iRobt là dự án nghiên cứu khoa học được triển khai trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Đại học Duy Tân và Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng. iRobt được nghiên cứu và chế tạo bởi CEE nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách ở các sân bay, giảm áp lực công việc cho nhân viên sân bay khi số lượng hành khách ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, iRobt còn hỗ trợ cung cấp thông tin liên quan đến chuyến bay cùng những thông tin cần thiết khác, giúp hành khách đi máy bay tiện lợi và nhanh chóng.
iRobt chạy thử nghiệm tại sân bay Đà Nẵng. |
ThS Trần Lê Thăng Đồng - Phó giám đốc CEE, Đại học Duy Tân - cho biết: “Thời gian gần đây, các cảng hàng không Việt Nam đã triển khai nhiều dự án thiết kế và chế tạo robot phục vụ nhu cầu tại sân bay. Đã có một số loại robot được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là những robot đó có giá thành khá cao, chưa hỗ trợ tốt tiếng Việt. Bên cạnh đó, khả năng di chuyển và định vị trong nhà ga chưa được giải quyết hoàn chỉnh. Với iRobt, chúng tôi mong muốn góp phần giải quyết vấn đề mà các sân bay đang gặp phải, đồng thời trả lời cho bài toán mà nhiều dự án nghiên cứu robot khác còn vướng mắc”.
Với phần khung vỏ được chế tạo bằng vật liệu nhựa composite, iRobt đảm bảo độ cứng và bền theo thời gian. iRobt được trang bị công nghệ nhận dạng giọng nói tiếng Việt, tiếng Anh kết hợp các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên; công nghệ xử lý và lọc tiếng ồn nơi công cộng, giúp robot nghe được câu hỏi của hành khách trong môi trường nhiều tiếng ồn nhiễu nền.
Ngoài ra, robot được trang bị công nghệ xử lý ảnh nhận dạng mã QR code để đọc thông tin trên thẻ boarding pass, sau đó cung cấp thông tin liên quan đến chuyến bay, định vị vị trí trong khu vực nhà ga để dẫn đường cho hành khách.
Cán bộ CEE và Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng chụp hình cùng iRobt. |
Được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến và hiện đại, trong giai đoạn nghiên cứu 1, iRobt có thể giao tiếp qua giọng nói bằng tiếng Việt và tiếng Anh để hướng dẫn, cung cấp thông tin theo yêu cầu của hành khách dựa trên các kịch bản định sẵn với thông tin đầu vào từ các nguồn như giọng nói, lựa chọn trên màn hình cảm ứng của robot, đầu đọc thẻ lên máy bay (boarding pass) của robot...
Trong giai đoạn nghiên cứu 2, robot có thể cung cấp công cụ phản ánh hiện trường của hành khách đối với chất lượng dịch vụ cảng hàng không, di chuyển theo quỹ đạo định sẵn và dẫn đường cho hành khách đến các vị trí lựa chọn. Trong giai đoạn nghiên cứu 3, các nhà khoa học CEE có thể tích hợp chức năng thay thế kiosk check-in vào iRobt.
Tính đến thời điểm chạy thử nghiệm tại sân bay Đà Nẵng, iRobt đã được CEE nghiên cứu phát triển các giải thuật điều khiển động cơ và kiểm soát hành trình di chuyển trên mặt phẳng; phát triển phần mềm nhận dạng tiếng nói bằng tiếng Việt, xử lý ngôn ngữ tự nhiên để giao tiếp bằng tiếng Việt với hành khách.
Bên cạnh đó, CEE còn phát triển phần mềm với giao diện người dùng thân thiện, cho phép hành khách tương tác trực tiếp với robot bằng màn hình cảm ứng với các tính năng: Hiển thị thông tin lịch trình bay trong ngày, bản đồ nhà ga, thông tin hướng dẫn, chỉ dẫn vị trí, địa điểm và thông tin quy định nhà ga, quy định đi máy bay dựa trên các câu hỏi của hành khách. Robot cũng có thể hướng dẫn tìm kiếm quán ăn, quán cà phê, cửa hàng; thông báo vật bị cấm mang lên máy bay; cung cấp dịch vụ chụp hình hành khách và gửi email.
Hiện tại, iRobt được đặt và chạy thử nghiệm tại sân bay Đà Nẵng trong 2 tháng. Sau đó, dựa trên dữ liệu robot thu thập được trong thời gian thử nghiệm, CEE sẽ nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện các giai đoạn tiếp theo để đưa iRobt vào hoạt động chính thức.
Đại học Duy Tân là một trong 400 trường đại học tốt nhất châu Á năm 2021 theo QS Rankings. Trường đạt chuẩn kiểm định ABET của Mỹ, xếp thứ 3 trong 4 trường đại học của Việt Nam (thứ 1.659 thế giới) trên bảng xếp hạng trường đại học trên thế giới - CWUR, xếp thứ 2 trong 12 trường đại học của Việt Nam (thứ 770 thế giới) trên bảng xếp hạng theo học thuật - URAP, xếp thứ 2 của Việt Nam trên bảng xếp hạng Nature Index 2019.