Nhu cầu tìm đến các ôtô đã qua sử dụng tăng cao khi hàng chờ mua xe mới ngày một kéo dài. Lợi thế của thị trường thứ cấp là xe có sẵn và gần như có thể nhận ngay khi xuống tiền.
Tuy nhiên ẩn chứa phía sau những lời mời chào hấp dẫn là nhiều rủi ro và cạm bẫy mà người mua xe cũ cần đặc biệt lưu tâm.
Chất lượng không đảm bảo
Câu chuyện thường gặp của những người mua ôtô cũ là chọn nhầm xe “phục chế”.
Không ít xe gặp tai nạn nghiêm trọng nhưng trải qua quá trình phục chế đã trở về hình dạng ban đầu với nước sơn, vẻ ngoài long lanh không khác gì xe lăn bánh từ đại lý.
Tuy nhiên dù có được đầu tư sửa chữa đến mức nào, động cơ cũng như hệ thống lái sau va chạm đã không còn duy trì được chất lượng như ban đầu.
Anh Hoàng Phong (TP.HCM) cho biết mình suýt là nạn nhân của trò phù phép này.
“Chiếc ôtô hạng B mà tôi định mua còn khá mới, chỉ vừa lăn bánh hơn 10.000 km và được chủ xe rao bán với giá 500 triệu đồng. Sau khi xem xét kỹ, tôi thấy sinh nghi nên lên mạng dò xét thì tìm thấy thông tin chiếc xe đã từng gặp tai nạn làm hư hỏng nghiêm trọng”, anh Phong thuật lại.
Theo các dân buôn dày dặn trong nghề, những chiếc xe do cá nhân đăng bán thường rơi vào trường hợp này.
Nên tìm đến các cửa hàng kinh doanh ôtô cũ có uy tín để mua xe. Ảnh: Bối Hạ. |
“Tâm lý người mua thường tin tưởng những quảng cáo xe cũ do gia đình sử dụng. Do đó các gian thương sẽ gửi đăng bán xe dưới danh nghĩa cá nhân để lợi dụng lòng tin này”, anh Thanh Trường (TP.HCM), chủ một đại lý ôtô cũ, nhận định.
Theo anh Trường, người mua nên liên hệ với các đại lý ôtô cũ có uy tín để được đảm bảo về nguồn gốc và chất lượng xe đã qua sử dụng.
Người này cũng khuyến cáo những ai có nhu cầu mua ôtô cũ nên dành thời gian trải nghiệm chiếc xe thật kỹ trước khi ra quyết định.
“Cầm lái ít nhất 30 phút trên đường với chiếc ôtô định mua sẽ giúp bạn hiểu được mình có phù hợp với chiếc xe hay không, cũng như dễ phát hiện những lỗi tiềm ẩn có thể phát sinh trong quá trình sử dụng”, anh Trường cho biết.
Việc tự mình cầm lái sẽ giúp người mua hiểu chiếc xe hơn, cũng như phát hiện những lỗi có khả năng xảy ra trong quá trình sử dụng. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Chủ đại lý ôtô tại quận 8 này cũng khuyên người tiêu dùng nên thử xe ở nhiều điều kiện đường xá khác nhau để khai thác hết mọi khả năng của chiếc xe.
“Tốt nhất là vận hành trên quãng đường thường xuyên di chuyển mỗi ngày”, anh Trường kết luận.
Bị “hớ” vì không tìm hiểu kỹ giá cả
Không giống với xe mới tại các đại lý được niêm yết giá rõ ràng, những chiếc xe cũ đã qua sử dụng thường được định giá dựa trên phần nhiều cảm tính của chủ xe, cũng như sự đồng thuận từ người mua.
Thực tế trên các thị trường thứ cấp hiện nay, tình trạng giá xe cũ có giá cao hơn cả giá xe mới tại đại lý là điều không quá hiếm gặp.
