Năm 2018 này, trang web chấm điểm phim Rotten Tomatoes tròn 20 năm ra đời, cũng là 20 năm đưa phê bình phim ảnh từ công việc của các nhà chuyên môn trở thành hoạt động đại chúng.
Hiện tượng phê bình phim được đại chúng hóa xuất hiện trên thế giới và ở Việt Nam. Người người nhà nhà đều thoải mái viết "review" và cho điểm số. Điều này có hại hay có lợi? Tờ Guardian bàn về vấn đề này.
"Tươi" hay "thối": Những đánh giá cảm tính?
Theo Guardian, Rotten Tomatoes (Cà chua thối) ra đời năm 1998, giữa thời kỳ Internet còn chưa phổ biến. Nhà sáng lập của nó, Senh Duong, có ý tưởng rất đơn giản là tạo nên một công cụ để biên soạn các bài phê bình phim, tập hợp chúng vào một chỗ.
Chính Duong cũng không hình dung được sau 20 năm, trang web của mình lại có quyền lực lớn đến thế đối với giới làm phim Hollywood.
"Star Wars: The Last Jedi" có điểm phê bình l91% nhưng điểm khán giả vỏn vẹn 48%.
Ai tin được là con số đó khách quan?
Không thể phủ nhận các bài phê bình trên vô cùng hữu ích. Điểm ưu việt của nó là tối giản hóa cách đánh giá phim: gán cho nó một con số. Trên 60% được tính là "cà chua tươi", còn dưới 60% thì bị xếp loại "cà chua thối". Phim đạt trên 75% bình luận tích cực được dán nhãn "chứng nhận tươi".
Ngày nay, phim Hollywood sống hay chết là do màu sắc của một quả cà chua định đoạt? Ảnh: Guardian. |
Đơn giản và nghe như trò trẻ con vậy nhưng ngày nay, Rotten Tomatoes có thể định đoạt số phận một bộ phim.
Những người phân loại cà chua (tạm dịch từ "Tomatometer") không chỉ thể hiện tầm ảnh hưởng trong phạm vi trang web này mà còn xuất hiện ở những trang web bán vé như AMC và Fandango (chủ sở hữu của Rotten Tomatoes từ năm 2016), trong kết quả tìm kiếm của Google, iTunes, SoundCloud, Twitter và các chiến dịch quảng bá của nhà phát hành.
Thông tin một bộ phim đạt 100% trên Rotten Tomatoes là một niềm vui lớn đối với nhà sản xuất, như gần đây có Paddington 2 và Lady Bird.
Nhưng đến khi một nhà phê bình (Cole Smithey) quyết định phân loại "thối" cho Lady Bird chỉ vì bộ phim được mọi người quá yêu thích và có một điểm số quá hoàn hảo, thì người ta đã phải nghĩ lại. Liệu việc một bộ phim được đánh giá ra sao trên Rotten Tomatoes có ảnh hưởng đến sự khách quan khi đánh giá nó của những người đến sau?
Hồi đầu năm, một vụ việc xảy ra làm suy giảm uy tín của Rotten Tomatoes khi một nhóm fan DC đã lập hội định phá hoại điểm số của phim Marvel Black Panther. Dù trang web đã lên tiếng trấn an dư luận, tuyên bố điểm số của họ không bị ảnh hưởng bởi những âm mưu phá hoại như vậy bằng cách ngăn chặn các tài khoản giả.
Nhưng vụ việc cũng cho thấy điểm yếu chết người của Rotten Tomatoes: ngoài điểm số của giới phê bình, trang còn có phần điểm số của khán giả. Chính phần điểm số của khán giả là thứ có thể bị ảnh hưởng những ý đồ hạ bệ đối thủ như vậy. Trước vụ Black Panther, cũng nhóm người trên đã có ý định phá hoại điểm số của Star Wars: The Last Jedi.
Và kết quả? The Last Jedi có điểm phê bình là 91% nhưng điểm khán giả chỉ vỏn vẹn 48%. Ai mà tin được đó là điểm số khách quan?
Phim thắng, do nhiều yếu tố
Phim thua, do Rotten Tomatoes?
Khi một phim thất bại, cả truyền thông lẫn dư luận lập tức đổ lỗi cho Rotten Tomatoes. Điển hình là các bom xịt mùa hè qua như Baywatch (điểm số: 18%), The Mummy (16%), King Arthur: Legend of the Sword (29%) hay Pirates of the Caribbean 5 (30%).
"Trang web tập hợp các nhà phê bình này đang làm chậm lại tiềm năng kinh doanh của các phim thương mại", trang Deadline than phiền. Còn đạo diễn Brett Ratner gọi Rotten Tomatoes là "thứ tệ nhất từng có trong lịch sử điện ảnh" và "sự phá hoại ngành kinh doanh của chúng ta".
