Massage cho con vẫn còn xa lạ với các bà mẹ Việt, song, trẻ em ở nước ngoài đã sớm được làm quen với cách thức chăm sóc này. Trên mạng, nhiều hình ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng yêu của trẻ nhỏ khi được thư giãn khiến nhiều bố mẹ Việt thích thú. Tuy nhiên, họ còn e dè về sự an toàn đối với đứa con đang trong độ tuổi sơ sinh.
Đặc biệt, nhiều gia đình còn tự ý thực hiện các động tác nắn bóp để điều chỉnh chân vòng kiêng cho con trẻ mà không tham khảo ý kiến chuyên gia.
Về vấn đề này, bác sĩ CKII Trịnh Quang Dũng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết động tác này chỉ nên được thực hiện bởi các kỹ thuật viên, nếu bố mẹ tác động sai cách sẽ gây tác động không tốt đến xương, khớp, cơ của trẻ.
Dưới đây là tư vấn của các chuyên gia về cách massage phù hợp với trẻ nhỏ và những điều cần tránh.
Massage có tốt cho trẻ hay không?
Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, cho biết đây là biện pháp thư giãn rất tốt cho trẻ con.
Các động tác xoa bóp nhẹ nhàng giúp khí huyết lưu thông dễ dàng đến các bộ phận cơ thể và tăng lưu lượng máu trong hệ thống tuần hoàn của con.
Từ đó, trẻ có thể ngủ sâu hơn, kích thích ăn ngon miệng hơn, hệ thần kinh, hô hấp đều được cải thiện. Hành động này cũng giúp trẻ mau lớn, đồng thời xương cốt dẻo dai hơn.
Bác sĩ Hương khuyến nghị bố mẹ nên dành thời gian hàng ngày để massage cho con, vừa giúp trẻ thư giãn vừa gắn kết tình cảm.
Chung quan điểm, bác sĩ CKII Trịnh Quang Dũng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định: "Massage là một việc nên làm cho trẻ. Bởi nó làm tăng cường dinh dưỡng dưới da, khả năng tiếp nhận thông tin, tín hiệu từ ngoại vi của đứa trẻ, giúp tình cảm giữa người chăm sóc với đứa trẻ càng bền chặt hơn".
Theo ông, hiện nay Việt Nam chưa phát triển các trung tâm và chú trọng vào kỹ thuật viên có kỹ năng massage cho trẻ em, nhất là nhũ nhi để đánh thức những tiềm năng về vận động, giác quan, tình cảm.
Massage cho trẻ như thế nào?
Theo bác sĩ Hương, thời điểm tốt nhất để massage cho bé là sau khi bé vừa ngủ dậy, trong hoặc sau khi tắm.
Lưu ý, việc lựa chọn địa điểm phù hợp là nguyên tắc rất quan trọng. Tốt nhất khi massage, bạn nên để bé ở trần, có thể mặc quần bỉm hoặc quần đùi. Do vậy, bé cần được ở trong phòng ấm áp và yên tĩnh với nhiệt độ phòng lý tưởng khoảng 28-29 độ C.
Bố mẹ nên nhẹ nhàng xoa bóp theo chiều dọc sóng lưng của trẻ để khí huyết điều hòa từ đầu đến cuối.
“Người ta có thể tiến hành massage cho trẻ, kể cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên thời gian, động tác ở mỗi một độ tuổi sẽ khác nhau. Với trẻ nhỏ, tốt nhất chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng trong vài phút. Nếu làm quá lâu, các cơ của trẻ sẽ bị nhão, đồng thời gây phản tác dụng ban đầu”, bác sĩ Hương khuyến cáo.
Bác sĩ Dũng cũng cho hay, nguyên tắc massage cho trẻ nhỏ là phải nhẹ nhàng, không dùng lực mạnh tác động lên cơ thể trẻ.
“Bạn chỉ cần xoa bóp nhẹ nhàng với cường độ vừa phải trong khoảng thời gian từ 5-10 phút, tránh làm quá mạnh, gây tổn thương phần mềm dưới da. Bạn có thể chú trọng massage phần vai, gáy và dọc sóng lưng cho trẻ", bác sĩ Dũng nói.
Để điều chỉnh động tác, cha mẹ nên theo dõi thái độ của trẻ. Nếu con tỏ ra thích thú, dễ chịu, lực của người xoa bóp là vừa phải, ngược lại, khi các bé nhăn nhó, cáu gắt hoặc mệt mỏi, bạn nên dừng lại.
Tuyệt đối không dùng dầu gió với trẻ sơ sinh
Bác sĩ Trịnh Quang Dũng khuyến cáo tuyệt đối không thực hiện massage khi trẻ đang bị viêm da hoặc có khối u máu trên các vùng da.
Theo các chuyên gia, đây chỉ là động tác hỗ trợ đối với trẻ, không phải các trị bệnh. Do đó, nếu các mẹ dùng dầu gió massage cho trẻ khi ốm rất nguy hiểm.
Về điều này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã khuyến cáo: “Tuyệt đối không dùng dầu gió trong tất cả các trường hợp đối với trẻ dưới một tuổi”.
Với các loại tinh dầu, kem dưỡng da, các chuyên gia cũng cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng khi massage vì da của bé rất nhạy cảm.
Người massage cho trẻ phải rửa tay sạch trước khi bắt đầu, không đeo trang sức hoặc các vật dụng có khả năng làm trầy xước da.