Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai lầm của mẹ dễ sinh con dị tật

Trong 3 tháng đầu, nếu chẳng may bị cúm, sởi hoặc dùng thuốc sai cách, bà bầu có nguy cơ sinh ra những đứa trẻ dị tật.

Tại chương trình phẫu thuật "Tìm lại nụ cười cho em", bé Bùi Phước Lộc (ở Cao Phong, Hòa Bình) dù đã gần 4 tuổi nhưng cân nặng chỉ như một đứa trẻ 2 tuổi. Lộc còi cọc hơn các bạn cùng trang lứa do từ khi sinh ra bị dị tật hở hàm ếch.

tre bi ho ham ech anh 1
Bé Lộc sau 2 lần mổ điều trị hở hàm ếch. Ảnh: PV.

Mẹ em cho biết Lộc là lần đầu tiên nhìn thấy con với môi, mũi bị chẻ đôi, chị đã khóc như mưa. Quá trình nuôi dưỡng con càng trở nên khó khăn hơn khi Lộc bị hàng xóm dị nghị, xa lánh. Họ không cho phép con mình lại gần cậu bé có dị tật vùng mặt. Do hở hàm ếch, Lộc cũng không thể ăn gì ngoài việc uống sữa, ngay cả cháo, mỗi lần thử ăn, cậu bé lại bị sặc.

“Khi 2 tuổi, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương có đợt mổ từ thiện miễn phí cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch nên cháu đã được phẫu thuật khâu liền phần mũi và môi. Tuy nhiên, phần hàm ếch vẫn để hở chưa phẫu thuật được vì chưa đủ sức khỏe. Tháng 4, biết được thông tin Bệnh viện  Đa khoa An Việt phẫu thuật miễn phí, tôi đã đăng ký cho con”, chị Thẳm cho biết.

Ngày 11/9, chị đưa con lên tái khám theo lịch hẹn. Các bác sĩ cho biết bệnh nhi này sẽ tiếp tục phẫu thuật thêm những lần tiếp để nụ cười của cháu được đẹp hơn nữa.

Những thiệt thòi của trẻ hở hàm ếch

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, giám đốc bệnh viện, cho biết không chỉ bé Lộc, với dị tật này, nhiều trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như suy hô hấp, suy dinh dưỡng, khó khăn trong việc ăn uống, phát âm…

Đó là nguyên nhân chính khiến các em gặp thiệt thòi trong cuộc sống cũng như thiếu kỹ năng xã hội cần thiết để sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày, làm việc và kết hôn. Ngoài ra, không chỉ bản thân các em, gia đình cũng chịu nhiều tác động về mặt tâm lý.

Theo bác sĩ Phạm Văn Ái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ nụ cười, ở Việt Nam, cứ 500-600 trẻ sinh ra có một trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch và dị tật hàm mặt. 

Cơ chế gây dị tật vùng mặt

Theo các chuyên gia vào đầu thai kỳ, trẻ vẫn chưa phân biệt mặt, tay, chân.  Lúc này, phần mặt tồn tại trạng thái nhiều khe hở. Đến tuần thứ 6-8 các khe hở bị mất đi và hình thành môi. Trong thời điểm đó, nếu các khe hở không bị mất đi sẽ sinh ra trẻ bị hở môi.

Quá trình hình thành khẩu cái, khoang mũi và khoang miệng cũng được phân chia. Nếu các điểm lồi khẩu trái và phải không kết dính lại với nhau một cách hoàn toàn sẽ bị hở hàm ếch.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, dị tật hở môi và hở hàm ếch ở trẻ gặp ở 3 tháng đầu trong bụng mẹ. Giai đoạn này trẻ hình thành các cơ quan cơ bản, nhưng khi gặp tác nhân xấu, chúng sẽ bị dừng lại, dẫn tới các dị dạng.

Trong 3 tháng đầu, những bà bầu bị nhiễm các siêu vi trùng từ cúm, rubella, sởi có nguy cơ cao sinh ra trẻ hở hàm ếch. Đáng lo ngại, những nguy cơ này luôn đe dọa, tấn công các bà bầu. Chẳng hạn, ở nước ta, có tới khoảng 100 tuýp cúm, việc tiêm phòng cúm gần như không thể triệt để.

Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, mẹ bị nhiễm chất độc, phóng xạ, dùng thuốc có hại cho thai nhi, sống trong môi trường ô nhiễm hoặc do di truyền, con sinh ra cũng có nguy cơ di tật.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, bệnh viện luôn có chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ sứt môi, hở hàm ếch. Vào thứ 3 hàng tuần, bệnh viện sẽ tiến hành phẫu thuật cho 7-10 cháu bé không may bị khuyết nụ cười.

Hạ Nhi

Bạn có thể quan tâm