Nhiều người bắt đầu sự nghiệp từ con số 0 sau Tết. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Giữa năm 2024, Như Ý (23 tuổi, quận Gò Vấp) hoàn thành chương trình đại học và đặt mục tiêu tìm kiếm công việc vào cuối năm. Song, cô đã không tìm được vị trí phù hợp sau kỳ thực tập ở ngân hàng.
Nhiều lần gửi CV (hồ sơ ứng tuyển) mà không được hồi âm, Ý quyết định về quê nghỉ ngơi vài tuần rồi quay lại TP.HCM tìm việc sau.
Không ngờ, kỳ nghỉ vài tuần kéo dài đến nửa năm khi cô không tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng.
Thay đổi để bắt đầu
Như Ý kể sau 6 tháng "nằm chờ" vẫn chưa có hướng đi rõ ràng, cô đành nghe lời khuyên của cha mẹ, ứng tuyển vào làm công ty của người quen.
"Thấy tôi cứ ở nhà mãi nên cha mẹ khuyên trải nghiệm công việc ở ngành khác, có kinh nghiệm thực tế rồi đi xin việc cũng dễ hơn", cô kể.
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều người bắt đầu lao vào tìm kiếm công việc mới. Ảnh minh họa: RDNE Stock project. |
Tuy nhiên, thay vì được đánh giá dựa trên năng lực và kết quả học tập, cô gái 23 tuổi lại bị chê bai về ngoại hình. Nhà tuyển dụng nhận xét cô không đủ chiều cao và "cân nặng không phù hợp" với vị trí công việc.
"Khi đó tôi thấy thất vọng và nản lòng vì tìm mãi không được việc nhưng cũng nhờ cha mẹ, người yêu động viên nên quyết thay đổi bản thân", Ý bày tỏ.
Như Ý đã bỏ ra 20 triệu đồng để tập luyện cùng huấn luyện viên cá nhân (PT) đồng thời đăng ký các chứng chỉ trực tuyến để năng cao kỹ năng chuyên môn. Tính đến cuối tháng 1, cô giảm được hơn 20 kg.
Sau kỳ nghỉ Tết, Ý tự tin ứng tuyển công việc trong ngành tài chính với một bản CV chỉn chu hơn và hy vọng tìm được công việc phù hợp.
"Sau nhiều thất bại, tôi học được cách trân trọng bản thân. Dù kết quả tuyển dụng sắp tới như thế nào, tôi cũng không bỏ cuộc và về nhà nữa", cô khẳng định.
2024 là một năm nhiều biến động đối với Ngọc Hân (27 tuổi), cựu chuyên viên tổ chức sự kiện ở quận Bình Thạnh (TP.HCM).
Đầu năm, cô xin nghỉ công việc tổ chức sự kiện để về quê Vĩnh Long mở tiệm bánh.
Sau khi đón con đầu lòng, Ngọc Hân bắt đầu thực hiện ước mơ dang dở là mở tiệm bánh vào đầu năm nay. Ảnh: NVCC. |
Trước đó, cô dành vài tháng ở Đà Lạt để học làm bánh và pha chế. Cô xem đây là giai đoạn vừa nghỉ ngơi vừa chuẩn bị cho chặng đường mới. Với số vốn là tiền tiết kiệm và hỗ trợ từ gia đình, Hân nhanh chóng bắt tay khảo sát thị trường và tìm mặt bằng phù hợp cho tiệm bánh.
Khi mọi thứ dường như sắp vào guồng, cô bất ngờ nhận tin vui. Hân có thai hơn 1 tháng. "Lúc đó tôi vừa hạnh phúc vừa lo lắng vì mang thai đồng nghĩa bản thân phải gác lại kế hoạch khởi nghiệp, tập trung chăm sóc sức khỏe", Hân tâm sự.
