Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên (khoa ngoại - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho hay mỗi tuần tại khoa phải phẫu thuật ít nhất hai trường hợp bị ẩn tinh hoàn. Trong số đó, đa phần là trẻ nhỏ, một số trường hợp là người trưởng thành ngoài 30 tuổi.
Các bé trai có tinh hoàn ẩn có tỷ lệ ung thư tinh hoàn cao hơn so với các trẻ khác khi đến tuổi trưởng thành. Ảnh: TNS. |
Gần đây nhất, bác sĩ Liên cùng các đồng nghiệp vừa điều trị cho một trường hợp 34 tuổi bị ẩn tinh hoàn bẩm sinh.
Nam bệnh nhân biết mình bị ẩn tinh hoàn từ khi lên 9-10 tuổi, nhưng vì xấu hổ nên không dám chia sẻ với ai. Gần đây, khi đi khám, các bác sĩ yêu cầu anh phải điều trị nếu không muốn bị ung thư tinh hoàn.
Nhiều năm trong nghề, bác sĩ Liên đã gặp không ít gia đình dù phát hiện sớm con bị ẩn tinh hoàn nhưng chủ quan không chữa bệnh hoặc sợ con nhỏ không dám đưa đi phẫu thuật.
“Điều này hết sức nguy hiểm, vì càng để lâu, nguy cơ xảy ra biến chứng càng cao. Bệnh có thể gây ung thư tinh hoàn, thậm chí vô sinh và nguy hiểm hơn nữa là gây nghẹt ruột, dẫn tới tử vong”, bác sĩ Liên cảnh báo.
Chuyên gia cho biết phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả đối với các trường hợp ẩn tinh hoàn. Bệnh nhân cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể tiến hành phẫu thuật.
Theo bác sĩ Liên, nguyên nhân dẫn đến việc tinh hoàn bị ẩn chưa được xác định rõ ràng. Những yếu tố nguy cơ được xác định là tình trạng viêm nhiễm, sinh non, có yếu tố gia đình…
Để sớm phát hiện con bị tinh hoàn ẩn, chuyên gia khuyến nghị các bà mẹ khi mang thai nên khám sàng lọc trước sinh để có thể phát hiện dị tật từ sớm.
Ngoài ra, khi đứa trẻ sinh ra, nhân viên y tế cần phải kiểm tra ngay cơ quan sinh sản, xem có đủ tinh hoàn, lỗ niệu đạo, hậu môn hay không, từ đó tư vấn kịp thời với gia đình.
Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cần được thực hiện thường xuyên trong trường học. Điều đó giúp học sinh có thể biết được mình có bị khiếm khuyết hay không và sau này khi đến tuổi làm cha, làm mẹ, họ đủ kiến thức để sàng lọc cho chính con mình.