Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai lầm chết người của ma men trẻ

Một khảo sát cho thấy 20% người trẻ nghiện rượu bia mức độ nhẹ, 16% nghiện vừa, 4,6% nghiện nặng, bất chấp nhiều nguy cơ về sức khỏe như rối loạn tâm thần, teo tinh hoàn.

Nhiều ma men quan niệm sai lầm rằng, uống rượu thể hiện bản lĩnh, sự trưởng thành…

Các khảo sát được công bố tại Hội thảo thực trạng sử dụng rượu, bia trong thanh niên, do Sở Y tế TP HCM tổ chức ngày 18/9, cho thấy nhiều quan ngại khi mật độ nhậu trong giới trẻ ngày càng dày lên.

Cấp cứu các ca tai nạn giao thông do uống rượu bia tại bệnh viện TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc
Cấp cứu các ca tai nạn giao thông do uống rượu bia tại bệnh viện TP HCM. Ảnh: Quốc Ngọc

Nhậu để thể hiện bản lĩnh!

Theo Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh - giảng viên Khoa tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhóm nghiên cứu của bà thực hiện khảo sát trên 670 thanh niên, cho kết quả đến 21,3% số người trẻ này đang có xu hướng lạm dụng rượu bia. 

“Nghĩa là họ bắt đầu có sự lệ thuộc trong sử dụng rượu bia và có nguy cơ dẫn đến nguy cơ nghiện”, bà Hạnh nói.

Khảo sát cũng cho thấy 20% người trẻ nghiện rượu bia mức độ nhẹ, 16% nghiện ở mức độ vừa phải. Có 31 người được khảo sát đã rơi vào tình trạng nghiện rượu bia ở mức độ nặng, chiếm tỷ lệ 4,6%. 

“Ở mức độ nặng, con người không thể ngưng lại việc sử dụng rượu bia ở mức độ rất thường xuyên. Kèm theo là những hành vi tiêu cực như cáu gắt khi không có bia rượu, sẵn sàng dùng bạo lực khi uống bia rượu”, bà Hạnh giải thích. 

Kết quả khảo sát cho thấy 60 % người trẻ tuổi đã sử dụng rượu bia trên 48 tháng và 25,5 % uống rượu bia ở mức độ trên 3 lần/tuần.

Cuộc khảo sát còn ghi nhận các quan niệm “uống rượu là cách xã giao và nó là phương tiện không thể thiếu khi đi làm” và “uống rượu giúp tôi giao tiếp bản lĩnh hơn với bạn bè” được khá đông thanh niên lựa chọn để giải thích cho hành vi nhậu của mình. 

Bà Hạnh cho rằng: “Văn hóa nhậu trong gặp mặt và kinh doanh” vẫn đang ăn sâu vào suy nghĩ, nếp sống của con người. Bên cạnh đó, quan niệm “uống rượu là cách thể hiện mình đã trưởng thành” cũng có số người chọn khá cao. 

“Việc xem rượu như một cách thức thể hiện bản thân, giải sầu và thậm chí là khẳng định sự hiện diện tất yếu của rượu bia trong cuộc sống tương lai thực sự đáng lo ngại, đáng phải quan tâm”, bà Hạnh nói.

Nhiều nguy cơ về sức khỏe

Thống kê của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) mới đây cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ người có sử dụng rượu bia chiếm 33,5%, trong đó số người lạm dụng rượu lên tới 18 %. 

Người sử dụng rượu bia đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa với 1/3 số người bắt đầu uống trước tuổi 20. Tỷ lệ có uống rượu trong độ tuổi 14-17 là 34% và 18-21 tuổi là 57%.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, trình bày khía cạnh tác hại của rượu bia đến vấn đề sức khỏe. 

“Sử dụng rượu bia trên 3 lần/tuần với số lượng trên 50 ml rượu nguyên chất có thể coi là nghiện rượu. Tác hại của rượu còn phụ thuộc vào độ tinh chất của rượu. Ví dụ, rượu chứa methanol có thể gây mù mắt vì chất này sẽ chuyển hóa thành formaldehyde là chất được dùng để ngâm tử thi”, ông Hiển cảnh báo.

Về các rối loạn tâm thần liên quan đến rượu, bác sĩ Hiển cho biết biểu hiện thường gặp là chứng quên thoáng qua sau cơn say. Tức sau ngộ độc rượu, bệnh nhân quên hoàn toàn các sự kiện xảy ra trong cơn say. Một hội chứng khác chiếm tỷ lệ cao đối với con nghiện là rối loạn lo âu và uống rượu để làm giảm lo âu.

Ngoài ra, rượu còn gây các bệnh lý não Wernicke (lú lẫn, rung giật nhãn cầu, liệt cơ vận nhãn), hội chứng Korsakoff (quên thuận chiều, bịa chuyện, rối loạn định hướng lực) hoặc biến đổi hành vi sau khi uống một lượng rượu nhỏ như gây hấn, nguy hiểm, khuynh hướng tự sát...

Vấn đề đáng chú ý do bác sĩ Hiển nêu ra chính là rối loạn chức năng tình dục do rượu. Theo đó, rượu tác động vùng viền, hạ đồi tuyến yên làm giảm ham muốn tình dục, gây giảm hormone nam làm teo tinh hoàn, rối loạn cương dương do bệnh lý thần kinh ngoại biên, làm tăng hormone nữ, khiến ngực to ra.

Theo trung úy Đỗ Quang Hưng, Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt TP HCM, trong 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn TP HCM xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu hoặc trong hơi thở gây ra, làm 42 người chết và 10 người bị thương.


http://www.tienphong.vn/gioi-tre/sai-lam-chet-nguoi-cua-ma-men-tre-911042.tpo

Theo Quốc Ngọc/Tiền phong

Bạn có thể quan tâm