Từ năm 2019, robot sẽ được sử dụng để dạy tiếng Anh tại 500 trường ở Nhật Bản. Cuộc thử nghiệm với kinh phí khoảng 250 triệu yên này nhằm cải thiện năng lực Anh ngữ cho cả giáo viên lẫn học sinh.
“Robot trí tuệ nhân tạo (AI) trên thị trường có nhiều chức năng. Ví dụ, chúng có thể kiểm tra phát âm tiếng Anh của mỗi học sinh, điều mà giáo viên khó làm được”, một quan chức Nhật Bản cho biết.
Những giáo viên đặc biệt trên thế giới
Thực tế, từ năm 2009, trường Tiểu học Kudan ở Nhật Bản đã sử dụng robot Saya dạy học. Đây được cho là giáo viên robot đầu tiên trên thế giới. Saya có thể giảng bài, điểm danh và yêu cầu học sinh trật tự.
Tháng 6/2015, "cô giáo robot xinh đẹp" tên Tiểu Mỹ bắt đầu giảng dạy tại Đại học Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tiểu Mỹ giảng bài qua PPT và giao tiếp đơn giản với sinh viên.
Giáo viên robot thường thu hút sự chú ý của học trò. Ảnh: AFP. |
Một năm sau, robot Keeko được sử dụng tại hơn 200 trường mầm non ở Trung Quốc với vai trò trợ giảng. Những con robot cao 60 cm, có trí thông minh tương đương đứa trẻ 5 tuổi có thể kể chuyện bằng tranh ảnh, trò chuyện, chơi cùng trẻ mẫu giáo.
Singapore cũng là một trong những nước ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. Năm 2015, Singapore thử nghiệm sử dụng robot như đồ chơi giáo dục để học từ vựng, logic, cách sắp xếp theo thứ tự và di chuyển.
Tháng 6/2016, hai robot Pepper và Nao trở thành trợ giảng được chào đón nhất tại hai trường mẫu giáo ở nước này, khi tham gia dạy trẻ về Địa lý, cách thể hiện cảm xúc. Cùng năm, robot Kibo được sử dụng tại 160 trường mầm non ở Singapore nhằm giúp trẻ tiếp thu bài dễ hơn và biết cách tương tác trong giờ học.
Việc sử dụng robot dạy học ở Hàn Quốc thậm chí còn sớm hơn. Năm 2010, hai trường tiểu học ở thành phố Masan dùng robot Engkey để dạy tiếng Anh cho học sinh. Giáo viên mẫu giáo ở Daejeon cũng được trợ giảng bởi robot Genibo. Cách đây 8 năm, Hàn Quốc đặt mục tiêu đưa 830 loại robot vào dạy học tại tất cả trường mầm non toàn quốc.
Trong khi đó, tháng 3/2012, hai robot Max và Ben bắt đầu công tác dạy học tại trường Tiểu học Topcliffe, Anh. Nghiên cứu từ ĐH Birmingham cho thấy hai giáo viên đặc biệt này giúp trẻ tự kỷ học bài tốt hơn.
Tháng 3 vừa rồi, Phần Lan - nền giáo dục hàng đầu thế giới - cũng gây ấn tượng với việc thử nghiệm robot dạy học Elias. Chúng được sử dụng để dạy môn ngôn ngữ tại các trường tiểu học thuộc thành phố Tampere.
Trong đợt thử nghiệm này, Elias phụ trách dạy tiếng Anh, tiếng Phần Lan, tiếng Đức dù chúng có thể hiểu và nói đến 23 ngôn ngữ.
Các giáo viên đặc biệt này nắm rõ trình độ của học sinh, căn cứ biểu hiện trong giờ học của người học để đoán các em đang gặp vấn đề ở chỗ nào. Việc sử dụng robot dạy học không hề hiếm trên thế giới và ngày càng trở nên phổ biến.
Người tiên phong trong việc nghiên cứu áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo này vào giáo dục là Semour Papert. Ông là nhà toán học, khoa học máy tính cộng tác với nhà triết học, tâm lý học trẻ em Jean Piaget tại ĐH Geneva (Thụy Sĩ) trước khi chuyển công tác đến Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Tại MIT, ông nghiên cứu phát triển chương trình ngôn ngữ cho trẻ và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Đây là ý tưởng khởi đầu cho kỷ nguyên robot làm giáo viên đang phát triển rầm rộ tại nhiều nước trên thế giới.
Robot được sử dụng để dạy học tại nhiều nước trên thế giới và đặc biệt hiệu quả đối với trẻ tự kỷ. Ảnh: Cisco. |
"Robot thay thế giáo viên, nhiều người sẽ mất việc"
Robot được đánh giá làm việc hiệu quả, đặc biệt dạy ngôn ngữ. Ngoài ra, công nghệ tiên tiến này cũng kích thích trí tò mò, khơi dậy hứng thú tìm tòi, sáng tạo cho trẻ. Robot giáo viên đồng thời tăng sự tương tác của học sinh vì luôn có sức hút kỳ lạ với trẻ em. Người máy cũng chứng minh được hiệu quả vượt trội so với giáo viên trong quá trình dạy học cho trẻ tự kỷ.
