Tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 6/12, khi trả lời về vấn đề biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) dành riêng cho học sinh TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM - cho biết bộ SGK của TP sẽ xong khi nào là còn chờ Bộ GD&ĐT.
Theo ông Sơn, muốn viết được SGK phải chờ chương trình bộ môn cụ thể do bộ công bố. Đến nay vẫn chưa có chương trình chi tiết nên TP chưa thể làm.
Bộ ém chương trình khung?
Trước đó vào tháng 9, tại buổi trao đổi thông tin cho báo chí khu vực phía Nam ở Vũng Tàu, ông Nguyễn Viết Lộc - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT - cho biết hội đồng thẩm định đã thẩm định xong chương trình và tháng 10 sẽ công bố chương trình khung phổ thông mới. Tuy nhiên đến nay, 2 tháng trôi qua, chương trình khung vẫn chưa có.
Tại TP.HCM, việc chờ khung còn mòn mỏi hơn bao giờ hết bởi địa phương có nguồn lực, nhiều thuận lợi trong việc quy tụ đội ngũ chuyên gia, giáo viên (GV), các nhà khoa học tham gia biên soạn sách.
Từ năm 2016, khi Bộ GD&ĐT đồng ý về mặt chủ trương sẽ có một chương trình, nhiều bộ SGK, đội ngũ làm SGK của TP.HCM đã có nhiều ý tưởng và trao đổi chuyên sâu để hình thành nên khung của từng bài, từng phần trong bộ SGK riêng.
Dự kiến, bộ SGK riêng của TP sẽ được thử nghiệm ở quy mô nhỏ từ năm 2016-2017, tiếp tục mở rộng trong năm 2017-2018 và sử dụng chính thức từ năm 2018-2019. Tuy nhiên, kế hoạch này hoàn toàn phá sản vì cho đến nay chương trình khung vẫn chưa được công bố.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, bộ sách mới do sở và Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam phối hợp biên soạn. Trong việc hợp tác này, NXB giữ vai trò định hướng, tập huấn cho đội ngũ biên soạn, còn về chuyên môn sẽ hoàn toàn do phía sở quyết định. NXB cũng đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn. Kinh phí do NXB lo nên khi bộ SGK hình thành và sử dụng, giá sách sẽ do phía NXB quyết định trên cơ sở hợp lý và có sự khống chế của Bộ GD&ĐT.
Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết bộ sách mới được hoàn thành theo từng cấp học để bảo đảm tính liên thông của chương trình. Quan điểm của sở là dù có SGK riêng cũng không bắt buộc các trường sử dụng và tôn trọng quyền lựa chọn của GV.
Học sinh TP.HCM học tài liệu do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM biên soạn. |
Không thể 'cầm đèn chạy trước ôtô'
Theo ông Hoàng, SGK riêng của TP.HCM không đặt nặng việc học thuộc lòng. Yêu cầu chung là chú trọng dạy để học sinh hiểu và làm; kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Trên cơ sở đó, SGK mới chỉ chọn lọc các kiến thức cần thiết, thực tiễn và hiện đại, tăng cường rèn luyện phương pháp học, phương pháp tự học, hoạt động nhóm, tăng cường rèn luyện các trải nghiệm thực tế gắn với việc tập luyện giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống và xã hội ngay từ nhà trường.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu giảng dạy tích hợp, liên môn, trong bộ SGK mới, nội dung chương trình chi tiết được sắp xếp theo các chủ đề, chủ điểm, có tính đến sự tích hợp nội môn và liên môn. Từ đó, số lượng bài học giảm, nội dung chương trình cũng giảm tải, nhẹ nhàng.
Việc biên soạn SGK mới theo hướng không quy định cụ thể từng tiết mà phân bố thành từng chủ đề thực hiện trong một số tiết còn giúp GV chủ động hơn trong giảng dạy để phù hợp với thực tiễn lớp học, sự phát triển công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận kiến thức của học sinh.
Như vậy, TP.HCM đã định hình được nội dung, cách thức biên soạn SGK, tuy nhiên, vẫn không thể "cầm đèn chạy trước ôtô".
Một GV trường THPT tại TP.HCM - người tham gia biên soạn sách - cho rằng chương trình khung của bộ công bố càng sớm càng tốt bởi hơn một năm qua, GV đã tập huấn nhiều, ý tưởng nhiều, nhiệt huyết và cũng hy vọng rất nhiều ở đứa con tinh thần này, nếu chờ lâu quá thì nhiệt huyết cũng vơi đi.
Thiếu các điều kiện bảo đảm chất lượng
Sự chậm trễ của Bộ GD&ĐT trong việc ban hành chương trình khung giáo dục phổ thông mới khiến các chuyên gia lo lắng vì thời gian triển khai chương trình mới không còn nhiều.
Giám đốc một Sở GD&ĐT cho rằng nếu bộ không đẩy nhanh tiến độ triển khai thì rất dễ xảy ra tình trạng nhiều địa phương sẽ không có quỹ thời gian để chuẩn bị về đội ngũ và cơ sở vật chất.
"Chúng tôi cần bộ sớm ban hành các văn bản chỉ đạo cụ thể. Nếu không sớm có hướng dẫn cũng như sự hỗ trợ của các trường ĐH, CĐ sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý thì việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn" - giám đốc Sở này bày tỏ.