Vào dịp trước và trong Tết, các bữa tiệc liên tiếp khiến bạn luôn trong tình trạng say xỉn, mệt mỏi do uống rượu bia. Nhiều nghiên cứu cho thấy uống rượu bia gây ra nhiều tác hại nguy hiểm cho sức khỏe của con người.
Uống rượu khi bụng đói
Theo Marvin Singh, giáo sư lâm sàng tại Khoa Y học Gia đình và Sức khỏe cộng đồng của Đại học California, Mỹ, uống rượu khi bụng rỗng có thể tăng nồng độ cồn trong máu đột ngột lên cao hơn dự kiến ngay sau khi uống. Điều này có liên quan đến tốc độ hấp thụ rượu và thời gian cần thiết để rượu phân phối khắp cơ thể.
Khi dạ dày trống rỗng, rượu có khả năng hấp thụ nhanh hơn và bạn sẽ dễ say hơn. Để ngăn ngừa điều này, bạn nên tiêu thụ bữa ăn cân bằng, lành mạnh cả ngày trước khi tham gia tiệc rượu. Ngoài ra, hãy cố gắng ăn trong khi uống để làm chậm quá trình hấp thụ rượu.
Không uống nước khi đang uống rượu
Theo Reader's Digest, rượu có thể làm mất nước và khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Khi không bù nước kịp thời, bạn có thể bị mất nước nhanh hơn, dẫn đến tình trạng nôn nao vào ngày hôm sau.
Uống nước cũng giúp bạn kiểm soát lượng rượu uống và làm chậm sự hấp thụ rượu vào cơ thể. Tuy nhiên, bạn nên uống nước từ từ suốt buổi tiệc nhưng không nên uống quá nhiều. Vì uống cạn một hơi có thể khiến dạ dày khó chịu.
Không uống nước khi uống rượu có thể khiến bạn bị mất nước, mệt mỏi nhanh hơn. Ảnh: Rd. |
Uống rượu đầy chén và nhanh
Cơ thể con người chỉ có thể tiêu hóa được khoảng 300 ml lượng cồn trong một giờ. Uống nhanh sẽ kích thích lượng rượu lớn vào cơ thể trong thời gian ngắn, gây tác động mạnh tới não bộ, khiến bạn no bụng, khó chịu, buồn nôn...
Uống rượu một hơi và nhiều không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, dạ dày, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng. Do vậy, bạn nên uống rượu từ từ để hạn chế cơn say hiệu quả.
Uống rượu khi đang uống thuốc
Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào và bạn muốn uống rượu, trước tiên bạn cần chắc chắn rằng bạn hiểu sự tương tác giữa rượu và thuốc.
Các loại thuốc như aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể gây loét và viêm dạ dày. Nếu bạn uống rượu khi đang uống aspirin, nó có thể tăng nguy cơ gấp đôi tổn thương niêm mạc dạ dày và đường tiêu hóa. Ngoài ra, việc uống aspirin cũng không có tác dụng ngăn ngừa nôn nao như nhiều người lầm tưởng. Thậm chí, rượu cũng làm giảm tác dụng điều trị của thuốc.
Trộn rượu cùng với đồ uống có cồn, ga
Trộn chung các loại đồ uống lại với nhau có thể khiến bạn nhanh say và say nhiều hơn. Đặc biệt không nên pha rượu bia với nước ngọt, các chất kích thích khác, và cũng không uống rượu bia cùng một lúc. Vì các phản ứng giữa các hoạt chất với nhau sẽ làm lượng cồn dễ dàng xâm nhập vào máu, gây hại đến các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan và dạ dày.
Hút thuốc khi uống rượu
Nhiều nghiên cứu chứng minh vừa hút thuốc vừa uống rượu sẽ gây hại cho cơ thể gấp nhiều lần. Điều này là do cồn làm cho mạch máu giãn nở, đẩy nhanh tuần hoàn máu trong cơ thể, sẽ đẩy nhanh tốc độ hấp thụ chất nicotine trong thuốc lá vào cơ thể.
Hút thuốc và uống rượu cùng lúc có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng và thực quản. Điều này là do rượu hòa tan hóa chất trong thuốc lá trong khi chúng vẫn còn ở trong cổ họng. Nó khiến các chất gây ung thư bị mắc kẹt ở các mô nhạy cảm của cổ họng. Ngoài ra, uống rượu và hút thuốc cùng lúc kích thích cơ thể chuyển hóa cả hai loại nhanh hơn, khiến các chất gây ung thư từ thuốc lá lưu lại trong máu lâu hơn.