Ratner phẫn nộ vì Rotten Tomatoes đã góp phần hủy hoại số phận của bom tấn do công ty ông đồng sản xuất, Batman v Superman: Dawn of Justice (27%).
Wonder Woman thăng hoa với 92%, còn Justice League "xuống địa ngục" với 40%. Cả hai phim đều có Gal Gadot. Ảnh: DC. |
Warner Bros và DC dính thêm một quả tạ nữa là Justice League, bom tấn có kinh phí 300 triệu USD nhưng thu về chỉ 657 triệu USD toàn cầu, có điểm số 40%. Thậm chí, nhà sản xuất còn phải "nhờ" Rotten Tomatoes ém điểm số vài ngày để hạn chế ảnh hưởng doanh thu.
Điều này cũng gây tranh cãi khi người ta phát hiện Warner Bros. giữ 30% cổ phiếu trong công ty mẹ của Rotten Tomatoes là Fandango. Nhưng Rotten Tomatoes phủ nhận ảnh hưởng của Warner Bros. lẫn mọi thế lực bên ngoài lên điểm số của Justice League.
Khi Duong sáng tạo ra Rotten Tomatoes năm 1997, anh chỉ nghĩ đến tác động tích cực. Người hâm mộ sẽ có nơi để căn cứ đánh giá trước khi xem phim, và nhà sản xuất có thêm nơi để quảng bá phim. Nhưng khi các phim bị đánh giá "nghèo nàn" thua lỗ, mọi chỉ trích về tác động tiêu cực của trang mới phát sinh.
Rotten Tomatoes có thực sự quyết định thành bại của một phim? Theo Ethan Titelman, phó chủ tịch hãng nghiên cứu điện ảnh National Research Group (NRG), trang web có tác động thực sự.
Thống kê của NRG cho thấy 50% khán giả đều xem điểm số của phim trên trang web này trước khi mua vé. 82% "có hứng thú" xem phim hơn nếu nó có điểm cao, và 66% sẽ ái ngại nếu phim có điểm thấp. Nhưng quan trọng hơn, ảnh hưởng của Rotten Tomatoes đang tăng cao và lan rộng. Trong vài năm qua, mức độ ảnh hưởng đã tăng gấp đôi ở nhóm khán giả trên 45 tuổi.
Không giết các bộ phim, mà giết nền phê bình?
Theo Guardian, việc Rotten Tomatoes ảnh hưởng như thế nào đến doanh thu các phim không quan trọng bằng việc trang web này thực sự đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến cách cảm nhận, đánh giá phim của một thế hệ khán giả.
"Chúng ta từng đọc các bài tranh luận sâu về điện ảnh, còn bây giờ chúng ta nhìn vào màu sắc xanh hay đỏ của một quả cà chua"
- nhà báo Steven Gaydos
"Rotten Tomatoes có thể không giết các bộ phim, nhưng nó đang giết nền phê bình. Không chỉ bỏ qua các chuyên gia để tạo tiếng vang với khán giả đại chúng, trang web này còn phân chia đánh giá của người dùng thành hai dạng: tích cực và tiêu cực", tờ báo viết.
Điều này khiến những phim được đông đảo người dùng cho là dễ xem và dễ cảm nhận có thể dễ dàng đạt mức "cà chua tươi" hay thậm chí số điểm 100%. Nhưng còn những phim thách thức người xem, gây tranh cãi, thử nghiệm hoặc sáng tạo điện ảnh mới? Chúng chia rẽ các ý kiến và kết quả là đạt điểm số thấp tè.
Những thử nghiệm điện ảnh thách thức người xem gặp bất lợi vô cùng lớn với cách đánh giá phân loại, chấm điểm của Rotten Tomatoes. Ảnh: New York Times. |
Biên tập viên Steven Gaydos của trang Variety gọi đây là sự "tự kiểm duyệt" của khán giả, còn "các nhà phê bình chuyên nghiệp đã được rèn luyện để tiếp nhận những bộ phim nghiêm túc vì họ không muốn mất việc". Nhưng cách đánh giá bằng điểm số đã khiến lối phê bình nghiêm túc này không còn đất sống.
Điểm số trung bình ở Rotten Tomatoes đã tăng từ 51% của thập niên 2000 đến 53% của thập niên 2010. Năm 2017, điểm số trung bình cao chót vót, 71%. Guardian đặt câu hỏi: Liệu nền điện ảnh đang rực rỡ toàn phim hay, hay lối phê bình điện ảnh thực sự đã không còn?
"Chúng ta từng đọc các bài tranh luận sâu về điện ảnh của Andrew Sarris và Pauline Kael, còn bây giờ chúng ta nhìn vào màu sắc xanh hay đỏ của một quả cà chua. Chúng ta cần nhận ra mình đang mất mát gì", Gaydos cảnh báo.