Việc rót vốn vào các quỹ đầu tư thị trường tiền tệ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: New York Times. |
Tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính đã khiến nhiều nhà đầu tư chạy trốn khỏi các thị trường đầy biến động và hướng tới những lựa chọn thay thế có tính thanh khoản cao hơn.
Trong đó, các quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ (MMF) - được cho là một trong những lựa chọn an toàn với rủi ro thấp nhất - đã nhận được dòng tiền lớn trong những tuần gần đây.
Các quỹ MMF đầu tư vào chứng khoán ngắn hạn như trái phiếu chính phủ, chứng chỉ tiền gửi và nợ thương mại. Mục tiêu của quỹ MMF là cung cấp cho các nhà đầu tư lựa chọn tương đối ổn định, mang lại lợi nhuận cao hơn so với khoản tiết kiệm truyền thống.
Tuy nhiên, thị trường tiền tệ không phải không có rủi ro, đặc biệt là nguy cơ trải qua một làn sóng rót vốn cùng lúc.
Suy nghĩ lại
Kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất một năm trước, lượng tiền trong các quỹ MMF đã tăng khoảng 400 tỷ USD. Financial Times trích dẫn số liệu của EPFR cho thấy hơn 250 tỷ USD đã được rót vào các quỹ thị trường tiền tệ tại Mỹ kể từ đầu năm nay.
Trong khi đó, theo Apollo Global Management, chỉ riêng trong tuần trước số tiền đổ vào các quỹ này đã lên tới hơn 120 tỷ USD, nâng tổng số tiền đang đầu tư lên mức kỷ lục 5.000 tỷ USD.
Nhiều người Mỹ tìm đến các quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ để giảm rủi ro. Ảnh: Shutterstock. |
Phần lớn khoản tiền đầu tư mới đến từ các tổ chức, với khoảng 101 tỷ USD. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm khoảng 20 tỷ USD, theo số liệu từ Viện Công ty Đầu tư.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể sẽ sớm bắt kịp tốc độ. Chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs hôm 23/3 lưu ý rằng người Mỹ có thể bán tới 1.100 tỷ USD cổ phiếu trong năm nay và chuyển số tiền đó vào tài sản tín dụng hay thị trường tiền tệ.
“Sự hỗn loạn trên thị trường luôn khiến tiền chuyển động”, Danielle Lucht, cố vấn tài chính ở Cape Coral, nhận định. “Mối quan tâm lớn hiện nay là: Tiền của tôi có an toàn không? Tôi có thể làm gì để nó an toàn hơn?”.
Cho đến nay, một cuộc khủng hoảng lớn hơn vẫn chưa xảy ra và chính phủ Mỹ đã rất nỗ lực trấn an người gửi rằng tài khoản ngân hàng vẫn an toàn. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn họ rút tiền.
Người Mỹ đang rút hàng trăm tỷ USD ra khỏi ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng khu vực quy mô nhỏ, và chuyển tới các tổ chức lớn hơn cũng như quỹ thị trường tiền tệ, trái phiếu chính phủ, tài khoản tiết kiệm trực tuyến lãi suất cao, thậm chí cả tiền điện tử và vàng, theo Washington Post.
Một cuộc thăm dò của Yahoo News và YouGov được công bố 21/3 cũng cho thấy khoảng 12% người Mỹ nói rằng họ đã rút tiền từ ngân hàng “vì sự sụp đổ của Silicon Valley (SVB)”, và 18% đang cân nhắc giải pháp này.
Dan Ushman, người sáng lập một công ty phần mềm ở Chicago, là một trong những khách hàng đã thay đổi điểm gửi tiền trong tháng 3. Ông đã chuyển tiền tiết kiệm từ Silicon Valley đến Bank of America and Chase để chờ suy tính về những bước tiếp theo.
“Việc SVB sụp đổ khiến chúng tôi phải tạm dừng rất nhiều. Chúng tôi đang suy nghĩ kỹ về cách phân bổ tiền mặt để có lợi tức cao hơn và an toàn hơn”, ông nói.
Rủi ro tiềm ẩn
Trong thời gian qua, Chủ tịch Fed Jerome H. Powell đã cố gắng trấn an người gửi, nói rằng hệ thống ngân hàng “lành mạnh và kiên cường”.
“Chúng tôi đã có những hành động mạnh mẽ cùng với Bộ Tài chính và FDIC, chứng minh tất cả khoản tiết kiệm đều an toàn và hệ thống ngân hàng cũng an toàn”, ông Powell cho biết trong cuộc họp báo hôm 22/2.
Song bỏ qua những lời đảm bảo, sự can thiệp của các cơ quan quản lý đã đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời cho một số người Mỹ. Họ cũng khiến nhiều người xem xét lại thói quen đầu tư, theo Washington Post.
Sự sụp đổ của ngân hàng SVB tác động lớn đến tâm lý khách hàng. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, càng nhiều tiền đầu tư vào các quỹ MMF thì rủi ro dòng chảy tiền mặt rút khỏi thị trường này càng lớn, kéo theo một cuộc khủng hoảng thanh khoản khi các quỹ không có đủ tiền mặt đáp ứng yêu cầu thu hồi vốn.
Theo CNN, các quỹ MMF có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống tài chính và thường phải đối mặt với những rủi ro tương tự các ngân hàng.
Chẳng hạn, các quỹ này thường đầu tư vào chứng khoán có kỳ hạn từ 90 ngày trở xuống, điều đó có nghĩa họ rất nhạy cảm với những thay đổi về lãi suất. Quỹ MMF cũng đầu tư mạnh vào các khoản nợ thương mại. Trong trường hợp một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng xảy ra, các tổ chức phát hành nợ có thể sẽ không thực hiện được nghĩa vụ.
Cuộc khủng hoảng gần nhất trên thị trường tiền tệ diễn ra trong cơn hoảng loạn do đại dịch Covid-19 vào năm 2020, từng khiến Bộ Tài chính Mỹ và Fed phải vào cuộc để ngăn chặn việc rút tiền ồ ạt.
Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết các quỹ không phải ngân hàng “có thể chịu ảnh hưởng và khuếch đại tình trạng căng thẳng hiện có trong hệ thống tài chính”.
Cơ quan này đã đề xuất cập nhật quy định sau tình trạng hỗn loạn, nhưng những lỗ hổng vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, chính phủ Mỹ không đảm bảo cho các quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ, và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang cũng không đảm bảo cho số tiền đầu tư vào các quỹ này.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.