Mặc cả với trẻ: Khi muốn đứa trẻ bướng bỉnh nghe lời, nhiều phụ huynh thường đặt điều kiện "Nếu hôm nay con cư xử tốt, mẹ sẽ mua cho con...". Tuy nhiên, điều này chỉ khiến trẻ vâng lời lần này, nhưng lần sau, con đòi hỏi điều gì đó lớn hơn. Đôi khi, cha mẹ chỉ nhìn vào hành vi xấu của con. Điều này không đúng. Chúng ta cần chú ý cả khi con làm việc tốt. Khi đó, bạn có thể thưởng cho con món quà nhỏ hoặc kẹo, bánh để khích lệ trẻ phát triển theo hướng tích cực. Ảnh: Readingeagle. |
Thỏa hiệp với sự mè nheo của trẻ: Trẻ nhỏ thường mè nheo, khóc lóc đòi cha mẹ mua cho ôtô đồ chơi mới, xem tivi, sử dụng điện thoại,... hoặc muốn được đáp ứng điều gì đó. Nhiều người thường thỏa hiệp với trẻ kèm theo cảnh báo không có lần sau, nhưng thực tế, sự việc có thể tái diễn. Vì vậy, để giải quyết tình huống này, thay vì đáp ứng, bạn nên cố gắng đánh lạc hướng hoặc không chú ý đến con. Nếu thấy cha mẹ không phản ứng với những đòi hỏi của mình, trẻ sẽ hiểu điều đó vô ích và dừng lại. Ảnh: Drprem. |
Từ chối trẻ mọi lúc không cần lý do: Cha mẹ thường rất dễ nổi giận với con cái của mình, đặc biệt khi con bướng bỉnh. Và những lúc như vậy, họ thường cấm trẻ mọi thứ. Tuy nhiên, điều này sẽ không giúp ích. Trẻ nhỏ, nhất là những bé rất bướng bỉnh, sẽ càng cần sự công bằng và cư xử đúng mực của người lớn. Cha mẹ không thể ứng phó với con bằng cách chỉ nói có hoặc không. Nếu cần phải nói "không", bạn hãy giải thích nhẹ nhàng về lý do từ chối con. Ảnh: Verywellfamily. |
Mắng mỏ, trừng phạt con: Nhiều phụ huynh thường mất kiểm soát và quát mắng, đe dọa con khi trẻ quá bướng bỉnh, không nghe lời. Đây không phải là cách đúng đắn. Với những trẻ như vậy, cha mẹ nên là người bạn của trẻ vì khi đó, con sẽ thành thật, tin tưởng bạn. Đồng thời, bạn cũng cần làm đúng vai trò của cha mẹ, người đặt ra các giới hạn và hướng dẫn con thực hiện theo quy tắc. Đứa trẻ bướng bỉnh thường trở thành những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có thể rất thành công trong cuộc sống nếu được phát triển đúng hướng. Ảnh: Thestatesman. |
Người lớn cư xử không đúng mực: Trẻ em luôn dõi theo hành động của cha mẹ. Và tất nhiên, nếu người lớn cư xử đúng mực, tử tế, con cũng sẽ học cách nói chuyện tử tế. Còn nếu cha mẹ nói chuyện thô lỗ, hách dịch, có thể con cũng sẽ hình thành tính cách tiêu cực đó trong tương lai. Vì vậy, cha mẹ cần làm gương cho con cái đầu tiên, hạn chế làm việc xấu trước mặt trẻ. Ảnh: Firstcryparenting. |