Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một gã khổng lồ mới trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Theo AppAnnie, Playrix trở thành nhà phát triển game dành cho điện thoại lớn thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Tencent.
Igor (38 tuổi) và Dmitry Bukhman (35 tuổi), những nhà sáng lập và chủ sở hữu duy nhất của hãng game trên, sở hữu khối tài sản đạt 3,9 tỷ USD mỗi người, theo thống kê của Bloomberg.
Dmitry Bukhman (trái) và anh trai Igor Bukhman. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, điều đó không ngẫu nhiên xảy ra. Vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế vì dịch bệnh, trong khi các công ty khác cắt giảm quảng cáo, nhà phát triển game này tận dụng giá quảng cáo thấp hơn để tăng cường sức tiếp thị của họ.
Số người chơi của Playrix tăng 50% và chạm mốc 180 triệu người ở giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất. Trong đó, số lượng game thủ ổn định ở mức 150 triệu người/tháng. Doanh số bán hàng tăng khoảng 60% lên 1,75 tỷ USD chỉ trong 8 tháng đầu năm, theo báo cáo của công ty.
“Những trò chơi thành công của hãng đã trở thành dịch vụ lâu dài, tương tự cách hoạt động của Netflix - một ứng dụng duy trì lượng người dùng nhờ thường xuyên bổ sung những nội dung mới. Chúng tôi sẽ liên tục thêm câu chuyện, nhiều kỹ xảo và cấp độ game khác nhau để người dùng có thể chơi trong nhiều năm”, Igor cho biết.
Julia de Macfarlane-Smith (42 tuổi) là một trong số những người chơi mới trong thời gian ở nhà tránh dịch.
Kể từ khi nhấn vào quảng cáo của Playrix vào hồi tháng 2, cô dành 6 tiếng/ngày để chơi Gardenscapes, một trong những trò chơi phổ biến nhất của hãng. Ngoài ra, cô chi khoảng 64 USD/tháng để vượt qua các cấp độ nhanh hơn.
Một trong những tựa game hàng đầu của Playrix. Ảnh: Playrix. |
“Trò chơi này khiến cuộc sống trong nhà của tôi không bị nhàm chán. Nếu không có đại dịch xảy ra, chưa chắc tôi sẽ dành thời gian cho ứng dụng này đâu”, bà mẹ nội trợ ở Gloucestershire (Anh) cho biết.
Các công ty trò chơi điện tử như Tencent (Trung Quốc), Zynga (Mỹ), CD Projekt SA (Ba Lan) và Netmarble (Hàn Quốc) đều ghi nhận cổ phiếu tăng mạnh trong năm nay do mọi người dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để chơi game.
Tuy nhiên, việc Playrix vươn lên vị trí thứ 2 từ vị trí thứ 7 năm ngoái là một sự kiện đáng kinh ngạc của hai anh em người Nga Igor và Dmitry.
Cách đây 19 năm, khi được một giáo sư đại học chỉ cho rằng anh hoàn toàn có thể bán các phần mềm trực tuyến, Igor quyết định làm việc cùng em trai Dmitry, khi ấy vẫn là học sinh cấp 3.
Năm 2001, hai anh em nhà Bukhman chính thức khởi nghiệp. Năm 2004, khi doanh nghiệp đạt 10.000 USD doanh thu hàng tháng, họ đăng ký kinh doanh và thuê văn phòng ở Vologda. Cho đến nay, Playrix có hơn 2.500 nhân viên và đặt trụ sở chính tại Ireland, cùng các nhà phát triển ở Nga và Đông Âu.
Hai anh em Bukhman khởi nghiệp từ khi mới chỉ 18 tuổi. Ảnh: Getty Images. |
Các ngân hàng đầu tư hàng đầu từng khuyến khích hãng game hợp nhất với một công ty lớn hơn hoặc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán nhưng Dmitry không đồng tình. Tuy nhiên, hai anh em cũng không loại trừ những lựa chọn đó trong tương lai.
Trong 2 năm qua, công ty đã mua hàng chục nhà phát triển và hy vọng có thể trông cậy vào họ để tạo ra các siêu phẩm mới. Ngoài ra, hãng vẫn chú trọng cải thiện và nâng cấp các tựa game đình đám để giữ chân người chơi.
“Các nhà đầu tư từng cho rằng trò chơi điện tử là một ngành kinh doanh rủi ro, cần phải sản xuất nhiều ứng dụng hot liên tục nhưng điều đó không còn đúng nữa. Nếu bạn tạo ra một trò chơi thành công và vận hành nó đúng cách, bạn có thể kiếm tiền trong nhiều năm”, Dmitry cho biết.