'Râu ông nọ cắm cằm bà kia' trong bài văn tốt nghiệp 12
Nhiều bài làm, dù căng mắt đọc nhưng cả hai giám khảo đành “bó tay" vì không đủ trình độ để dịch chữ. Có em thì nhầm sông Đà hung bạo với sông Hồng trong "Tràng giang", có em biến chiến sĩ "Việt Bắc" sang "Tây Tiến".
>> Đưa cả chuyện bố mẹ ngoại tình vào bài văn tốt nghiệp
>> 9 học sinh ở Huế đạt điểm 10 môn Văn
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. (Ảnh có tính chất minh họa - Lê Hiếu). |
Ngoài những bài văn xuất sắc, phân tích mạch lạc các vấn đề nóng hổi của sự dối trá, kỳ thi tốt nghiệp năm nay cũng không ít những tác phẩm khiến giáo viên chấm thi.... đau lòng.
Có lẽ những ai chưa từng chấm thi môn Ngữ văn sẽ khó tin rằng các câu của những học sinh vừa kết thúc 12 năm đèn sách dưới mái trường phổ thông lại có thể... hồn nhiên đến thế.
Bởi lẽ, không chỉ có chữ viết nguệch ngoạc mà còn có những lỗi từ chính tả, dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, lối hành văn đến kiến thức cơ bản của các em sai một cách đáng báo động.
Theo một giáo viên chấm thi môn Văn vừa qua, nếu liệt kê chính tả và chữ viết cẩu thả của các em thì chắc không có bút mực nào tả hết. Có nhiều bài làm, dù căng mắt đọc nhưng cả hai giám khảo đành “bó tay” vì không thể nào đủ trình độ để dịch được các em viết chữ gì.
Và mặc dù được đánh giá là đề thi ngữ Văn năm nay vừa sức, thậm chí có phần dễ so với thí sinh trung bình trở lên nhưng nhiều thí sinh vẫn bộc lộ kiến thức rỗng của mình trong từng dòng bài làm.
Ngay những dòng mở bài, không ít thí sinh đã "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia". Có thí sinh lẫn lộn giữa tác phẩm Việt Bắc của Tố Hữu và Tây Tiến của Quang Dũng. Các em viết: “Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng để quân bộ đội ta phối hợp với nước bạn Lào đánh quân Pháp ở miền đất này”.
Vì nắm không chắc tác phẩm nên một đoạn khác thí sinh này viết: "Các chiến sĩ ở Việt Bắc bị sốt rét liên miên đến tóc không mọc nổi nhưng họ vẫn lạc quan sống và thắm đượm tình quân dân khi chia nhau từng củ sắn, cọng khoai, từng bó rau con ốc…”.
Có thí sinh thì khẳng định “Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của Tự lực văn đoàn”. Còn em khác thì kết luận bài làm của mình rằng “Từ Việt Bắc - Tố Hữu đã bắt đầu cho phong trào Thơ mới với một bài thơ vượt thời gian đến hôm nay vẫn còn giá nên Bộ Giáo dục để dành cho chúng em học năm cuối lớp 12, nên em rất tâm đắc và học thật kĩ bài thơ”.
Cũng có em nhầm lẫn giữa hình ảnh sông Đà hung bạo với sông Hồng trong Tràng giang của nhà thơ Huy Cận khi viết “tác giả mang tâm trạng buồn trước cảnh mênh mông sóng nước”.
Có lẽ, đằng sau những con số cao ngất ngưởng của tỉ lệ tốt nghiệp gần 99% vẫn còn lắm điều cần bàn! Liệu tất cả con em chúng ta có thực sự giỏi đều như vậy không để có những con số đẹp như mơ kia, đến ngay cả nhiều em học sinh yếu tốt nghiệp mà vẫn còn bất ngờ không biết tại sao mình đỗ?
|
Giáo Trọng
Theo Infonet