Tháng 7/2024, em bé chào đời, đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc sống của Ngọc Hân. Sau đó, cô gần như không có thời gian nghĩ đến công việc mà chỉ ở nhà chăm con.
Đến nay, bé gái cũng dần cứng cáp, Hân cũng nghĩ đến việc thực hiện ước mơ còn dang dở.
Sau Tết 2025, cô gửi con cho mẹ chăm sóc, bản thân đi đến các mặt bằng gần nhà. Lần này, cựu chuyên viên tổ chức sự kiện dự định mở tiệm nước ép, bán thêm các loại bánh ngọt.
"Tôi từng nghĩ mình sẽ bắt đầu vào năm 2024 nhưng làm mẹ là điều tuyệt vời nhất. Bây giờ, tôi không chỉ theo đuổi đam mê mà còn có động lực lớn là con gái", Hân nói.
Vượt qua nỗi sợ
Cuối năm 2023, Hà Hương (27 tuổi, Hà Nội) rơi vào cảnh thất nghiệp khi công ty cô sa thải hàng loạt. Đến tháng 3/2024, cô được nhận vào làm nhân viên truyền thông cho một công ty có tiếng.
"Bạn bè và người xung quanh thấy tôi may mắn vì có việc ở một doanh nghiệp lớn, nhưng phía sau đó là những áp lực vượt quá sức chịu đựng của tôi. Trong văn phòng, đồng nghiệp đấu đá lẫn nhau, cấp trên thì cứng nhắc và không thích thay đổi. Điều này khác hẳn văn hóa công ty trước, khiến tôi ngột thở", Hương chia sẻ.
Đó là nguyên nhân khiến cô quyết định sẽ nghỉ việc vào tháng 3 năm nay, sau khi kết thúc hợp đồng một năm.
Bố mẹ cô lo lắng và khuyên cô suy nghĩ kỹ, bởi tìm được việc ở một công ty lớn, với đãi ngộ tốt như vậy không dễ. Tuy nhiên, Hương tin vào quyết định của mình.
"Nghĩ đến việc quay lại rải CV, đi phỏng vấn, thử việc thêm một lần nữa khiến tôi cũng thấy mệt mỏi. Nhưng tôi thà thất nghiệp thêm một thời gian, bắt đầu mọi thứ lại từ đầu, còn hơn chịu cảnh căng thẳng đến mức phải uống thuốc giảm đau như đợt vừa rồi", cô nói.
Ưu tiên sức khỏe tinh thần, nhiều nhân sự chọn nhảy việc dịp đầu năm. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
2025 cũng là một năm đánh dấu sự chuyển biến lớn của Trâm (29 tuổi) khi cô quyết định nghỉ việc tại TP.HCM để về quê tìm kiếm cơ hội mới.
"Sau nhiều năm đi làm tại thành phố lớn, có mức lương không thấp, nhưng cũng không đủ cao để mơ mua nhà, định cư, tôi muốn về quê để gần bố mẹ và tận hưởng không khí yên bình hơn. Tôi nghỉ việc ngay trước Tết, đang làm một số dự án freelance trong lúc chờ tìm việc mới", Trâm cho biết.
Nỗi lo lớn nhất của Trâm khi quyết định về quê là phải xây dựng lại từ đầu các mối quan hệ trong công việc. Đi học rồi đi làm xa nhiều năm, cô không có nhiều hiểu biết về văn hóa và cách thức làm việc tại quê nhà.
Ở tuổi gần chạm mốc 30, cô cũng có chút lo ngại sẽ bị các nhà tuyển dụng từ chối vì "già". Tuy nhiên, Trâm tự tin vào năng lực và kinh nghiệm mà cô đã tích lũy được sau nhiều năm.
"Bắt đầu lại ở quê vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tôi thoát khỏi vùng an toàn, vượt qua nỗi sợ thay đổi. Tôi vừa lo lắng nhưng cũng rất háo hức để trải nghiệm môi trường làm việc mới", cô nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.