Đêm 17/2, trên Youtube xuất hiện đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh ẩu đả giữa thầy giáo và học trò ngay trên bục giảng, gây bức xúc dư luận. Đoạn clip được xác định xảy ra trong tiết học môn Hóa học của thầy Trần Anh Tuấn (23 tuổi), giáo viên dạy hợp đồng của trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn, Bình Định).
Trong clip, thầy giáo liên tục tát mạnh vào hai học sinh, trong đó một nam sinh đã đánh thầy để phản ứng lại. Cái tát của thầy và thái độ của trò khiến nhiều người giật mình về vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục.
Người xưa vẫn thường nói “Thương cho roi cho vọt” chỉ cách giáo dục bằng kỷ luật hợp lý xuất phát từ tình yêu thương. Thầy cô cũng như thể cha mẹ, trong khi giáo dục không thể tránh những nóng giận khi đối xử với con trẻ. Vậy hành động thầy đánh trò trong clip tại Bình Định có phải là “Thương cho roi cho vọt”? Nếu đúng thì tại sao lại bị nhiều người lên án, phải chăng quan niệm kia đã lỗi thời?
Hình ảnh thầy giáo tát học sinh được cắt từ clip. |
Sau khi clip được đăng tải, nhiều độc giả đã kể những câu chuyện cá nhân về kỷ niệm với cái tát của thầy cô.
Đã từng bị thầy tát tập thể, nhưng coi đó như một kỷ niệm, độc giả Thái Tài kể lại: “Xem clip này tôi nhớ lại năm lớp 12, lớp thuộc dạng quậy phá nhất trường, tuần nào cũng có người lên cột cờ kỷ luật. Tôi nhớ nhất là lần cả đám con trai chốn trong nhà vệ sinh hút thuốc, bị giám thị bắt quả tang. Tuần đó lớp bị trừ hết điểm thi đua, thầy chủ nhiệm được gặp riêng hiệu trưởng. Giờ sinh hoạt lớp đầu tuần cả đám con trai bị ăn tát, đứa nào đứa nấy vêu cả mỏ nhưng không có ai cảm thấy ức, chẳng ai bật lại cả".
“Năm ấy nhà trường tổ chức cho lớp 12 đi du lịch tại Đà Lạt, thầy trò quậy tưng bừng, việc bị ăn tát đứa nào cũng nhớ. Đêm đầu tiên thầy chủ nhiệm bị cả đám hội đồng ép bia, rượu, kết quả là sáng hôm sau cả trường phát hiện thầy ngủ trong nhà vệ sinh, quên không kéo khóa quần. Khi ra trường thầy trò vẫn dành cho nhau những tình cảm chân thật, lâu lâu tụ tập”, độc giả này chia sẻ kỷ niệm rất thật khi… "trả thù" thầy.
Một bạn đọc khác có tên Khắc Tú cho biết, anh đã trưởng thành từ chính cái tát của người thầy: “Tôi nhớ và rất tôn trọng người thầy ngày xưa đã phèo tai và tát tôi. Bây giờ tôi thấy đó là cái đáng quý khiến tôi tôn trọng nhất. Còn các thầy cô khác thì chỉ cần có quà là điểm cao và lên lớp”.
Anh kể thêm: "Học xong lớp 12 tôi thi trượt tốt nghiệp. Tôi thi lại năm sau và đỗ, không thi đại học. Đến giờ tôi 32 tuổi vẫn nhớ và cảm ơn thầy, so với 450 học sinh khóa của tôi thì bây giờ tôi là người thành công nhất khi là một chủ doanh nghiệp với tài chính ổn định".
Qua đây, Khắc Tú đưa ra lời khuyên: “Các bạn hãy nên học cái hay, cái đẹp, cách nhẫn nhịn thì mới mong thành người. Cứ phản đòn thầy thì sẽ không còn ai cho mình học”.
Từ những câu chuyện thực tế trên nhiều độc giả khẳng định roi vọt của người thầy trong clip là trút giận, bạo lực, mạnh tay chứ không phải là "thương cho roi cho vọt" hay "giơ cao đánh khẽ" như người xưa vẫn dạy. “Tát không khác gì thù hận, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trò", độc giả Lê Minh nhận xét.
"Thầy không ra thầy thì làm sao trò ra trò được” là lời thở dài của nhiều độc giả sau khi xem clip.
PGS Văn Như Cương: Hành vi của thầy giáo đánh học sinh đáng bị đuổi việc.
"Đáng buồn nhất là cái đánh của thầy giáo đối với cậu học sinh đó thể hiện sự cay cú, thù hận. Tất nhiên, khi nổi xung lên có thể người thầy sẽ tức giận, có mắng mỏ nhưng có tính chất kiềm chế. Còn đối với ông thầy này không hề có sự kiềm chế mà tát vào má học sinh hết sức dã man. Quan hệ giữa thầy giáo – học trò trước hết phải là quan hệ giữa người với người. Một con người làm sao mà đánh như thế trong bất cứ trường hợp nào. Tôi hoàn toàn không chấp nhận được hành động này.
Nếu một người thầy không làm được nhiệm vụ giáo dục thì không nên làm. Hình thức khiển trách, cảnh cáo theo tôi cần mạnh hơn nữa, có thể là can thiệp của pháp luật. Ở trường tôi, lập tức tôi sẽ ngừng việc giảng dạy thầy này".