Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình tìm lại nụ cười của em bé 2 tuổi bị bỏ rơi

Câu chuyện xúc động về em bé Nguyễn Quý Tỵ qua lời kể của một điều phối viên tổ chức Operation Smile. Dù mới là bước đầu phẫu thuật nhưng em đã có cơ hội được tìm lại nụ cười.

Nguyễn Thái Thanh là điều phối viên của Operation Smile (Phẫu thuật nụ cười) - tổ chức tiến hành phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch cho trẻ em toàn thế giới. 

Thái Thanh từng gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều mảnh đời bé bỏng kém may mắn bị dị tật từ khi mới sinh ra. Chị đã chia sẻ câu chuyện xúc động về cậu bé Nguyễn Quý Tỵ bị chính cha mẹ đẻ bỏ rơi với khuôn mặt dị tật. 

"Khi sống trong đầy đủ, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ xung quanh rất bình thường. Nhưng khi gặp những người khốn khổ, kém may mắn, bạn sẽ thấy cuộc sống thật nhiều thăng trầm nhưng cũng không ít điều kỳ diệu.

Là một điều phối viên, tôi đã kể nhiều câu chuyện, gặp nhiều bệnh nhân nhưng có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh của bệnh nhân số 132, cậu bé sinh năm 2013, mang tên năm sinh - Nguyễn Quý Tỵ.

Không may mắn như những đứa trẻ khác, Quý Tỵ bị bỏ ở cổng chùa Cao Linh - Hải Phòng ngay khi mới lọt lòng. Có lẽ bố mẹ bỏ em vì hình hài không bình thường như những đứa trẻ khác. Quý Tỵ bị mù, hở môi, hàm ếch và bại liệt.

Bé Quý Tỵ trước ngày phẫu thuật tại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba.

Sau một tháng được Hội phụ nữ của xã Quán Toan chăm sóc, em tiếp tục trở thành một thành viên của Trại trẻ mồ côi Hoa Phượng, Hải Phòng.

Từ đó đến nay, Quý Tỵ sống dưới mái nhà chung với nhiều em bé không may mắn khác. Ở đây, tuy thiếu thốn nhiều về điều kiện sống nhưng bù lại luôn ngập tràn tình yêu thương của các mẹ nuôi và các dì phụ.

Mẹ nuôi của bé - chị Lưu Thị Bích Nữ - tâm sự: “Ngoài Tỵ ra, chị và dì phụ chăm thêm 5 cháu nữa. Trong số mấy đứa, Tỵ ngoan nhất. Tuy bị mù và dị tật nhưng cái gì con cũng biết. Nhiều lúc nhìn con mà đau xót, thương lắm mà không làm được gì".

Rồi chị khoe: “Trông con thế thôi, nhưng chụp ảnh xinh lắm”. Nói xong chị lại ôm, hôn, cưng nựng Tỵ như thể để truyền tải thông điệp “mẹ yêu con” đối với cậu bé Quý Tỵ mù.

Tuy cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng chị Bích Nữ chia sẻ: “Nghề chọn mình và mình cũng đã chọn nghề. Tôi tâm niệm việc này không đơn giản chỉ là chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật mà để cứu rỗi các sinh linh bé bỏng, vô tội, bị bỏ rơi". 

Không may mắn bị hở môi, hàm ếch từ khi lọt lòng, Quý Tỵ được chọn là một trong những bệnh nhân nhận phẫu thuật ngày 10/9 của Operation Smile. Bé là bệnh nhân cuối cùng của buổi sáng.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 45 phút do bác sĩ Nguyễn Thanh Thái - Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - thực hiện, Tỵ được đưa ra phòng mổ trong niềm hân hoan của cả đoàn.

Vẻ mặt mệt mỏi của chị Nữ dường như tan biến khi bế Tỵ. Những giọt nước mặt hạnh phúc lăn dài trên gương mặt người mẹ. Hình ảnh của tình mẫu tử đó đã lay động trái tim của những vị khách mời người nước ngoài, đoàn y bác sĩ, cán bộ của tổ chức và những gia đình bệnh nhân khác trong phòng hậu phẫu.

Mẹ nuôi bế Quý Tỵ sau ca phẫu thuật.

Người mẹ không kịp nói lời cảm ơn bác sĩ mà chỉ luôn miệng khen con mình đẹp trai. Câu dỗ dành chị nói để xoa dịu vết đau sau mổ của con: “Con ngoan, chóng khỏe rồi mẹ con mình còn về nhé, các cô, các bác, các bạn đang chờ con ở nhà…” khiến tôi và nhiều người khác trong phòng phải gạt nước mắt.

Trong lòng tôi, chị xứng đáng là nữ anh hùng. Cám ơn chị đã cứu rỗi những sinh linh nhỏ bé mà thiệt thòi như bé Tỵ, cám ơn chị đã đặt niềm tin vào chúng tôi, đoàn Y bác sĩ ở Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cũng như Tổ chức Phẫu thuật Nụ cười để chúng tôi có cơ hội được hàn gắn nụ cười của Tỵ thêm trọn vẹn.

Hình ảnh của chị và bé Tỵ sẽ mãi là hình ảnh đẹp trong ký ức của chúng tôi. Cầu mong chị và bé luôn khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống".



Khe hở môi, hở hàm ếch là một trong những dị tật phổ biến nhất đối với trẻ sơ sinh tại Việt Nam với tỷ lệ trẻ sinh ra mang dị tật là 1/700. Dị tật khe hở môi - hàm ếch không những ảnh hưởng tới ngoại hình, mà còn gây ảnh hưởng lớn đối với phát triển cơ thể và tâm lý của trẻ em.

Hoạt động tại Việt Nam từ năm 1989, trong suốt 25 năm qua, Operation Smile Việt Nam đã khám và phẫu thuật cho hơn 38.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh trên khuôn mặt.

Tiếp tục các hoạt động trên, trong tháng 11/2015, Operation Smile tổ chức chương trình Phẫu thuật nhân đạo dành cho các bệnh nhân mang dị tật khe hở môi, hàm ếch tại TP HCM và các tỉnh lân cận.

Địa điểm: Bệnh viện Đại Học Y Dược TP HCM.

Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP HCM.

Thời gian: Từ 14 đến 20/11 (Khám ngày 14; phẫu thuật từ 16 đến 20/11).

Số lượng bệnh nhân dự kiến: 70-80.

Tiêu chí lựa chọn bệnh nhân: Trẻ bị khe hở môi phải được ít nhất 6 tháng tuổi, nặng từ 8 kg trở lên; trẻ bị khe hở hàm ếch phải được ít nhất 18 tháng tuổi, nặng từ 10-12 kg trở lên. Tất cả các trẻ không có bệnh bẩm sinh như bệnh tim, động kinh, thần kinh…và không bị ốm, sốt hoặc viêm nhiễm trong thời điểm đi khám.

Tất cả các ca phẫu thuật sẽ được thực hiện miễn phí cho bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ đi lại và ăn uống trong thời gian lưu viện.

Nguyễn Thái Thanh

Ảnh: Thanh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm