- Tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa và Thạc sĩ Tâm thần học tại trường Đại học Y Dược TP.HCM.
- Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
- Giám đốc Thư ký Tâm thần Trường Y khoa VinUni.
Tôi từng tiếp xúc với rất nhiều nạn nhân của nạn quấy rối trực tuyến. Khi tìm đến tôi, họ đã chịu uất ức, tổn thương, ám ảnh tâm lý nặng nề mà không thể chia sẻ cùng ai.
Quấy rối là câu chuyện nhạy cảm, bị quấy rối lại càng khó nói ra. Những ánh mắt hoài nghi, dò xét từ xã hội khiến không nhiều người dám tìm đến sự giúp đỡ khi mình gặp chuyện.
Khi bị tấn công qua mạng ảo
Theo Ủy ban của Liên hợp quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), quấy rối tình dục bao gồm các hành vi có tính chất tình dục trái ý muốn như tiếp xúc thân thể, nhận xét, bình phẩm; trưng bày các hình ảnh, vật phẩm khiêu dâm; gạ gẫm bằng lời nói hoặc hành động.
Quấy rối qua mạng cũng bao gồm những hành vi tương tự, tuy nhiên lại thể hiện thông qua nền tảng công nghệ bao gồm mạng xã hội, email, tin nhắn..., kể cả riêng tư và công khai. Đây cũng được công nhận là một hình thức của bạo lực tình dục.
Khi trò chuyện cùng nhiều bệnh nhân của mình, tôi nhận thấy rằng không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về vấn đề bị quấy rối qua mạng. Một số người cho rằng chỉ khi họ bị kẻ xấu gửi hình ảnh, lời lẽ nhạy cảm, đó mới là quấy rối. Điều này đúng, nhưng chưa đủ.
Quấy rối tình dục qua mạng chủ yếu xảy ra dưới 3 hình thức:
- Không được sự đồng ý của nạn nhân nhưng vẫn cố tình gửi những hình ảnh, video liên quan đến tình dục.
- Phát tán hình hình ảnh, video hoặc nội dung tin nhắn có liên quan đến tình dục, có tính chất riêng tư mà không có sự đồng ý của người đó. Tạo ra những hội, nhóm, cộng đồng để bàn luận, bình phẩm về chuyện tình dục của người khác.
- Theo dõi, rình mò người khác nhằm mục đích xâm hại, đánh cắp những thông tin riêng tư, dữ liệu cá nhân của người khác có liên quan đến tình dục.
Hiện nay, chính những lỗ hổng, bất cập trong khâu quản lý nội dung của các nền tảng mạng xã hội đã khiến tình trạng quấy rối trực tuyến có chiều hướng gia tăng.
Công nghệ phát triển, sự quản lý lỏng lẻo của các mạng xã hội là một trong những lý do khiến nhiều người trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục. Ảnh minh họa: Lawfirm. |
Theo báo cáo Quấy rối tình dục tại nơi làm việc - nhận thức, thực trạng và ứng phó do Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn và Đào tạo về phát triển địa phương STG công bố hồi tháng 6/2022, tại Việt Nam, ít người coi hành vi phát tán trái ý muốn nội dung khiêu dâm qua mạng là quấy rối.
Trong đó, gần 70% số người được hỏi không coi hành động "nhận email hoặc tin nhắn khiêu dâm lặp đi lặp lại, hoặc không phù hợp" là quấy rối.
Thậm chí, nhiều người trong số đó coi các bình luận, câu chuyện cười khêu gợi (sex joke) là một gia vị vui hàng ngày, mà không ý thức được rằng đó là hành vi quấy rối tình dục.
Ai cũng có thể là nạn nhân
Đặc thù của quấy rối qua mạng là sự lan truyền, tấn công bằng các nền tảng kỹ thuật số. Do đó, nhiều người lầm tưởng nạn nhân của vấn đề này thường là nhóm người trẻ, tiếp xúc nhiều với công nghệ.
Song, theo tôi, ai cũng có thể là nạn nhân của việc quấy rối bất chấp độ tuổi, giới tính của họ. Và điều tôi muốn nhấn mạnh: Nạn nhân của việc quấy rối tình dục dù bằng bất kỳ hình thức nào đều chịu những tổn thương tâm lý như nhau.
Trong đó, tổn thương tâm lý nặng nhất chính là PTSD (Post Traumatic Stress Disorder) - rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Đây là tập hợp rất nhiều triệu chứng mà một người gặp phải sau khi phải chịu đựng một sự kiện sang chấn gây tổn thương rất lớn về mặt tâm lý hoặc cơ thể.
