Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi khổ của những đứa trẻ sứt môi hở hàm ếch

Sinh con ra không may bị sứt môi, hở hàm ếch là điều kém may mắn của nhiều người. Với những đứa trẻ, cuộc sống của các em vất vả, khốn khổ từ đường ăn uống, nói năng đến thẩm mỹ.

Bé Bùi Anh Thư sinh năm 2012 trú tại Tiên Lữ, Hưng Yên là một trong hơn 100 bé được mổ miễn phí trong tháng phẫu thuật nụ cười cho trẻ em khe môi hở – vòm miệng. Mẹ của bé Thư tâm sự, khi mang thai, chị vẫn đi siêu âm bình thường nhưng không ai phát hiện bất thường nào của thai. Chỉ đến khi sinh bé ra, cho con bú chị thấy bé bú nhẹ và cảm giác hụt hơi, bé bú đường miệng thì sữa trào ra đường mũi.

Vợ chồng chị đưa con đi kiểm tra, bác sĩ cho biết cháu bị hở vòm miệng. Đến nay, sau 2 cuộc mổ cháu vẫn chưa lấp được lỗ thủng ở vòm miệng. Mỗi lần ăn, nếu không cẩn thận là cháu lại bị thức ăn lên mũi. Nhìn con ăn uống khổ sở, có lúc bố mẹ chỉ biết ôm con khóc.

Gia đình bố mẹ bé Thư khó khăn nên mọi cuộc mổ gia đình bé đều trông chờ vào các lần mổ miễn phí. Mỗi lần có thông tin mổ miễn phí nào anh chị lại đưa con đến khám sàng lọc để được mổ. Lần đầu tiên, khi bé được 1 tuổi, bác sĩ mổ ở Bệnh viện Trung ương 108. Lần thứ 2 bé được mổ ở Bệnh viện Cu Ba, Hà Nội và lần này trong chương trình phẫu thuật của Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, anh chị đưa con lên khám sàng lọc và đủ tiêu chuẩn để làm phẫu thuật đóng vòm họng hở.

Bé Bảo Hân được bác sĩ Hà thăm khám.

Cả gia đình bé Thư chỉ mong đến khi con vào học tiểu học có thể hoàn thiện quá trình điều trị hở vòm họng để bé có thể phát âm bình thường, không còn tự ti khi đến lớp.

Mẹ của bé Thư kể trong thai kỳ ở tháng thứ 2 chị bị cảm cúm nhưng không sử dụng thuốc nào, sau này bác sĩ nghi ngờ có thể bé bị dị tật bẩm sinh do virus cúm. Nhìn con, bố mẹ của Thư chỉ hi vọng con có thể lấy lại nụ cười như những em bé khác.

Chị Nguyễn Thị Hải, mẹ của bé Lường Văn Quân, sinh năm 2009 tại Lục Ngạn, Bắc Giang cũng không may có con bị sứt môi hở hàm ếch. Lúc chị mang bầu được 7 tháng, đi siêu âm bác sĩ cho biết bé bị dị tật này. Lúc ấy, thai đã lớn nên chị Hải vẫn sinh con bình thường. Từ khi sinh ra, bé Quân đã phải chịu sự can thiệp để ăn làm sao thức ăn không trào ra đường mũi song không thể. Mỗi lần nhìn con ăn, thức ăn lại trào ra đằng mũi, chị Hải như đứt từng núm ruột.

Chị đã đưa con đi phẫu thuật vài lần nhưng lỗ hổng trong vòm vẫn lớn nên phải mổ thêm vài lần để điều trị. Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Mạnh Hà – trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương cho biết bé Quân bị hở vòng họng rộng nên đợt phẫu thuật này các bác sĩ sẽ lấy một phần ở tổ chức lưỡi để lấp vào lỗ hổng. Sau này, cháu sẽ phải làm phẫu thuật ghép xương để đóng hàm giúp mặt phát triển tự nhiên, không bị thiểu năng hàm trên.

Hành trình gian nan

Anh Giáp Văn Tùng- Trú tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội, bố của bé Giáp Bảo Hân - 8 tháng tuổi vừa bế con vừa nựng. Anh Tùng tâm sự, khi mang bầu bé Bảo Hân, vợ anh vẫn đi khám thai đều nên khi sinh con ra thấy bé bị dị tật, anh chị buồn nhưng chỉ thoáng qua và anh chị xác định đây là cuộc chiến gian nan của cả con và bố mẹ.

May mắn, con anh chỉ bị dị tật bên ngoài, bên trong không bị hở vòm họng nên bé vẫn ăn được. Đến nay, sau 8 tháng bé được 8 kg, đủ tiêu chuẩn cân nặng gây mê nên anh chị quyết định đưa con đi làm phẫu thuật. Anh Tùng chủ động liên hệ với các bệnh viện, được biết hàng năm đều có chương trình phẫu thuật từ thiện nên đưa con đến làm phẫu thuật từ thiện để giảm chi phí cho bé.

Trường hợp của bé Bảo Hân, bác sĩ Hà trực tiếp khám và cho biết bé bị khe hở ngang mặt, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tạo hình cho bé và có khả năng chỉ cần một cuộc phẫu thuật, đến khi bé lớn trên 18 tuổi có thể làm thêm phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, bên tai phải có bé cũng bị dị tật, các bác sĩ sẽ làm phẫu thuật tạo hình vành tai thêm.

Hình ảnh hở vòm họng của bé Quân rộng nên ăn bé hay bị thức ăn trào ra phía mũi.

Giáo sư Trịnh Đình Hải - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương cho biết mỗi năm ở nước ta có hàng nghìn trẻ em sinh ra có khuyết tật khe hở môi - vòm miệng. Hàng năm, bệnh viện đều triển khai mổ nhân đạo từ 500 đến 1000 trẻ mỗi năm.

Việc điều trị cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm họng cần rất nhiều thời gian và phải điều trị toàn diện. Từ khi trẻ mới sinh các bác sĩ đã phải điều trị tiền phẫu thuật giúp trẻ có thể ăn - uống, tránh biến dạng nhiều. Đến khi trẻ được 6-8 kg có thể phẫu thuật đóng kín khe hở môi. Khi trẻ được trên 10 kg, sẽ phẫu thuật điều trị khe hở vòm miệng.

Sau các ca phẫu thuật điều trị khe hở, trẻ còn liệu trình điều trị rối loạn phát âm để các cháu có giọng nói bình thường trước khi đến trường, điều chỉnh nắn răng mang lại hàm răng đẹp cho các cháu.

Giáo sư Hải cho biết dù chỉ là dị tật khe hở môi - vòm miệng nhưng việc điều trị lâu dài và rất tốn kém nếu gia đình phải chi trả. Chính vì thế, chương trình phẫu thuật từ thiện miễn phí cho trẻ có thể giúp gia đình yên tâm cho bé điều trị. Đến nay, các chương trình đều miễn phí không chỉ chi phí phẫu thuật, các lớp dạy nói cho bé mà cả việc đi lại ăn ở cho ca phẫu thuật cũng được hỗ trợ hoàn toàn.

http://infonet.vn/noi-kho-cua-nhung-dua-tre-sut-moi-ho-ham-ech-post204609.info

Theo Phương Thúy/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm