Người bệnh được gia đình đưa về nhà vì tiên lượng rất xấu dù được điều trị tích cực. Ảnh: BVCC. |
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nam (45 tuổi, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng suy gan nặng.
Khai thác bệnh sử, người bệnh từng được phát hiện mắc viêm gan B cách đây 10 năm. Ngoài ra, người đàn ông còn bị U lympho tế bào nhỏ đã điều trị hóa chất 6 đợt.
Một năm trước, bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng virus viêm gan B nhưng đã tự ý bỏ thuốc điều trị và chuyển sang uống thuốc nam không rõ nguồn gốc 3 tháng nay.
Sau khi uống, người đàn ông có hiện tượng mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, vàng da tăng dần kèm theo nôn, đi khám được chỉ định nhập viện.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người bệnh được chẩn đoán suy gan cấp và bán cấp, ung thư mô liên kết Kaposi của hạch lympho, viêm gan virus B mạn, hôn mê gan…
Sau khi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực, người đàn ông rơi vào hôn mê, suy gan, phải đặt ống thở máy. Tuy nhiên, tình trạng người bệnh không cải thiện, tiên lượng nặng nên gia đình xin đưa về nhà.
Nhận định về trường hợp trên, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, cho biết người bệnh được chuyển vào khoa trong tình trạng suy gan và hôn mê gan rất nặng.
"Tình trạng này bắt nguồn từ việc bệnh nhân tự ý bỏ thuốc kháng virus để dùng thuốc nam, thuốc bắc. Điều này thực sự rất nguy hiểm", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Từ trường hợp của người đàn ông, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân viêm gan B cần được đi khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa về truyền nhiễm, viêm gan.
Qua các lần thăm, khám, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và có phương án theo dõi kịp thời.
Người bệnh đang dùng thuốc kháng virus không được tự ý bỏ thuốc mà phải có sự tham vấn của bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Đặc biệt, các bệnh nhân tuyệt đối không được dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc, thực phẩm chức năng khi chưa có tư vấn của bác sĩ trong điều trị viêm gan B.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B gây ra. Loại virus này có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan… và là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam.
Virus viêm gan B có mặt ở trong tất cả các dịch cơ thể nhưng chỉ lây lan qua đường tiếp xúc máu trực tiếp, quan hệ tình dục không an toàn và mẹ truyền sang con khi mang thai hoặc khi sinh. Ngoài ra, bênh không lây qua ăn uống, khi dùng chung bát đũa, khi ôm hôn, hắt hơi hay muỗi đốt.
Để phòng bệnh viêm gan B, mọi người nên đi xét nghiệm và tư vấn tiêm phòng hoặc điều trị nếu không may mắc bệnh. Cho đến nay, tiêm phòng vaccine viêm gan B vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhất.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Znews giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.