Các cha mẹ thường được khuyên là trẻ sơ sinh trong giai đoạn 6 tháng đầu không được uống nước. Các bé trong giai đoạn này chủ yếu bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết vì sao trẻ dưới 6 tháng tuổi lại không nên uống nước.
Theo Business Insider, ở trẻ sơ sinh, thận của các bé chỉ có kích thước bằng một nửa của người lớn. Vì vậy, chúng chưa thể xử lý được lượng nước dư thừa trong cơ thể.
Khi cho bé uống nhiều nước hơn mức cơ thể cần sẽ khiến nồng độ natri trong cơ thể bị loãng đi. Lượng natri này sẽ thoát ra ngoài theo sự bài tiết nước thải, dẫn đến tình trạng thiếu hụt natri ở trẻ nhỏ. Nếu nhẹ, trẻ sẽ bị khó chịu, ngủ nhiều hơn mức bình thường, hạ nhiệt, phù mặt. Nặng hơn có thể dẫn đến hạ natri máu, nguy hiểm nhất là sưng não, co giật, thậm chí tử vong.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước vì có thể gây hại sự phát triển của bé. Ảnh: Themirror. |
Ngoài ra, trẻ dưới 6 tháng tuổi có kích thước dạ dày khá nhỏ. Uống nước có thể làm đầy dạ dày của trẻ. Bé sẽ cảm thấy no lâu sau khi uống nước và bỏ bú sữa. Điều này khiến bé khó nhận được dinh dưỡng cần thiết trong sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Thậm chí, với trẻ phải uống sữa công thức, pha loãng sữa với quá nhiều nước cũng có thể gây ra tình trạng nhiễm độc nước. Điều này còn làm mất các chất dinh dưỡng có trong sữa công thức.
Theo Healthline, khi trẻ được 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho bé uống lượng nước nhỏ, nhưng được đo theo thìa cà phê nhỏ, chứ không phải là bình nước. Đây là thời điểm cha mẹ có thể để bé làm quen với nước. Dù vậy, nguồn cung cấp nước chính của bé vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Đến khi con được một tuổi, cha mẹ có thể cho bé uống nước với số lượng tùy thích, cùng sữa bò và chế độ ăn giàu dinh dưỡng.