Ngày 14/5, công an huyện Thanh Chương, Nghệ An cho hay, chiếc xe Mercedes đang chạy ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, Nghệ An thì bỗng dưng bốc cháy ngùn ngụt đến trơ khung. Đây là chiếc xe dòng C200, đời 2010. Trước khi bị cháy, xe đã đi qua một đoạn đường trải đầy rơm khô.
Vụ xe Mercedes C200 bị cháy ở Nghệ An hôm 12/5. |
Vụ việc khiến nhiều người sử dụng ôtô liên tưởng đến vụ cháy xe taxi tại quốc lộ 2, đoạn ngã tư Đại Đồng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ngày 6/6/2018. Khi đang di chuyển từ hướng Vĩnh Yên về Việt Trì, chiếc taxi hiệu Toyota bỗng phát sinh khói lửa phía đuôi. Ít phút sau đến đoạn ngã tư Đại Đồng, xe phát ra tiếng nổ và ngọn lửa bốc cao. Rất may mắn, người dân hai bên đường đã kịp thời dùng bình cứu hỏa mini và xô nước nhanh chóng dập lửa. Khi kiểm tra xe, người dân và lái xe mới phát hiện phía dưới gầm chiếc taxi này có rất nhiều rơm cuốn vào đang cháy âm ỉ.
Trước nữa, ngày 26/5/2013, chiếc xe Kia Morning BKS 99A-008.92 khi đang lưu thông trên tỉnh lộ 282, thuộc đoạn thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành thì bốc cháy. Ngay sau đó, công an huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cũng đã điều tra và xác minh, nguyên nhân gây cháy xe chính là do lái xe đã điều khiển xe qua đoạn đường phơi rơm rạ khiến rơm rạ cuốn vào gầm xe và bén lửa.
Năm 2011, cũng vì rơm rạ cuốn vào cổ xả ở gầm xe, chiếc ôtô Kia mang BKS 19A-001.35 đang chạy trên đoạn đường thuộc khu 1, phường Vân Phú, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã phát cháy, thiệt hại tới gần 700 triệu đồng. Vụ việc xảy ra ngày 22/6, đúng đợt miền Bắc nắng nóng kỷ lục tới 43 độ C, trong khi đó, lái xe đã cho nổ máy tới 10 phút trước khi sử dụng chính thức.
Đánh giá về các vụ việc này, kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch cho biết, rơm rạ cuốn vào gầm xe, cổ xả là nguyên nhân đáng tiếc trong nhiều vụ cháy ôtô. Người lái xe thiếu kinh nghiệm nếu cho xe đi qua đường trải nhiều rơm thì nguy cơ cao là rơm rạ sẽ cuốn vào cổ ống xả.
Trong điều kiện xe đang chạy, cổ ống xả rất nóng, khi rơm rạ hay các vật dụng dễ bắt lửa cuốn vào thì sẽ dễ dàng phát cháy. Ngọn lửa sẽ từ đó lan ra toàn bộ hệ thống gầm xe, động cơ xe và khiến xe cháy trụi.
“Trên thực tế, các loại xe mới bao giờ cũng có tấm bảo vệ gầm máy, nhằm ngăn chặn bùn bẩn, đất cát hay các dị vật mắc vào, giữ sạch sẽ cho hệ thống máy móc của xe. Tuy nhiên, ở những xe đi lâu đời, tấm bảo vệ gầm máy có thể bị hư hỏng, thủng, vỡ. Nhiều chủ xe không quan tâm nên không lắp thêm bộ phận này. Đây là lý do mà rơm rạ có thể dễ dàng mắc vào cổ ống xả”, kỹ sư Lê Văn Tạch phân tích.
Chi phí để lắp thêm tấm bảo vệ gầm xe sẽ dao động theo chủng loại thương hiệu xe, từ 1-6 triệu đồng.
Nguyên nhân gây cháy xe có thể đến từ rất nhiều tình huống trong đời sống sử dụng xe mà người dùng chủ quan không nắm được, như chập cháy điện do chuột cắn, quá tải hệ thống điện, kim phun nhiên liệu rò rỉ, dầu mỡ văng ra từ hộp số đọng ở gầm xe bắt lửa khi cổ xả hở…
Trong vụ việc xảy ra ở Nghệ An vừa qua, vì sơ xuất đi qua một đoạn đường rơm, lái xe thiếu kinh nghiệm đã làm mất trắng cả khối tài sản trị giá 400-500 triệu đồng- giá thị trường cho chiếc Mercedes C200 đời 2010.
Vì vậy, tài xế cần phải kiểm tra kỹ cả gầm xe khi vận hành ở các đoạn đường có rơm rạ hay các cung đường lạ.