Uống nước ừng ực gây hại cho tim
Gần một tuần nay, anh Nguyễn Mạnh Chung (Ba Vì, Hà Nội) là thợ phụ hồ cho một công trường xây dựng phải nghỉ ở nhà do có những cơn đau thắt ở ngực. Đi khám, bác sĩ cho biết tim, thận của anh có vấn đề. Sau khi hỏi về sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, bác sĩ đã yêu cầu anh Chung ngoài việc nên giảm ăn mặn còn khuyến cáo anh bỏ ngay thói quen uống ừng ực cả ca nước sau mỗi giờ nghỉ giải lao ở công trường.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mùa hè hoặc sau khi lao động mệt nhọc sẽ khiến cơ thể có cảm giác rất khát, vì đã bài tiết một lượng lớn nước qua tuyến mồ hôi nên muốn uống bù. Tuy nhiên, nếu uống ừng ực cả ca nước sẽ gây hại cho tim.
Sau khi lao động, những mao mạch máu ở đường ruột, dạ dày ở trạng thái co lại, cơ bắp tập trung trong khi lao động cũng rất căng thẳng. Nếu ngay lúc đó đưa một lượng lớn nước vào cơ thể thì dạ dày sẽ không hấp thụ và chuyển hóa ngay được. Nước dễ bị tích tụ trong dạ dày và đường ruột gây cảm giác khó chịu, buồn nôn ảnh hưởng đến việc tiêu hóa. Hơn nữa, buồng tim đã vất vả trong khi lao động, nếu tăng đột ngột một lượng lớn nước trong cơ thể thì tim lại phải tiếp tục làm việc nhiều hơn để điều hòa, không tốt cho tim.
Ngoài ra, việc uống nước trong lúc ăn cơm cũng được các chuyên gia khuyến cáo là không nên. Lý do là vì năm phút sau khi uống, nước đã hòa loãng và đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn sẽ nuốt món ăn bạn chưa được nhai kỹ không tốt cho tiêu hóa và hấp thu. Chỉ nên uống nước mười phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn (tất nhiên là trừ trường hợp đang ăn bị nghẹn, bạn cần uống nước ngay).
Uống nhiều quá nhiều nước
70% trọng lượng cơ thể của chúng ta là nước, bởi vậy khi cơ thể thiếu nước, bạn sẽ thấy đau đầu, mệt mỏi, phản ứng chậm. Nếu cơ thể mất tới 20% lượng nước, sẽ dẫn tới tử vong. Ngoài ra, khi cơ thể thiếu nước, bạn cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ da khô, tóc giòn dễ gẫy; táo bón, sỏi thận… Với trẻ em nước lại càng quan trọng, khi thiếu nước có thể dẫn đến suy giảm tuần hoàn, thậm chí có thể tử vong nếu mất nước nặng trong các trường hợp tiêu chảy cấp.
Tuy nhiên, nếu cơ thể nhiều nước quá cũng không tốt. Việc nước tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ pha loãng các chất điện giải trong máu, dẫn tới hạ natri. Bên cạnh đó lượng nước dư thừa có thể gây phù hoặc sưng não, nhất là chức năng hô hấp và kiểm soát cơ bắp. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra ngộ độc nước.
Theo chuyên gia Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người lớn nên uống 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Nên uống từng ngụm nhỏ và uống từ từ, uống nước ngay cả khi không khát. Mùa hè thì nhu cầu nước tăng hơn do mất nhiều mồ hôi, để cơ thể điều hòa nhiệt chống nóng. Với trẻ em, nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi thì cho bú mẹ hoàn toàn hoặc uống sữa bột công thức pha đúng theo tỷ lệ hướng dẫn trên hộp sữa. Trong trường hợp trẻ bị ra nhiều mồ hôi khi bị còi xương hoặc đi ngoài phân táo bón thì cũng có thể cho trẻ uống thêm 100-200 ml/ngày.
Trẻ trên 6 tháng đến một tuổi thì nhu cầu nước là 100 ml/kg/ngày (kể cả sữa). Ví dụ, trẻ nặng 8 kg cần 800 ml nước, nếu trẻ uống được 60 ml sữa cần bổ sung 200 ml/ngày dưới dạng nước đun sôi để nguội như nước quả tươi, nước rau luộc…Trẻ trên một tuổi (khoảng 10 kg) cần một lít nước mỗi ngày (kể cả sữa). Trẻ trên 10 kg thì mỗi kilôgam thêm 50 ml. Trẻ trên 10 tuổi thì nhu cầu nước cho cơ thể tương đương người lớn.
Ngoài ra, bạn không nên uống nước đun đi đun lại nhiều lần do trong nước có một hàm lượng nhỏ các kim loại nặng không tốt cho sức khỏe như chì, cadimium, nitrat… Khi nước đun đi đun lại nhiều lần, nước bốc hơi nhiều lần dẫn tới hàm lượng các chất kể trên tăng lên, khi hấp thu vào cơ thể sẽ có hại. Không uống nước nhiều trước khi đi ngủ vì bạn sẽ phải đi tiểu, hệ bài tiết sẽ phải làm việc mệt mỏi.
Những loại nước nên và hạn chế uống
Nên:
- Nước ép trái cây tươi cam, quýt, bưởi, dưa chuột , táo… khi uống không nên cho thêm đường, loại nước quả ép này vừa cung cấp nước lại cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Loại nước này làm xóa tan những mệt mỏi, tăng cường chức năng hoạt động của não và làm khỏe mạnh những mạch máu, giúp lưu thông khí huyết tốt trong cơ thể người.
- Các loại nước ép từ rau củ như củ đậu, bí xanh, nước rau má…cũng rất tốt cho cơ thể nhất là đối với trẻ bị thừa cân béo phì vừa không sợ bị tăng cân, mà còn có tác dụng giải nhiệt nhất là trong những ngày hè nóng bức.
- Sữa đậu nành không đường cũng là nước uống và thức ăn bổ dưỡng vừa cung cấp nước, cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác.
- Nước rau luộc cũng rất tốt cho cơ thể vì cung cấp các vitamin và khoáng chất.
Hạn chế:
- Nước khoáng có chứa các chất khoáng như natri, kali, can-xi, magie…Các loại nước khoáng do chứa thêm các chất khoáng nên phải dùng đúng lúc, đúng đối tượng, không được sử dụng bừa bãi nhất là trẻ nhỏ không được dùng loại nước khoáng có chứa hàm lượng khoáng cao để pha sữa vì chức năng thận của trẻ còn yếu không đào thải được chất khoáng dư thừa ra khỏi cơ thể. Những chất khoáng dư thừa tích lũy trong người sẽ gây rối loại nhịp tim, tăng huyết áp, phù…
- Các loại nước ngọt có ga không nên uống nhiều vì có thể gây thừa cân béo phì, hoặc đầy bụng biếng ăn ở trẻ em và cung cấp calo rỗng.
- Các loại nước ép quả công nghiệp có nhiều đường, hàm lượng chất khoáng và vitamin ít không tốt cho sức khỏe, uống nhiều dẫn đến thừa cân, béo phì.
- Cà phê, các loại nước tăng lực không được dùng cho trẻ uống.