Tuy nhiên hiện tượng này có thể được lý giải một phần do tình trạng khan hàng mà gần như tất cả hãng xe tại Việt Nam đều mắc phải.
Ngay cả với dịch vụ ôtô cũ chính hãng Toyota Sure, giá một số xe đã qua sử dụng cũng được niêm yết cao hơn giá bán ôtô mới.
Cụ thể, một chiếc Corolla Cross 1.8V màu đỏ đời 2020 lăn bánh 9.600 km, sau quá trình kiểm định chất lượng do hãng thực hiện đã được rao bán với giá 900 triệu đồng.
Toyota Corolla Cross lăn bánh 9.600 km được rao bán cao hơn giá ôtô mới. |
Mức giá này chênh lệch khá nhiều với mức niêm yết chính hãng hiện ghi nhận trên website là 846 triệu đồng.
Tuy nhiên có thể xem phần chênh lệch này là chi phí mà khách hàng phải trả để sở hữu ngay xe, thay vì phải chờ đến ít nhất tháng 11 để nhận xe mới.
Do đó trước tình hình giá bán thiếu ổn định trên các thị trường thứ cấp, người dùng có nhu cầu mua ôtô cũ nên tìm hiểu kỹ lưỡng, đồng thời tham vấn thêm ý kiến từ những người có kinh nghiệm để định hình mức giá phù hợp nhất cho xe và nhu cầu sử dụng.
Tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo
Anh Hồng Đăng (An Giang) kể lại câu chuyện suýt bị lừa tiền cọc khi tìm mua ôtô cũ.
“Tôi lên mạng xã hội tìm hiểu thì thấy có người đăng bán chiếc Vios đời 2018 mới đi 20.000 km với giá 300 triệu đồng. Tuy nhiên, người này ở Đà Nẵng nên đề nghị tôi đặt cọc 10 triệu đồng để giữ chỗ”, anh Đăng nhớ lại.
Do sinh nghi, anh Đăng không chuyển tiền mà đề nghị được gặp trực tiếp để kiểm tra tình trạng xe trước khi quyết định xuống tiền.
Sau khi kì kèo mãi mà không thuyết phục được “con mồi” chuyển tiền cọc, người rao bán xe kia lập tức dừng cuộc trò chuyện và chặn mọi liên lạc với anh Đăng.
“Đem câu chuyện của mình chia sẻ lên mạng xã hội, tôi mới biết mình không phải là nạn nhân duy nhất của trò lừa đảo này”, anh Đăng cho biết.
Ngoài ra, tình trạng làm giả giấy tờ xe tuy hiếm gặp nhưng cũng không phải chưa từng xảy ra.
Người mua xe cũ cần sang tên, đổi chủ đúng quy định để đảm bảo tính pháp lý. Ảnh: H.Q. |
Sau khi cầm cố tài sản cho ngân hàng, kẻ gian sẽ làm giả cà-vẹt xe rồi đem bán lại ở các tiệm cầm đồ. Sau nhiều lần đổi chủ, chiếc xe bị ngân hàng thu hồi và người chịu thiệt chính là chủ sở hữu cuối cùng của chiếc xe.
Do vậy khi mua xe, người tiêu dùng cần yêu cầu được sang tên ngay tại thời điểm hoàn thành xong các nghĩa vụ tài chính.
Trong quá trình sang tên, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đăng ký cũ và do đó có thể phát hiện tình trạng làm giả giấy tờ, giúp người mua xe tránh được các rắc rối về sau.
Theo Nghị định 100 có hiệu lực từ ngày 1/1, lỗi không sang tên đổi chủ với ôtô có mức phạt tương ứng là 2-4 triệu đồng với cá nhân và 4-8 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ việc sang tên chính chủ cho các xe (gồm cả môtô, xe máy và ôtô) qua nhiều đời chủ mà không đầy đủ giấy tờ, không tìm được chủ gốc sẽ không được thực hiện.