Yêu cầu trẻ im lặng khi con nói: Không có gì ngạc nhiên khi trẻ có tính cách hướng nội thường không nói nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ không có gì để nói. Thay vào đó, trẻ có thể không biết làm thế nào để nói những gì chúng cảm nhận và với ai. Thực tế, trẻ hướng nội vẫn có đầu óc sáng tạo và ham học hỏi. Việc bảo trẻ giữ im lặng khi chúng lấy hết can đảm để nói sẽ càng khiến trẻ rụt rè, thầm lặng hơn. Ảnh: Morningherald. |
Không để ý câu hỏi của con: Nếu một đứa trẻ hướng nội hỏi bạn điều gì đó, có lẽ chúng phải mất khá nhiều thời gian mới có đủ can đảm để làm điều đó. Nếu bị phớt lờ, trẻ sẽ thấy xấu hổ, tự ti và không muốn chia sẻ với người khác. Vì vậy, khi con bạn có tính cách hướng nội hỏi bạn vấn đề gì đó, hãy lắng nghe và hướng dẫn trẻ. Ảnh: Verywellmind. |
Ép trẻ bước ra khỏi vùng an toàn: Cha mẹ muốn những điều tốt nhất cho con cái, và đôi khi, họ muốn con bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nhưng với những đứa trẻ hướng nội, áp lực vượt quá giới hạn có thể khiến chúng cảm thấy không thoải mái. Nếu con bạn là người hướng nội, đừng mong đợi con vui vẻ tiếp cận người lạ hoặc tự đứng lên lãnh đạo một nhóm. Vì vậy, cha mẹ đừng ép con làm gì đó quá mức giới hạn của con. Ảnh: Goodtoknow. |
Không để ý đến cảm xúc của con: Những đứa trẻ sống nội tâm đôi khi không thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình. Điều này là do trẻ nghĩ rất nhiều trước khi chia sẻ điều gì đó với bất kỳ ai khác. Chúng có thể không đủ can đảm để lên tiếng. Vì vậy, khi có con hướng nội, cha mẹ hãy để ý những thay đổi trong hành vi của trẻ. Ảnh: Indiatimes. |
So sánh con với trẻ khác: Không ai thích bị so sánh với người khác; nó không tốt cho bất cứ ai, dù là một đứa trẻ hay một người lớn. Với những đứa trẻ hướng nội, điều đó có thể gây ra nhiều tác hại hơn, vì trẻ có thể hiểu rằng chúng không tốt, kém cỏi, chưa đạt được điều theo mong muốn của cha mẹ. Ảnh: Myparentingjournal. |
Yêu cầu con không được phản ứng thái quá: Với trẻ hướng nội, khi có điều gì đó làm tổn thương hoặc khó chịu, con có thể vào phòng riêng, trốn ở một góc hoặc khóc. Đôi khi cha mẹ lại coi những phản ứng này là quá mức nên có thể nói những lời tổn thương con. Vì vậy, điều quan trọng là phải cho những đứa trẻ hướng nội biết rằng cảm xúc của chúng có giá trị và không phải là phản ứng thái quá. Giống người lớn, trẻ có suy nghĩ và cảm xúc riêng và chúng ta phải tôn trọng con. Ảnh: Doctissimo. |
La mắng trẻ nơi công cộng: Điều này chỉ khiến con cảm thấy xấu hổ, khó mở lòng hơn. Trẻ hướng nội không muốn bộc lộ bản thân quá nhiều nên sẽ càng khó chịu hơn khi bị quát mắng nơi công cộng, trước mặt người ngoài. Ảnh: Scarymommy. |