Molnupiravir là thuốc kháng virus đường uống, ức chế quá trình nhân đôi của virus, mở ra hy vọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Nghiên cứu lâm sàng pha 2a đã chứng minh thuốc đạt hiệu quả cao trong việc làm giảm tải lượng virus SARS-CoV-2 ở hầu - họng, giảm mức acid ribonucleic (RNA) của virus. Đồng thời, thuốc cũng có kết quả khả quan về tính an toàn và khả năng dung nạp.
Cụ thể, thử nghiệm được thực hiện trên 202 người tham gia điều trị. Tại ngày thứ 3, tỷ lệ phân lập tìm virus ở bệnh nhân dùng 800 mg Molnupiravir (1,9%) thấp hơn nhiều so với bệnh nhân dùng giả dược. Ngày thứ 5, bệnh nhân dùng thuốc hàm lượng 400-800 mg không còn phân lập thấy virus, so với tỷ lệ 11,1% ở người dùng giả dược.
Từ đó cho thấy, thời gian làm sạch RNA virus giảm. Người dùng thuốc hàm lượng 800 mg có tỷ lệ sạch RNA virus lớn hơn nhiều so với dùng giả dược. Molnupiravir được dung nạp tốt, số lượng biến cố bất lợi ngang bằng giữa các nhóm.
Bên cạnh đó, ngày 9/8, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Australia (TGA) đã cấp phép tạm thời cho thuốc Molnupiravir của Công ty Cổ phần nội bộ Merck Sharp & Dohme (Australia) trong chỉ định điều trị Covid-19.
Căn cứ vào các cơ sở triển vọng trên, Bộ Y tế và TP.HCM đã triển khai chương trình thí điểm điều trị Molnupiravir tại nhà cho F0 có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được quản lý nghiêm ngặt và kiểm soát đặc biệt.
Để đảm bảo việc cấp phát, sử dụng thuốc đạt được hiệu quả cao nhất và quản lý được nguồn thuốc được cấp theo chương trình, Sở Y tế TP.HCM cho biết trường hợp sử dụng thuốc ký cam kết đồng ý tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir.
TP.HCM đã chính thức đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại nhà. Ảnh minh họa: Laoevent. |
Trường hợp được dùng thuốc này là người có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính (rRT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) có độ tuổi 18-65 tuổi.
Về mức độ bệnh, F0 tham gia dùng thuốc là những người có triệu chứng nhẹ như sốt, họ khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời và không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy.
Người dân sử dụng thuốc này nên có sự tư vấn kỹ càng từ dược sĩ và bác sĩ. Bởi đây là loại thuốc không dễ sử dụng.
Molnupiravir không nên dùng với mục đích phòng Covid-19. Các thuốc kháng virus khác có cơ chế là dừng quá trình vật liệu di truyền (RNA hay DNA) của virus nhân lên, trong quá trình virus phân chia. Molnupiravir không dừng quá trình này, vật liệu di truyền của virus vẫn nhân lên. Tuy nhiên, các thành phần tạo nên vật liệu này bị biến đổi. Chính vì vậy, đây là một thuốc gây đột biến gene của virus và cuối cùng làm chúng bị chết.
Tuy không được thiết kế để gây đột biến gene ở người, việc dùng thuốc kéo dài như một biện pháp đề phòng sẽ tăng nguy cơ tế bào bị đột biến.
Do đó, thuốc chỉ được khuyến cáo dùng tối đa 5 ngày với liều chỉ định. Việc tự ý dùng quá liều sẽ làm tăng nguy cơ gây đột biến (dẫn tới ung thư) của thuốc.
Ngoài ra vì đây là một thuốc còn đang trong quá trình thử nghiệm (pha 3 chưa hoàn thành), rất nhiều tác dụng phụ của thuốc còn chưa được biết rõ. Các thuốc kháng virus với cấu trúc giống nucleoside (thành phần tạo nên vật liệu di truyền) nói chung đều có khả năng gây nên một số độc tính nguy hiểm (đặc biệt nếu dùng quá liều) như ức chế hệ miễn dịch, gây bội nhiễm, ung thư, tan máu...
Bài viết do TS.DS Phạm Đức Hùng (từng thực tập ở Đại học Harvard, Mỹ; tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ), DS Nguyễn Hồng Trâm và DS Nguyễn Ngọc Thùy Trâm, cung cấp thông tin.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.