Nhiều gia đình thấy trẻ kêu đau đầu, mất ngủ lại cho uống thuốc tuần hoàn não hay thuốc ngủ càng khiến bệnh nặng hơn.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4 (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, đa số học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần do tác nhân bên ngoài gây ra và gia đình thường đưa con đến viện khi bệnh đã nặng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng bên một bệnh nhân điều trị rối loạn tâm thần. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết, bình thường, học sinh và sinh viên phải ngủ từ 8 đến 12 giờ/ngày, ăn từ 1.800-2.200 kcal/ngày, khi không đáp ứng được nhu cầu này thì cơ thể rất dễ bị thay đổi bởi tác nhân môi trường bên ngoài.
Trong khi đó, bộ não của con người dưới 22 tuổi chưa được biệt hóa hoàn toàn, tức chưa được hoàn thiện mà đã phải làm việc nhiều giờ vào việc học tập thì sẽ dẫn đến mệt não.
Tình trạng này biểu hiện ra bên ngoài là sự mệt mỏi của cơ thể, rối loạn sự chú ý, rối loạn cảm xúc, nặng hơn là rối loạn tâm thần. Vì vậy trong quá trình học tập, ôn thi nhất thiết phải đảm bảo sức khỏe cho người học, nếu không bệnh sẽ có cơ hội phát triển. Thực tế tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, vào thời điểm thi học kỳ hoặc hết năm, số lượng học sinh nhập viện thường tăng cao.
- Học sinh có biểu hiện như thế nào thì cần được đi thăm khám, điều trị về sức khỏe tâm thần, thưa bác sĩ?
- Học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần thường ở trạng thái bồn chồn, bất an, lo lắng, mất ngủ, hay than phiền, kể tội các bạn, kết quả học tập giảm sút... Cũng có học sinh kêu đau đầu, đau trong người nhưng khi khám không có bệnh gì khác thì cũng cần đưa con đi khám sức khỏe tâm thần.
Nhiều gia đình thấy con kêu đau đầu, mất ngủ lại cho trẻ uống thuốc tuần hoàn não hay thuốc ngủ càng khiến bệnh nặng hơn. Bởi khi trẻ có biểu hiện của bệnh cần có lộ trình điều trị để não được nghỉ ngơi thì thuốc tuần hoàn não càng kích thích trẻ bồn chồn, bất an, mất ngủ.
- Trên thực tế, khi học sinh được đưa đến viện thường trong tình trạng nào? Lộ trình điều trị cho một học sinh bị rối loạn cảm xúc thường kéo dài bao lâu?
- Trước đây, bệnh nhân được đưa viện bệnh thường đã nặng. Khoảng chục năm lại đây, nhiều gia đình đưa con đến khá sớm nên kết quả điều trị tương đối tốt, chỉ còn khoảng 0,5% bệnh nhân đến viện khi đã muộn. Đa số học sinh bị bệnh ở độ tuổi 14 -16. Biểu hiện của bệnh nhân bị bệnh nặng thường kích động, la hét, hành động vô thức…
Sai lầm lớn của hầu hết các gia đình có con em bị bệnh hiện nay thường điều trị một giai đoạn rồi dừng lại. Trong khi đó, bệnh nhân bị rối loạn hành vi, cảm xúc thường phải điều trị thời gian kéo dài từ 3-6 tháng. Nếu nhẹ, học sinh có thể điều trị ngoại trú, uống thuốc rồi đi học bình thường.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp này nhà trường không nên tạo áp lực “mới” cho học sinh bằng cách đánh giá kết quả học tập như cũ mà cần có sự cảm thông, khích lệ học sinh. Còn học sinh bị rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi, rối loạn tư duy…cần phải điều trị thời gian tương đối dài. Nếu không điều trị triệt để rối loạn sẽ là cửa ngõ để dẫn đến những bệnh khác.
- Theo bác sĩ, nguyên nhân nào khiến tỷ lệ học sinh bị bệnh ngày càng tăng?
- Theo tôi, nguyên nhân khiến học sinh bị bệnh thường do những tác nhân bên ngoài gây ra như áp lực học tập, sự kỳ vọng quá lớn của gia đình, bị chửi mắng, đánh đập…Những học sinh càng hiếu động, dễ thay đổi cảm xúc càng dễ bị sang chấn tâm lý.
Ví dụ, học sinh có sức học bình thường nhưng gia đình đặt kỳ vọng quá lớn, dễ tạo áp lực nặng nề cho con em mình. Khi không đạt kết quả như ý muốn bố mẹ lại la mắng, thậm chí đánh đập. Khi đó, học sinh vừa xấu hổ, dày vò bản thân khiến tình trạng càng rối loạn hơn.
Trong khi đó, không ít phụ huynh mờ mịt về phát triển tâm sinh lý của con, trường học cũng không dạy học sinh những kỹ năng cần thiết dẫn đến tình trạng bệnh lý dễ có điều kiện phát tác.
- Vậy gia đình, nhà trường cần làm gì để hạn chế tình trạng trẻ bị rối loạn cảm xúc, thưa bác sĩ?
- Tôi cho rằng, giáo dục học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông không phải là hôn hít, chiều chuộng, cho tiền hay sử dụng roi vọt mà phải biết cách kích thích sự phát triển ở con em mình. Đó là sự động viên kịp thời, có phạt cũng phải biết cách và không kéo dài thời gian kỷ luật để tránh bị tổn thương tâm lý.
Ở các nước, học sinh được giáo dục kỹ năng để đối phó với các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn, trong khi chương trình học của ta đang nặng về khoa học tự nhiên. Vì sao? Học sinh nước ngoài bị thương thì biết ngồi xúm lại băng, rửa, sát trùng... trong khi học sinh của mình chỉ biết khóc. Lực lượng giáo viên ở ta cũng chưa được tuyển chọn, đánh giá thật kỹ càng. Theo tôi biết, một số thầy cô giáo bị rối loạn tâm thần, bị sang chấn tâm lý vẫn đảm trách việc dạy học trên lớp.
Trước tình trạng học sinh bị rối loạn tâm thần ngày một tăng cao, nhà trường và gia đình không nên tạo áp lực quá nặng nề đối với học sinh. Hãy để học sinh có thêm thời gian vui chơi. Thầy cô, gia đình cần hiểu tâm sinh lý của học sinh để có những ứng xử phù hợp.
Khi phát hiện kết quả học tập, cảm xúc của trẻ có những thay đổi khác lạ, nhà trường, phụ huynh cần có những phối hợp, xử lý. Tôi cho rằng, môi trường gia đình là quan trọng nhất, là nền tảng để tránh những sang chấn tâm lý không đáng có cho học sinh.
|