Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Sách mới: 'Lời bộc bạch của một thị dân'

Cuốn tiểu thuyết khắc họa hình ảnh thế giới thị dân giai đoạn mới hình thành, với những chệch choạc ban đầu cùng không ít điều nực cười, và cũng là khúc tưởng niệm của nhà văn trong giai đoạn đó.

Sách mới: 'Lời bộc bạch của một thị dân'

Cuốn tiểu thuyết khắc họa hình ảnh thế giới thị dân giai đoạn mới hình thành, với những chệch choạc ban đầu cùng không ít điều nực cười, và cũng là khúc tưởng niệm của nhà văn trong giai đoạn đó.

Bìa cuốn sách.

Lời bộc bạch của một thị dân vừa là tiểu thuyết vừa có thể coi là một cuốn hồi ký của Márai Sándor. Ông viết về cuộc sống ở thành phố nhỏ Kassa của Hungary (đây cũng chính là thành phố quê hương của Márai) vào giai đoạn giai cấp tư sản thị dân bắt đầu hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ, với cả những chệch choạc của những bước tiến ban đầu và không ít điều lố lăng, nực cười. Nói như nhà phê bình văn học Hungary Oláh Tibor thì tác phẩm đã “đưa ra những lý thuyết, những quan điểm để có thể mô hình hóa đúng thế giới.”

Cuốn sách dành một dung lượng lớn cho thời thơ ấu của nhân vật “tôi”, với những miêu tả cặn kẽ, sát thực ngôi nhà, lối sống, những người xung quanh, ẩn trong đó còn là cả những câu chuyện về các trạng thái tâm lý đặc biệt của trẻ con, rồi lứa tuổi mới lớn, không bỏ qua cả những gì sâu kín, thậm chí là những suy nghĩ xấu xa.

Cậu bé trong truyện lớn lên trong một gia đình tư sản gốc gác Saxon (Đức), có bố làm ngân hàng, khá sung túc. Gia đình cậu sống trong khu nhà xây để cho thuê đầu tiên tại thành phố, nơi cậu gắn bó máu thịt, đến nỗi sau này khi bố cậu đã mua được nhà riêng, trong tâm trí cậu chỉ có tòa nhà cho thuê này mới là “nhà mình”.

Cậu bé có một tinh thần không yên ổn, có lúc bùng phát khiến cậu bỏ nhà đi không nguyên cớ. Sau đó, gia đình gửi cậu bé lên học nội trú ở thủ đô Budapest. Từ đây mở ra những miêu tả vô cùng chân thực về cuộc sống trong các trường học thời kỳ Áo-Hung, vừa nghiêm túc trang trọng vừa hà khắc và che giấu rất nhiều bí mật giữa thầy giáo và học trò, giữa người thế tục và các tu sĩ.

Nhân vật trong cuốn sách lớn lên rồi ra nước ngoài, từ đây bắt đầu cuộc phiêu lưu đầy hoang mang của anh tại Đức rồi Pháp, những câu chuyện điên rồ mà anh trải qua hay gây ra, những trường lớp anh theo rồi bỏ dở, những công việc anh làm một cách say mê điên cuồng nhưng cũng có lúc gây chán nản vô cùng. Anh viết báo, đi làm phóng sự, giao tiếp với giới thượng lưu nhiều nước, quen biết nhiều nhân vật quan trọng, từng lâm vào cảnh túng bấn, khó khăn cùng cực, vợ anh từng lâm bệnh hiểm nghèo ở Paris trong cảnh quẫn bách. Anh cũng trở thành chứng nhân của một châu Âu thời loạn lạc, biết đến nước Đức trong cuộc lạm phát nổi tiếng, châu Âu trong những tháng ngày lầm than, trên bờ vực của một cuộc chiến sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề.

Sau những tháng ngày lênh đênh ở Ý và Anh, đến một ngày anh bỗng cảm thấy thôi thúc trở về cố hương, sống tại quê nhà, và khi ấy không điều gì có thể ngăn cản anh trở về. Dù vẫn vật lộn trong mớ bòng bong đầy hoang mang, nhưng giờ đây trong lòng anh đã dần hình thành một hướng đi, anh đã lờ mờ cảm thấy mình sẽ làm gì và sống ra sao tại quê hương. Và khi phải chứng kiến cái chết của cha mình, anh như nhìn thấy sự kết thúc của một thế giới cũ, một thế giới “thị dân” nhìn qua thì nhàm chán nhưng qua con mắt của nhà văn tài năng Márai Sándor, thế giới ấy bỗng trở nên vô cùng hấp dẫn và không hề thiếu vẻ huyền ảo lạ lùng.

Márai miêu tả quá cụ thể nhiều con người, nhất là lại đưa ra nhiều nhận xét và chi tiết liên quan đến tôn giáo, chính trị nên Lời bộc bạch của một thị dân từng bị kiện, ấn bản chính thức sau này bị cắt đi không ít đoạn so với các ấn bản trước.

Nhận định về tác phẩm này, nhà ngôn ngữ học Hungary Dober Valéria  cho rằng: “Đây là cuốn tiểu thuyết về thế giới thị dân, nhưng cũng là tiểu thuyết gia đình. Nó là khúc tưởng niệm về một gia đình, gia đình nhà văn, và cũng là về giai tầng xã hội của gia đình ông. Nhưng đồng thời nó là tấm gương của sự trăn trở sâu sắc ở nhà văn để biến cải quá khứ và truyền thống gia đình theo “hình ảnh” của riêng mình. Vì thế nó cũng là một tiểu thuyết tâm lý, vì nó cho ta cảm nhận một cách trung thực quá trình đau đớn vật vã để đi tìm bản ngã, những cột mốc của sự khổ ải tâm hồn có vẻ như không thể giải thích nổi liên quan tới quá trình này. Nó cũng là sự thay đổi nội tâm liên quan tới sự tách rời khỏi gia đình, tới sự nổi loạn, sự phát triển cá tính…”

Márai Sándor (1900-1989), họ Grosschmid, sinh tại Kassa (Hungary), nay là Kočise thuộc nước Cộng hòa Slovakia. Năm 1923, ông sang Paris, lưu lại đó năm năm. Ông bắt đầu cuộc hành trình dài ngày tìm hiểu vùng Cận Đông vào năm 1926 và viết cuốn Theo dấu chân các bậc thánh (1927).

Thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Márai là khoảng từ năm 1928 đến năm 1948; giới phê bình thế giới coi ông là một nhà văn đặc biệt quan trọng của giai đoạn giữa hai Thế chiến. Trong khoảng thời gian này, Márai trở về Hungary sống cùng vợ. Ông làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch thuật, viết kịch bản và để lại gần một trăm đầu sách, trong đó có những cuốn rất nổi tiếng như Những ngọn nến cháy tàn, Casanova ở Bolzano hay các tản văn in trong Bốn mùa. Trời và đất.

Ông được bầu làm Viện sĩ Thông tấn năm 1942 và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary vào năm 1945. Từ 1948, ông sống lưu vong tại Ý và Mỹ. Márai tự sát vào năm 1989.

Thiên Thanh

Theo Infonet

Thiên Thanh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm