Điều tra vụ siêu xe Ferrari 488 Pista Spider va chạm với xe máy làm tông một người tử vong trên đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), cơ quan chức năng cho biết dữ liệu trích xuất camera cho thấy sau khi vụ tai nạn xảy ra, tài xế Ferrari là anh H.B.V. (25 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) đã rời khỏi hiện trường. Đến trưa 1/11, người này vẫn chưa tới cơ quan công an trình diện.
Rời hiện trường sau vụ tai nạn và chưa tới cơ quan chức năng trình diện, người này có thể phải chịu trách nhiệm ra sao?
Sau vụ tai nạn, nhân chứng cho biết chỉ còn thấy một cô gái ngồi trong xe, lái xe đã rời khỏi hiện trường. Ảnh: Đ.H. |
Trích dẫn quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho biết người điều khiển phương tiện sau khi gây tai nạn có nghĩa vụ dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Ngoài ra, họ phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
"Như vậy, tài xế có 3 sự lựa chọn sau khi gây tai nạn là ở lại hiện trường, tới cơ sở y tế để cấp cứu hoặc tới cơ quan công an để trình báo. Trường hợp này, cần xác định tài xế có thuộc trường hợp bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải rời hiện trường vì bị đe dọa đến tính mạng hay không. Nếu không thuộc các trường hợp được phép rời đi, việc người này tự ý ra khỏi xe và bỏ đi là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Hùng bình luận.
Luật sư Trần Minh Hùng. Ảnh: NVCC. |
Theo khoản 8, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn có thể đối diện mức phạt 16-18 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hãng Luật Hưng Yên) cũng cho rằng nếu cảm thấy lo sợ bị đe dọa đến tính mạng sau tai nạn hoặc phải đi cấp cứu, tài xế có thể rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, sau khi đã được chữa trị hoặc đã bình tĩnh trở lại, anh ta có nghĩa vụ tới cơ quan công an để trình báo.
"Có hai tình huống có thể xảy ra. Nếu anh ta cảm thấy lo sợ, rời hiện trường nhằm mục đích tự vệ và đảm bảo an toàn cho bản thân, sau đó tới cơ quan công an để trình báo khi đã trấn tĩnh được tinh thần, đó là hành vi được phép, phù hợp quy định. Ngược lại, nếu người đó rời đi mà không quay lại trình báo thì đây có thể bị coi là hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn. Tùy thuộc mức độ, có thể áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự", ông Quynh phân tích.
Về thời hạn trình báo sau khi gây tai nạn, luật sư cho biết pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Việc tài xế tới trình báo còn phụ thuộc nhiều yếu tố như sự hồi phục tâm lý hay việc đảm bảo an toàn bản thân cho họ... Do đó, thời điểm trình báo tùy thuộc quyết định của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, họ vẫn phải tới trình diện nếu không muốn bị xếp vào trường hợp bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh. Ảnh: NVCC. |
Về chế tài hành chính, chế tài cho hành vi bỏ trốn là phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 5-7 tháng.
Nghiêm trọng hơn, nếu vụ việc có dấu hiệu hình sự, hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm hoặc cố tình không cứu giúp người bị nạn, đây sẽ là một tình tiết định khung để xử lý tài xế về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, điểm c, khoản 2, Điều này quy định người phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, sau khi gây tai nạn đã bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì sẽ đối diện mức án 3-10 năm tù.
3 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.
3. Hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng đề cập tới quy định, thực tiễn áp dụng và các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền.