Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rau tự trồng chưa chắc là rau sạch

Tận dụng đất trống ven đường, đất gần ao, kênh rạch trong khu dân cư để trồng rau là lựa chọn không đúng. Bạn không những không được ăn rau sạch mà còn đối mặt nguy cơ nhiễm độc.


Trước tình trạng mất an toàn trên, nhiều người dân, nhất là ở các đô thị lớn đã nghĩ ra mọi cách để tự trồng rau, nhằm phụ vụ nhu cầu trong các bữa ăn gia đình.

Họ tận dụng tất cả mảnh đất trống xung quanh nhà, ban công, vỉa hè, chân cầu để trồng rau. Tuy nhiên, liệu việc trồng rau tự cung tự cấp như vậy có an toàn?

Dọc sông Tô Lịch, đoạn từ Cầu Lủ đến Ngã Tư Sở, nhiều khoảng đất đã được người dân tận dụng. Ảnh: Việt Hùng.
Dọc sông Tô Lịch, đoạn từ Cầu Lủ đến Ngã Tư Sở, nhiều khoảng đất đã được người dân tận dụng. Ảnh: Việt Hùng.

Nguy cơ từ nguồn đất trồng

Trả lời Zing.vn, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết rau tự trồng hoàn toàn có thể là loại rau an toàn nếu chúng ta đảm bảo tốt mọi khâu từ hạt giống, đất trồng, nước tưới, môi trường sống. Nếu rau được trồng ở những chỗ đất bẩn, không được tầm soát, nguy cơ nhiễm bẩn rất lớn, nhất là rau được trồng ở vỉa hè, dải phân cách.

Nếu tưới rau bằng nguồn nước nhiễm bẩn, ô nhiễm có thể mang theo các chất như lưu huỳnh, chì, thủy ngân… qua rễ lên thân rau sau khi tưới. Ngoài ra, nguồn nước bẩn còn là môi trường thuận lợi để các loại trứng giun, sán phát triển và ký sinh trong rau.

Tuy nhiên, theo PGS Thịnh, các vi sinh vật, giun sán có thể bị tiêu diệt khi chúng ta đun nấu rau. Do đó, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Điều cần chú ý hơn cả là việc nguồn đất không an toàn.

“Hiện nay nhiều người vẫn thường mang cả bao tải ra những bãi đất trống lấy đất về trồng rau hoặc trồng ngay tại những bãi đất trống đó, nhất là các khu vực vỉa hè, đường giao thông. Thực tế, rau vẫn lên tốt bình thường nếu được chăm sóc, nhưng ít ai biết những loại đất đó là đất tạp, không được kiểm soát nên trong đất có chứa một số chất độc hại. Rau được trồng trên loại đất tạp có thể nhiễm chất độc do tích tụ từ đất gây ra những nguy hại đến chính sức khỏe con người”, PGS Thịnh cho hay.

Còn ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cũng cho rằng việc tranh thủ tự trồng rau ở ven đường – nơi có nhiều phương tiện giao thông sẽ khiến người ăn đối mặt với hai vấn đề.

Thứ nhất, rau sẽ bị nhiễm độc bởi các lớp bụi khói, khí thải (xăng, chì, nhớt) từ các loại xe cộ mà mắt thường không thể đánh giá được. Thứ hai, canh tác trên mảnh đất công cộng chắc chắn sẽ có các loại rác thải, chất thải từ người qua đường. Điều đó có nghĩa, rau tự trồng có thể chứa rất nhiều vi sinh vật và kim loại nặng.

Trong khi đó, theo ông Hồng, rau an toàn cần đạt 4 tiêu chí, bao gồm hàm lượng kim loại nặng, nitorat, vi sinh vật và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải đạt dưới mức cho phép.

Rau tự trồng ven đường có nguy cơ chứa rất nhiều kim loại nặng từ khói bụi giao thông. Ảnh: Việt Hùng.

Do đó, theo các chuyên gia, việc tự trồng rau chỉ giúp người dân kiểm soát tốt về việc rau được mọc tự nhiên, không dùng chất kích thích tăng trưởng vượt ngưỡng an toàn.

Để trồng được rau sạch thật sự, người dân nên lựa chọn loại đất chuyên canh trồng rau, đó là đất được cải tạo liên tục hoặc loại đất sạch đóng sẵn được bán nhiều ở các cửa hàng cây giống. Đặc biệt, cần tránh trồng ở những vỉa hè, ven đường có nhiều phương tiện đi lại và tưới rau bằng nguồn nước sạch.

Rau tự trồng có cần dùng hóa chất?

Ông Nguyễn Duy Hồng thông tin thêm, thời gian thu hoạch của các loại rau khác nhau. Thông thường, rau trồng tự nhiên có thể thu hoạch từ 1-3 tháng. Với quy mô nhỏ, người dân không cần dùng các thuốc kích thích tăng trưởng cũng như bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội lưu ý, không phải tất cả các thuốc bảo vệ thực vật đều nguy hiểm.

 “Việc người trồng rau phun thuốc lên rau là điều cho phép. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật có thuốc điều hòa sinh trưởng, bao gồm thuốc kích thích sinh trưởng và hạn chế sinh trưởng. Người trồng rau vẫn có thể dùng để rau mọc nhanh hơn, hạn chế sâu bọ nhưng vấn đề là phải dùng thuốc nằm trong danh mục cho phép với liều lượng đạt chuẩn và cách ly đủ thời gian quy định mới thu hoạch.

Năm 2015, tại Hà Nội, chi cục lấy 400 mẫu đi kiểm tra, chỉ 5 mẫu (1,25%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Năm 2014, Hà Nội sử dụng 360 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trong khi toàn quốc là 116.500 tấn.

"Người dân thủ đô sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc chiếm 60%, còn hóa học chiếm 40%. Công tác quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội trong trồng rau là tốt nhất cả nước", ông Hồng nói.






Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm