Sau khi đọc bài viết “The Voice Trung Quốc hơn gì The Voice Việt” trên Zing.vn tôi muốn chia sẻ một ít quan điểm cũng như cảm nhận của mình về chương trình Giọng hát Việt.
Tôi là một người đã theo dõi 2 mùa đầu tiên và quyết định không xem tiếp mùa thứ 3 đang phát sóng. Lý do vì chất lượng của chương trình đã chạm đáy đối với yêu cầu của khán giả truyền hình.
Huấn luyện viên Giọng hát Việt giỏi nói hơn giỏi huấn luyện? |
Bỏ qua những yếu tố khiến Giọng hát Việt kém hấp dẫn mà nhà báo đã phân tích, điểm tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là người “cầm cân nảy mực” của chương trình khi họ càng huấn luyện, thí sinh lại càng hát tệ đi và “vụng về” trên sân khấu.
Tôi thấy, các huấn luyện viên (HLV) từng ngồi ghế nóng chương trình Giọng hát Việt đều là người có tên tuổi trong nền giải trí Việt Nam. Tuy nhiên cuộc thi đôi khi lại là sân khấu để họ trưng trổ tài ăn nói nhiều hơn là cùng thí sinh tạo nên những tiết mục bùng nổ. Các HLV có xu hướng “bốc” thí sinh lên cao, để họ chơi vơi giữa những lời khen có cánh và những tiết mục nhàm chán.
Sự đối lập giữa vòng thi Giấu mặt và các vòng sau phản ánh sự thất bại của HLV trong việc đào thí sinh của đội mình. Kimmese, một giọng ca đầy tiềm năng với thể trường hip hop và R&B nhanh chóng rớt võ đài vì cô (hay giám khảo) lựa chọn dòng nhạc không thực sự phù hợp. Bên cạnh Kimmese, có nhiều thí sinh khác cũng phải ra về không phải vì họ không tài năng mà bởi ở sự định hướng sai của HLV.
Không khó để tìm được những thông tin như “Huấn luyện viên A dành thời gian cho thí sinh”, “Huấn luyện viên B đặt hàng ca khúc cho học trò”, “Huấn luyện viên C chỉnh trang phục cho thí sinh trước giờ diễn”. Tôi vẫn không thể hiểu được Mỹ Tâm chỉnh trang phục cho thí sinh hay dành thời gian tô màu với học trò sẽ giúp gì cho những tiết mục trình diễn tại các đêm live show.
Mỹ Tâm dành thời gian tô màu với học trò của mình. |
Tôi cũng chưa thể hiểu được những lời hứa hẹn sẽ đi đường dài, những sản phẩm âm nhạc hay cùng diễn show chung với “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng sẽ giúp gì cho thí sinh trong cuộc thi. Phải chăng đó là cách “làm màu” của HLV để chứng minh mình quan tâm đến thí sinh, hoặc là khoe khoang đẳng cấp tại Vpop một cách công khai trên sóng truyền hình.
Tôi được biết nhiều HLV của The Voice vẫn liên tục bay show trong nước và nước ngoài khi thời gian chương trình diễn ra. Có người đêm nay còn diễn show ở Hà Nội nhưng chiều mai đã bay vào TP HCM để kịp ghi hình vào đêm chủ nhật. Đành rằng, đây không hẳn là lý do chính tác động đến chất lượng tiết mục của thí sinh nhưng một phần nào đó, lại phản ánh sự hứng thú cũng như tâm huyết của giám khảo đó dành cho thí sinh cũng như chương trình.
Nhân câu chuyện của The Voice phiên bản Việt tôi muốn nhắc đến một chút về HLV của các chương trình ở những nước khác nhau. Lấy trường hợp, ngôi sao nhạc pop Adam Levine là một ví dụ. Levine từng thừa nhận anh cũng như ban nhạc Maroon 5 của mình đã bị đình trệ các hoạt động âm nhạc trong vòng 3 năm chỉ vì anh đồng ý làm giám khảo của The Voice.
Tuy nhiên, điều mà Levine đạt được sau đó còn nhiều hơn thế. Không chỉ thêm danh tiếng, anh còn phát triển được dòng thời trang riêng tại Kmart cũng như kiếm nguồn lợi nhuận lớn từ thương hiệu nước hoa riêng. Không chỉ làm giàu cho mình, việc Levine ngồi ghế nóng góp phần khiến cho Maroon 5 phổ biến hơn. Album Overexposed bán “đắt như tôm tươi”, leo lên vị trí Á quân tại Mỹ. Album mới nhất có tên V của nhóm cũng có doanh số tốt.
Cùng với Blake Shelton, Adam Levine là một trong những HLV được đánh giá tốt nhất của The Voice phiên bản Mỹ. |
Không chỉ riêng Adam Levine, những ngôi sao từng ngồi ghế nóng của The Voice Mỹ cũng đều hưởng rất nhiều lợi ích từ hợp đồng ký với nhà sản xuất chương trình. Vì thế, cuộc chơi của các HLV The Voice rất sòng phẳng khi chương trình mang đến cho họ lợi ích, họ đáp trả lại bằng chính chất lượng công việc của mình.
Đa số những người cầm cân nảy mực trong The Voice Mỹ đều nhận được đánh giá tích cực từ truyền thông và sự yêu thích của khán giả. Những đề cử cũng như thắng giải Grammy không phải là yếu tố giúp họ thành công trên “ghế nóng” mà nằm ở chất lượng của từng đêm thi. Bản thân chương trình cũng thành công rực rỡ và mỗi năm đều đặn sản xuất 2 mùa giải mà khán giả vẫn chưa có dấu hiệu ngán.
Huấn luyện viên The Voice nào sẽ xin ngừng ngồi "ghế nóng" vì áp lực và không thích hành động mờ ám của Ban tổ chức như Lưu Khoan? |
Hay trường hợp của giám khảo Lưu Khoan tại chương trình The Voice Trung Quốc. Qua bao chí tôi được biết ông ấy đã ngừng làm giám khảo của chương trình không bởi áp lực công việc mà vì không muốn bị Ban tổ chức thao túng bằng những chiêu trò thiếu trung thực.
Quay lại câu chuyện HLV của Việt Nam, rõ ràng họ cũng có được những quyền lợi riêng của mình. Đó là những khoản cát-xê hẳn không hề thấp. Thậm chí, có tin đồn về mức cát-xê ngồi ghế nóng của Mỹ Tâm còn phá kỷ lục từ trước đến nay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội xuất hiện đều đặn trên truyền hình ở một vị trí mà khán giả tôn trọng. Chưa kể, việc được ngồi ghế giám khảo còn là một cách gián tiếp chứng minh đẳng cấp của họ tại Vpop. Và kèm theo đó là mức cát-xê diễn show, hợp đồng quảng cáo… từ các nhãn hàng nhắm tới họ.
Nhưng liệu bao giờ các HLV của The Voice Việt mới “chơi” sòng phẳng với chính thí sinh và khán giả của mình? Khi họ có nhiều quyền lợi nhưng lại chưa thể dùng quyền năng của mình để biến chương trình bớt nhạt hơn. Họ có thực sự thấy áp lực, có dám tố Ban tổ chức có khuất tất khi ngồi ghế nóng như Lưu Khoan hay đó chỉ là vị trí để đánh bóng tên tuổi hoặc chỉ dám bóng gió mà không thể lên tiếng thẳng thắn.