển vi, vệ sinh sát khuẩn cả hai mắt để loại bỏ ổ trứng và ký sinh trùng. Người bệnh được kê thuốc điều trị tại nhà và hướng dẫn cách chăm sóc mắt.
Trước đó, một nữ bệnh nhân 46 tuổi ở Bắc Giang cũng nhập viện trong tình trạng ngứa mắt dữ dội. Tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), các bác sĩ phát hiện ổ rận mu bám chi chít trên mi mắt, trứng rận kết thành chuỗi. Sau khi xử lý, các bác sĩ đã gắp nhiều con rận bám chặt trên mi mắt, loại bỏ hàng chục trứng rận và hướng dẫn bệnh nhân cách vệ sinh mắt để tránh tái nhiễm.
Rận mu, hay còn gọi là rận mi, rận bẹn, là loại côn trùng hút máu, sinh sản chủ yếu ở các vị trí ẩm ướt, kín như bẹn, nách hoặc mi mắt. Loài này thường xuất hiện ở những nơi nuôi động vật như chó, mèo, trâu, bò. Khi ký sinh trên cơ thể người, rận mu hút máu để sinh sống, gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Rận mu thích nghi với lối sống ít vận động trên lông mu, đôi khi trên lông mi và các vị trí khác có lông trên cơ thể, thường không rời khỏi cơ thể bị nhiễm khuẩn. Theo Healthline, rận mu thường lây truyền qua tiếp xúc thân mật, bao gồm cả quan hệ tình dục. Ngoài ra, rận mu cũng xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân nếu sử dụng chung chăn, khăn tắm, ga giường hoặc quần áo của những người có rận mu.
Trái ngược với suy nghĩ thông thường, mọi người rất khó có khả năng bị lây nhiễm rận mu từ bồn cầu hoặc đồ đạc trong nhà vệ sinh. Rận mu thường không rơi ra khỏi vật chủ trừ khi chúng đã chết. Chúng cũng không thể "nhảy" từ người này sang người khác như bọ chét. Bên cạnh đó, đừng cho phép con bạn ngủ trên giường nếu bạn bị nhiễm rận mu. Trẻ em có thể bị nhiễm rận sau khi ngủ chung giường với người bệnh.
Để điều trị dứt điểm, cần loại bỏ hoàn toàn các cá thể rận trưởng thành, ấu trùng và trứng. Đồng thời, bệnh nhân cần vệ sinh cá nhân, quần áo, chăn màn sạch sẽ để tránh tái phát.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi gặp triệu chứng ngứa mắt kéo dài, cần đến các cơ sở nhãn khoa để thăm khám và xử lý kịp thời.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.