Tôi đã nhiều lần trò chuyện cùng những bệnh nhân gặp phải những cơn ác mộng lặp đi lặp lại, nhiều người trong số đó không thể quên được những gì đã xảy ra, mất kiểm soát cảm xúc, trở nên đau khổ, tuyệt vọng và luôn tìm cách để giải thoát.
Những điều này đều làm chất lượng cuộc sống giảm mức đáng kể và ảnh hưởng đến các chức năng xã hội của họ như không thể đi làm, đi học...
Dù bị tấn công dưới bất kỳ hình thức nào, nỗi đau của các nạn nhân đều là giống nhau. Ảnh minh họa: Freepik. |
Ngoài ra, còn một số phản ứng tâm lý khác thường gặp ở các nạn nhân bị quấy rối tình dục đó là luôn thấy bất an, lo lắng về tương lai, đặc biệt là những người bị tấn công bằng hình thức phát tán nội dung riêng tư, nhạy cảm.
Theo quan sát và dựa trên những trường hợp thực tế tôi từng điều trị, đối tượng quấy rối thường là người đã có quen biết và sự kết nối từ trước với nạn nhân. Nhờ vậy, những kẻ này có nhiều khả năng tiếp cận được hình ảnh, nội dung nhạy cảm của người kia và có cơ hội để phát tán, lan truyền chúng cho mục đích xấu.
Khi bị người từng thân thiết của mình đối xử như vậy, đó sẽ là cú sốc lớn, gây tổn thương tâm lý nặng nề với nạn nhân. Họ dần thu mình, cảnh giác và mất lòng tin với tất cả. Một số người sẽ bắt đầu bị tự ti, hoài nghi về bản thân, luôn có cảm giác xấu hổ và tủi nhục.
Vì tính chất phán tán rộng rãi trên môi trường Internet nên không riêng gì nạn nhân trực tiếp mới chịu tổn thương. Những người có mối quan hệ mật thiết với họ như cha mẹ, con cái, vợ/chồng hoặc người yêu đều có thể phải chịu đựng những ảnh hưởng tâm lý tương tự.
Làm sao để bảo vệ mình?
Đầu tiên, để không là nạn nhân tiếp theo của nạn quấy rối tình dục qua mạng, cách tốt nhất là tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Tôi luôn khuyến khích mọi người tuyệt đối không gửi bất kỳ hình ảnh, video nhạy cảm cho người khác hoặc đăng tải lên mạng xã hội. Internet chính là một con dao 2 lưỡi, cho dù bạn có xóa đi, dấu vết đó vẫn sẽ còn lại hoặc bị người khác lưu trữ nhằm mục đích xấu.
Thứ hai, khi bị quấy rối, nạn nhân cần nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ. Một số người sẽ quá sợ hãi, căng thẳng khi đang ở trong trạng thái bị tấn công, dẫn đến việc không đưa ra được những quyết định phù hợp với tình huống.
Đó là lúc họ cần sự hỗ trợ về tình thần, pháp lý, cách thức xử lý vấn đề.
Mỗi nạn nhân của việc quấy rối tình dục đều cần sự quan tâm, chăm sóc về mặt tâm lý sau khi trải qua những tổn thương. Ảnh minh họa: Freepik. |
Thứ ba, nạn nhân của quấy rối trực tuyến cần lưu giữ lại bằng chứng để trình báo cơ quan chức năng, bao gồm tất cả tin nhắn, địa chỉ liên lạc, địa chỉ IP, email, tên miền... của kẻ tấn công.
Bên cạnh đó, trong trường hợp nạn nhân bị lộ thông tin nhạy cảm, hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, họ cần báo cáo với chính các nền tảng đó để được hỗ trợ gỡ bỏ, tránh sự phát tán không thể kiểm soát.
Tất cả mạng xã hội hiện tại đều đứng dưới quy định của pháp luật. Việc này đòi hỏi các nền tảng phải có những điều luật để bảo vệ người dùng khỏi những cuộc tấn công.
Thứ tư, nạn nhân nên trình báo ngay với cơ quan chức năng nếu việc quấy rối nghiêm trọng, lặp đi lặp lại nhiều lần, có dấu hiệu gây mất an toàn, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của chính họ để được pháp luật bảo vệ.
Cuối cùng, mỗi nạn nhân của việc quấy rối đều cần sự quan tâm, chăm sóc về mặt tâm lý sau khi trải qua những tổn thương. Sự quan tâm này có thể đến từ những người xung quanh như gia đình, bạn bè và các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.