Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing BestPrices Travel, cho biết lượng khách tới Sa Pa dịp Tết Nguyên đán tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Du khách chủ yếu vẫn là khách gia đình, nhóm 4-8 người.
"Năm nay khách chọn tour outbound nhiều, nhưng Sa Pa vẫn là một trong những điểm đến ưa thích của du khách. Trong đó, khách từ miền Nam ra chiếm số lượng lớn, khoảng hơn 50%", ông Tú nói.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa, cho biết theo thông tin tổng hợp từ các doanh nghiệp, cho đến thời điểm này, tỷ lệ đặt phòng ngày Mùng 2 Tết khoảng 55%. Từ ngày mùng 3-5 Tết, công suất phòng dự kiến đạt 97%.
"Du khách chủ yếu đặt phòng phân khúc trung và cao cấp tại khu vực trung tâm. Riêng các điểm du lịch cộng đồng, công suất bình quân đạt 45%. Trong đó tập trung đông nhất là xã Tả Van và Mường Hoa", bà Vượng thông tin.
Du khách check-in tại Sa Pa. Ảnh: Huyền Trang, Phượng Nguyễn. |
Các dịch vụ nhà hàng, cà phê, điểm tham quan sẽ bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày Mùng 2 Tết Nguyên đán đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch.
Dự báo, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Sa Pa sẽ đón khoảng 100.000 lượt khách, tăng hơn 11.000 lượt so với cùng kỳ năm trước. Cao điểm, ngày 13 và 14/2 (ngày mùng 4 và mùng 5 Tết) ước tính đón khoảng 55.000 lượt khách.
Để thu hút và tạo sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, UBND thị xã Sa Pa tổ chức khai trương “Không gian văn hóa Sa Pa tinh hoa hội tụ”.
Đây là một tổ hợp xây dựng, trang trí kiến trúc độc đáo với việc sắp đặt tiểu cảnh mô phỏng những danh thắng kỳ vĩ của Sa Pa, như ruộng bậc thang Mường Hoa, đỉnh Fansipan… gắn với trưng bày các loài hoa bản địa của Sa Pa như đào phai, đào cổ, đỗ quyên Hoàng Liên, nhất chi mai…
Nổi bật, hình tượng linh vật rồng biểu tượng của năm Giáp Thìn làm bằng cây và hoa của chính mảnh đất Sa Pa hùng vỹ. Phụ cận là chậu lan Trần Mộng Sa Pa lớn nhất từ trước đến nay, với 2.024 bông hoa khoe sắc.
Công trình được kỳ vọng tạo một không gian văn hóa đặc sắc, nơi hội tụ và kết nối, giữ gìn, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế Sa Pa theo hướng bền vững.
Địa phương cũng tổ chức đa dạng các hoạt động lễ hội, diễn ra liên tiếp và ở các điểm du lịch khác nhau. Nổi bật là lễ hội Xoè, lễ hội Grâuk Taox, lễ hột Pút Tông và Cấp Sắc, lễ hội Roong Pooc (xuống đồng), Fesstival thực thành tín ngưỡng thờ Mẫu…
Đồng thời, lãnh đạo thị xã Sa Pa siết chặt các vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, niêm yết giá, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý chèo kéo đeo bám và ăn xin trong dịp Tết Giáp Thìn.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.