Người ta thường cho rằng đồng hồ là “bảo bối” của cánh mày râu bởi đam mê cơ khí luôn có sẵn trong bộ gen Y. Trong khi đó, nửa kia thế giới chỉ coi đồng hồ như một món trang sức tương tự chiếc lắc tay. Quan niệm này, ít nhất trong thế giới của Richard Mille - người luôn theo đuổi và nhấn mạnh triết lý không khoan nhượng trong chế tác đồng hồ xa xỉ, đã hoàn toàn lỗi thời.
“Đồng hồ dành cho phụ nữ hiện đại không chỉ thuộc về những bữa tiệc sang trọng hay các buổi thưởng trà thanh nhã, mà còn xuất hiện trên cổ tay một quý cô đang ra cú swing tuyệt vời trên sân golf, hay đằng sau vô lăng chiếc Mustang trong giải đua dành cho phái đẹp Rallye de Princesses”, Richard Mille bày tỏ.
Ý tưởng phô diễn vẻ đẹp cơ khí được nhen nhóm từ những năm 1980 với chiếc đồng hồ lộ cơ Golden Bridge của Corum, sau đó là cột mốc đầu tiên trong việc chế tạo đồng hồ vỏ sapphire của Alan Silberstein vào năm 1999 với các mặt cắt phẳng đơn giản và có phần thô sơ.
13 năm sau, con người mới được chứng kiến sự ra đời của bộ vỏ 3 lớp sapphire cong trong suốt - một “cuộc cách mạng” đầy rủi ro và tốn kém trong quá trình rũ bỏ những quan niệm cũ kỹ về chế tác đồng hồ của Richard Mille. Kết quả của “cuộc cách mạng” ấy là mẫu đồng hồ RM 056 Sapphire - Tourbillon Split Seconds sản xuất giới hạn 5 chiếc toàn thế giới vào năm 2012.
4 năm sau khi bộ vỏ sapphire nguyên khối đầu tiên ra đời, Richard Mille lại đẩy giới hạn về kỹ thuật chế tác đồng hồ lên một tầm cao mới khi “nhuộm màu” chiếc RM 07-02 Pink Lady Sapphire dành cho phái nữ, ra mắt lần đầu năm 2016. Cảm hứng của cái tên Pink Lady bắt nguồn từ một loại cocktail dành cho nữ giới vào thời kỳ cấm rượu toàn quốc tại Mỹ. Thứ đồ uống có cồn màu hồng ấy như một sự phản bác tư tưởng bá quyền của đàn ông đầu thế kỷ 20.
RM 07-02 Pink Lady Sapphire chế tác từ sapphire nhân tạo có gốc hợp chất tinh thể nhôm oxit dưới áp lực cao, nhuộm màu bằng phương pháp oxy hóa sapphire. |
Nghịch lý nằm ở chỗ sapphire quá cứng và giòn nên quá trình chế tác gặp nhiều trở ngại. Hầu hết máy móc chế tác sapphire trên thị trường đều dừng ở việc cắt các tấm phẳng, trong khi các chi tiết của vỏ đồng hồ Richard Mille cần độ cong nhẹ và chính xác tuyệt đối.
Công đoạn mài cũng cam go không kém. Mài các mặt phẳng không khó nhưng với các bề mặt cong phức tạp lại là chuyện hoàn toàn khác. Các tấm sapphire được mài bằng sóng siêu âm trong chiếc hộp chứa một loại bùn đặc biệt đầy các hạt kim cương li ti. Việc khoan tạo những lỗ bắt vít trên bề mặt sapphire cũng yêu cầu sự chính xác tuyệt đối, chỉ một lỗi nhỏ sẽ biến tảng sapphire nguyên liệu thành phế phẩm.
Trung bình để hoàn thành được một bộ vỏ sapphire của Richard Mille, nghệ nhân cần hơn 40 ngày chế tác liên tục và hơn 800 giờ gia công.
Trái tim cơ khí của RM 07-02 Pink Lady Sapphire là bộ máy in-house 25 chân kính CRMA5. |
RM 07-02 Pink Lady Sapphire sở hữu kết cấu vỏ đồng hồ phức tạp, với yêu cầu cao về công thái học nhằm mang lại cảm giác thoái mái cho người đeo, cùng với độ khít ở 3 lớp cong tối thiểu là 1 micromet để chống oxy hóa bộ máy bên trong, đồng thời tránh tạo áp lực lên nhau khi lắp ráp. Để rồi cuối cùng, model này sở hữu một tông màu luôn có sức mê hoặc với phái đẹp.
Bộ máy in-house của RM 07-02 có 50 giờ dự trữ, xung nhịp 28.800 vph, sở hữu rotor quán tính biến thiên đính kim cương có thể điều chỉnh theo mức độ vận động của người đeo và bánh xe chỉnh động giảm ma sát, đảm bảo độ chính xác cơ học tối đa. Sở hữu mức giá 1,2 triệu USD, “giấc mơ” không tưởng này đã trở thành hiện thực với vị khách của Richard Mille boutique Việt Nam tại Sofitel Metropole Hanoi.
RM 07-02 Pink Lady Sapphire - phiên bản full diamonds. |
Cảm nhận chung của nhiều người khi lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc đồng hồ vỏ hoàn toàn bằng sapphire là trông chúng không hề đắt tiền như tưởng tượng. Quả thực nếu vàng, kim cương, đá quý xưa nay luôn là vật liệu “kim chỉ nam” của ngành chế tác đồng hồ xa xỉ, thì giá trị của những chiếc đồng hồ sapphire Richard Mille nằm ở chất xám của nghệ nhân khi chinh phục đỉnh cao mới trong chế tác đồng hồ cơ khí.