![]() |
Ngộ độc rượu đang trở thành một mối nguy hiểm cận kề, có thể lấy đi mạng sống bất cứ lúc nào. Ảnh: Freepik. |
Một nhóm du khách gồm 6 người háo hức tận hưởng chuyến đi của mình, họ mang theo rượu sơ ri để cùng nhau thưởng thức. Nhưng niềm vui này nhanh chóng biến thành cơn ác mộng. Một người trong nhóm đã tử vong ở độ tuổi 25.
Bi kịch sau những chén rượu
Từ 20h ngày 29/3 đến rạng sáng 30/3, lần lượt từng người trong nhóm trên xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, buồn nôn, đau bụng quặn thắt. Trong đó, hai người lên cơn co giật, khiến những người còn lại hoảng sợ.
Ngay khi nhận thấy tình trạng nguy cấp, họ được đưa đến Bệnh viện huyện Cần Giuộc (Long An) để cấp cứu. Do tình trạng diễn biến phức tạp, tất cả được chuyển gấp lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong đêm 30/3 để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Sáng 1/4, một bệnh nhân 25 tuổi trong nhóm vẫn hôn mê sâu. Kết quả đo điện não cho thấy sóng chậm lan tỏa, không đáp ứng kích thích. Các bác sĩ kết luận bệnh nhân rơi vào tình trạng chết não, không còn khả năng cứu chữa.
Đến 14h38 cùng ngày, nam thanh niên tử vong. Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây cái chết đau lòng này là ngộ độc methanol mức độ nặng, biến chứng toan chuyển hóa, tổn thương đa tạng, phù não lan tỏa gây tụt não, truỵ hô hấp tuần hoàn.
Một chuyến đi đầy hứa hẹn bỗng chốc trở thành hành trình tang tóc - tất cả chỉ vì loại rượu tưởng chừng vô hại.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2024, một vụ ngộ độc rượu khác đã xảy ra tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Hai người tử vong, 20 người khác nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là hóa chất acetonitrile có trong rượu trắng do nhân viên công ty mang đến.
![]() |
Người dân thường ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp (methanol) trôi nổi ngoài thị trường. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Xét nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cũng cho thấy trong số 6 mẫu rượu của công ty này, 2 mẫu có nồng độ methanol vượt ngưỡng an toàn, trong khi acetonitrile lên tới 13%. Đáng chú ý, xét nghiệm mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu) của các nạn nhân còn phát hiện thêm cyanid - một chất cực độc.
Ngày 21/7/2024, tại một đám cưới ở huyện Thường Tín, Hà Nội, 5 người bỗng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, chân tay run rẩy sau khi uống rượu. Một số người rơi vào tình trạng khó thở, sau đó một người đã không qua khỏi.
Kết quả điều tra cho thấy họ đều uống cùng một loại rượu mang từ Thái Nguyên.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%. Trong khi đó, ethanol chỉ có 14,4%.
Ông Nguyên khẳng định đây là loại rượu "rởm", được pha với cồn công nghiệp methanol chứ không phải rượu gạo, rượu truyền thống.
Theo bác sĩ Nguyên, cồn công nghiệp methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit formic, gây tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan, đặc biệt là não và thần kinh thị giác. Điều nguy hiểm là ban đầu methanol không có vị khó chịu, thậm chí hơi ngọt và gây say như rượu thông thường, khiến người uống khó nhận biết.
Tuy nhiên, bên trong cơ thể, chất độc này chuyển hóa chậm, âm thầm phá hủy các cơ quan. Khi triệu chứng xuất hiện, tổn thương đã quá nặng, có thể dẫn đến mất chức năng cơ quan hoặc tử vong.
Những mối nguy xung quanh chén rượu
Những vụ việc đau lòng này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ngộ độc rượu đang trở thành một mối nguy hiểm cận kề, có thể lấy đi mạng sống bất cứ lúc nào.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, người dân thường ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp (methanol) trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí cả trong bữa tiệc.
Người uống phải loại rượu "rởm" này khả năng được cứu sống khi uống số lượng ít, đến bệnh viện kịp thời. Các trường hợp tử vong hầu hết là do uống số lượng nhiều, đến bệnh viện muộn.
![]() |
Bệnh nhân trong vụ ngộ độc rượu ở Long Biên, Hà Nội, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC. |
"Không chỉ những ca nặng tử vong, nhiều người dù sống sót vẫn phải đối mặt với hậu quả lâu dài. Methanol âm thầm gây tổn thương một phần dây thần kinh thị giác và não, dù ban đầu chưa biểu hiện rõ ràng nhưng về sau sẽ dẫn đến mất thị lực, rối loạn vận động và bệnh lý thần kinh như Parkinson", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nhiều trường hợp dù trông bình thường nhưng khi xét nghiệm, nồng độ methanol trong máu rất cao. Nếu không được lọc máu kịp thời, họ sẽ chịu tổn thương vĩnh viễn ở mắt và não. Người từng ngộ độc methanol có nguy cơ suy giảm thị lực, vận động từ 50 đến 60 tuổi, thay vì 80-90 tuổi như bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn, khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cũng cho rằng việc thường xuyên uống nhiều bia rượu sẽ gây hẹp ống dẫn tụy, khiến men tiêu hoá không được tiết vào ruột non mà ứ động trong tụy, dẫn đến viêm.
Ngoài ra, rượu bia còn thúc đẩy tăng mỡ máu, làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp. Hàng năm, có nhiều trường hợp viêm tụy cấp nặng vì thói quen uống rượu bia quá đà. Đây là bệnh lý nguy hiểm, dễ tái phát, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Rượu không chỉ là thứ gây say, mà còn có thể là "liều thuốc độc" nếu không biết rõ nguồn gốc. Các bác sĩ khuyến cáo để bảo vệ chính mình và người thân, hãy tránh xa rượu không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường và đặc biệt cảnh giác với những loại rượu có giá quá rẻ.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với rượu bia, không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, người dân không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần.
Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.