“Trẻ tự kỷ gặp vấn đề trong giao tiếp với người khác nên khó tiến bộ nếu học theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, các em dễ làm quen với công nghệ hơn, đặc biệt là robot. Tôi từng chứng kiến trẻ tự kỷ có thể theo học các lớp thông thường chỉ sau vài tháng học cùng robot”, Richard Margolin - Giám đốc Công nghệ của công ty RoboKind ở Dallas, Mỹ - cho biết.
Trước mặt tích cực và sự phát triển nhanh chóng của robot trong dạy học, ông Anthony Seldon, Phó hiệu trưởng ĐH Buckingham (Anh), dự đoán robot sẽ thay thế giáo viên truyền thống trong vòng 10 năm tới. Đây là một phần trong cuộc “cách mạng” giáo dục. Việc giảng dạy ở trường sẽ chuyển sang hình thức một đối một.
Thời kỳ của giáo viên robot cũng có thể chấm dứt hình thức phân chia lớp học theo tuổi. Bởi lúc đó, người máy theo sát tiến độ học của trẻ để đưa ra chương trình phù hợp thay vì chương trình chung cho cả lớp.
“Robot hiểu được điều gì khiến người học hứng thú nhất để đưa ra thử thách một cách tự nhiên, không quá khó hay dễ mà phù hợp người học. Mỗi học sinh sẽ có giáo viên tốt nhất, hoàn toàn dành riêng cho mình. Vị giáo viên này sẽ theo họ suốt đời”, ông Seldon nhận định.
Ông Anthony Seldon dự đoán robot sẽ thay thế giáo viên trong 10 năm tới. Ảnh: Universities UK. |
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo việc để robot dạy học có thể khiến học sinh không thể trưởng thành và thiếu trải nghiệm cuộc sống.
Do đó, giáo viên sẽ chuyển vai trò thành giám thị, cùng theo dõi sự tiến bộ của học sinh và thực hiện các nhiệm vụ ngoài giảng dạy.
Ông đánh giá việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục sẽ tạo ra tác động lớn lên xã hội. Đây là điều dễ hiểu và thường thấy sau các cuộc cách mạng công nghiệp mà loài người đã trải qua.
“Tôi đoán robot sẽ thay thế giáo viên trong vòng 10 năm tới. Khi đó, nguy hiểm lớn nhất là hàng loạt giáo viên sẽ mất việc”, Anthony Seldon nói.
Không thể truyền cảm hứng cho người học
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn giống Phó hiệu trưởng ĐH Buckingham. Nhà báo Mỹ Natasha Smerling khẳng định robot không thể thay thế giáo viên, đơn giản vì chúng không biết truyền cảm hứng cho người học.
“Khi người trẻ ngày càng đắm chìm vào thế giới ảo, nghề giáo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Giáo dục giữ cho thế giới này thực hơn và để người trẻ tiếp tục sống đúng nghĩa”, bà chia sẻ.
Smerling thừa nhận với sự phát triển vũ bão của trí tuệ nhân tạo, nỗi lo công nghệ khiến nhiều người mất việc hoàn toàn có lý. Nhưng chính bản thân những chuyên gia hàng đầu về công nghệ như Steve Jobs tin rằng công nghệ không phải toàn năng trong giáo dục, dù nó có thể giúp con người giải quyết nhiều vấn đề thông qua máy tính.
Giáo viên truyền cảm hứng, tạo động lực để học sinh trở nên xuất sắc - điều robot không làm được. Ảnh: Kjmidday. |
Trả lời phỏng vấn Computerworld, người sáng lập hãng Apple từng nhấn mạnh con người mới là yếu tố quan trọng nhất. Họ kích thích, nuôi dưỡng trí tò mò của người khác. Máy móc không làm được điều đó.
Vì thế, Natasha Smerling phản bác nhận định trí tuệ nhân tạo làm việc hiệu quả hơn giáo viên. Bà cho rằng lối suy nghĩ này đang “bỏ qua những đóng góp của các nhà giáo một cách mù quáng”.
Nhà tâm lý học người Canada Albert Bandura cho biết trẻ học từ môi trường xã hội thông qua việc quan sát, bắt chước hành vi và sự ảnh hưởng từ những người xung quanh. Vì thế, mỗi cá nhân cần cảm thấy họ thuộc về và có mối liên kết với xã hội. Robot không làm được điều này. Thực tế, càng phụ thuộc vào công nghệ, con người càng mất kết nối với người khác.
Do đó, trí tuệ nhân tạo khó lòng thay thế giáo viên - những người hướng dẫn, hỗ trợ, truyền cảm hứng cho học sinh. Robot có thể có độ chính xác cao về mặt kiến thức nhưng chúng không thể tạo động lực để học sinh trở nên xuất sắc.
Nhà báo Natasha Smerling dự đoán giáo viên và robot nên cùng tồn tại. Thầy cô sử dụng robot như công cụ dạy học để mang lại nền giáo dục tốt nhất cho học sinh.
“Việc để trí tuệ phụ trách hoàn toàn, đưa ra phương pháp giảng dạy dành riêng, phù hợp nhất cho từng người không hợp lý vì thế giới ngoài lớp học không vận hành như thế”, bà nhận định.